Tìm hiểu cơ chế bệnh thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là bệnh lý rất phổ biến hiện nay, không chỉ xảy ra ở những người lớn tuổi mà người trẻ mắc bệnh cũng ngày một nhiều. Tìm hiểu cơ chế bệnh thoái hóa khớp, hệ lụy do thoái hóa gây ra và cách chẩn đoán, điều trị trong bài viết sau đây.

1. Cơ chế bệnh thoái hóa khớp sinh ra và tiến triển

Thoái hoá khớp là một bệnh cơ xương khớp mạn tính, còn được gọi là viêm xương khớp do thoái hoá. Đặc trưng của bệnh là tình trạng tổn thương sụn, xương dưới sụn và giảm chất lượng dịch khớp. Cụ thể khi khớp bị thoái hoá, các sụn dưới khớp bị bào mòn, xù xì, có thể thể làm trơ ra đầu xương dưới sụn. Sự thay đổi của vùng xương dưới sụn thúc đẩy các phản ứng tạo chất gây viêm, gây đau và sưng tấy.

Quá trình thoái hóa tác động đến cả sụn, xương và màng hoạt dịch khớp. Có 2 cơ chế chính được cho là làm khởi phát quá trình thoái hóa gồm:

1.1 Cơ chế bệnh thoái hóa khớp: Tổn thương lặp đi lặp lại của sụn khớp do chịu lực hoặc chấn thương

Các chấn thương lặp đi lặp lại được cho là những yếu tố quan trọng dẫn đến khởi phát và gây ra thoái hóa khớp. Cụ thể, sự tổn thương do thoái hóa thường khu trú ở các vị trí sụn chịu lực hay ở các vị trí sau chấn thương. Khi gặp các tác động này, các tế bào sụn sẽ phản ứng lại bằng cách giải phóng ra các enzyme gây thoái hóa, đồng thời tạo ra các đáp ứng sửa chữa không đầy đủ. Cơ chế này tồn tại ở đa số trường hợp thoái hóa.

1.2 Cơ chế bệnh thoái hóa khớp: Sự khiếm khuyết của sụn khớp

Cơ chế này xảy ra ở một số ít trường hợp thoái hóa, ví dụ sự thiếu hụt các gen tạo nên collagen type 2 làm cho sụn khớp trở nên kém chịu lực hơn so với bình thường, làm khởi phát quá trình thoái hóa khớp.

Khi quá trình thoái hóa khởi phát, một loạt các bất thường khác sẽ xảy ra sau đó trên sụn khớp bị thoái hóa, bao gồm các dẫn truyền cơ học, sự tương tác giữa một loạt các yếu tố như các protease, các ức chế protease và các cytokine.

Cơ chế bệnh thoái hóa khớp là gì?

Tổn thương lặp đi lặp lại của sụn khớp là một trong những cơ chế gây thoái hóa khớp.

2. Các yếu tố nào làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp?

Các yếu tố gây thoái hóa khớp gồm gen, chuyển hóa, sinh hóa và cơ sinh học… Ngoài ra, béo phì, tuổi tác, sự thay đổi hormone cũng là các yếu tố nguy cơ dẫn đến quá trình thoái hóa ở sụn, chất nền sụn khớp và các tổ chức ngoài sụn như xương dưới sụn, màng hoạt dịch.

– Tuổi: Các nghiên cứu cho thấy tuổi càng lớn thì tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp càng cao.

– Giới tính và hormone: Thoái hóa khớp là bệnh thường gặp ở nữ giới, có thể liên quan đến hormone estrogen.

– Chủng tộc: Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thoái hóa khớp gối ở nữ giới là người Mỹ gốc Phi thường cao hơn chủng tộc khác.

– Các bệnh lý bẩm sinh: Các bệnh lý bẩm sinh hay mắc phải dễ gây tổn thương khớp háng.

– Yếu tố gen: Yếu tố gen có mối liên quan chặt chẽ với thoái hóa ở khớp bàn tay hơn là khớp gối hay khớp háng

– Hoạt động thể lực quá mức: Hoạt động quá mức có thể dẫn đến tổn thương sụn khớp, dẫn đến thoái hóa.

– Béo phì: Những người béo phì, đặc biệt có vòng bụng lớn, thường gặp phải các rối loạn chuyển hóa dễ làm phát sinh thoái hóa.

– Chấn thương: Đây là yếu tố quan trọng khiến sụn khớp bị tổn thương.

– Thiếu hụt vitamin: Thiếu vitamin D và C có thể làm tăng tỷ lệ thoái hóa khớp.

3. Triệu chứng thoái hóa khớp

Bệnh thoái hóa khớp ở giai đoạn đầu thường rất ít triệu chứng. Các biểu hiện thoái hóa khớp thường phát triển chậm và nặng dần theo thời gian, thường gặp nhất là:

3.1 Đau nhức

Trong hoặc sau khi vận động, các khớp bị thoái hóa có thể xuất hiện tình trạng đau nhức. Các cơn đau này thường âm ỉ và biến mất khi người bệnh nghỉ ngơi. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, các cơn đau có thể tăng nặng về mức độ và kéo dài hơn, gây nhiều đau đớn và phiền toái cho người bệnh.

3.2 Cứng khớp

Tình trạng cứng khớp khiến người bệnh khó đi lại, vận động. Triệu chứng này thường đi kèm với những cơn đau và có thể cảm nhận rõ nhất sau khi bệnh nhân thức dậy, hoặc sau một thời gian người bệnh không vận động, di chuyển.

3.3 Xuất hiện tiếng khớp kêu

Khi cử động, người bệnh có thể cảm thấy nóng ran hoặc nghe thấy tiếng lộp cộp hoặc lách cách.

3.4 Teo cơ, sưng tấy

Thoái hóa khớp kéo dài có thể dẫn đến tình trạng sưng tấy làm biến dạng các khớp và cơ xung quanh khớp. Nếu không vận động trong thời gian dài, các cơ cơ thể teo lại, đầu gối bị lệch khỏi trục,…

Thoái hóa khớp gây ra những triệu chứng gì?

Đau nhức, cứng khớp là những triệu chứng thường gặp ở người bị thoái hóa khớp

4. Điều trị bệnh thoái hóa khớp

Việc điều trị thoái hóa khớp hiện nay là “gánh nặng” đối với người bệnh và toàn xã hội vì chi phí điều trị cao, hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Các phương pháp điều trị khớp bị thoái hóa chủ yếu là:

4.1 Dùng thuốc

Các loại thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid có hiệu quả nhanh chóng trong việc điều trị thoái hóa nhưng cũng có thể gây nhiều biến chứng như viêm loét dạ dày hành tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, tổn thương gan, thận… thậm chí người bệnh có thể tử vong. Khi dùng thuốc, người bệnh cần tuân thủ đơn của bác sĩ, không tự ý đổi loại hoặc liều lượng.

Chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp như thế nào?

Chẩn đoán bằng các thiết bị hiện đại giúp phát hiện sớm bệnh thoái hóa khớp và điều trị hiệu quả.

4.2 Tiêm khớp

Tiêm corticoid khớp gối giúp cải thiện triệu chứng nhanh chóng nhưng dùng kéo dài có thể gây thoái hóa sụn khớp hoặc gây biến chứng viêm khớp, nhiễm khuẩn khớp. Trong khi đó tiêm acid hyalorunic (chất nhờn) vào khớp có khả năng giúp tái tạo chức năng bôi trơn và chống xóc cho khớp nhưng hiệu quả không ổn định lâu dài, không có chức năng bảo vệ, tái tạo sụn khớp.

4.3 Vật lý trị liệu

Đây là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, ít biến chứng, tuy nhiên hiệu quả còn chưa cao. Các phương pháp vật lý trị liệu thường dùng gồm chiếu tia hồng ngoại, chườm nóng, tắm suối khoáng, đắp bùn…

4.4 Điều trị ngoại khoa

Là phương pháp được chỉ định trong những trường hợp bệnh ở giai đoạn muộn hoặc thoái hóa liên quan đến sự có biến đổi giải phẫu khớp.

Để bệnh không xảy ra hoặc tiến triển nặng thêm, mỗi người cần khắc phục các tư thế xấu có thể gây ảnh hưởng đến sụn khớp, tạo thói quen ăn uống lành mạnh, tập luyện đúng cách. Khi có các dấu hiệu tổn thương khớp, cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital