Vi khuẩn phế cầu là tác nhân chính gây ra một số bệnh lý về đường hô hấp, để lại nhiều di chứng nặng nề cho người mắc phải. Vì thế, tiêm phế cầu là phương pháp tối ưu để phòng ngừa và bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của khuẩn phế cầu, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
Menu xem nhanh:
1. Sơ lược về phế cầu khuẩn? Tiêm phế cầu phòng bệnh gì?
1.1. Phế cầu khuẩn là gì?
Phế cầu khuẩn có tên khoa học là Streptococcus pneumoniae, thường cư trú trong mũi họng của cơ thể con người. Đường lây truyền của vi khuẩn phế cầu thông qua hoạt động hô hấp, do đó chúng rất dễ dàng lây lan và phát tán trong không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Vi khuẩn phế cầu ở điều kiện bình thường sẽ không hoạt động, tuy nhiên nếu như hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu và giảm sức đề kháng, thì đó có thể là thời điểm để phế cầu khuẩn trỗi dậy và lan truyền mạnh mẽ.
Loại vi khuẩn này sẽ gây bệnh nếu như xâm nhập vào phổi, não và máu. Chúng sẽ phát tán các loại độc tố khắp cơ thể, trong trường hợp hệ miễn dịch của chúng ta không được tiêm vào những chế phẩm từ kháng nguyên, thì tế bào trong máu không thể nhận biết và kích hoạt kháng thể để chống chọi lại độc tố của phế cầu khuẩn, từ đó có thể khiến cơ thể bị nhiễm trùng và dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên trong thời đại ngày nay, các nhà khoa học đã chế tạo ra vắc xin phế cầu giúp đẩy lùi và ngăn chặn vi khuẩn phế cầu gây bệnh cho cơ thể. Do đó, nếu tiêm phế cầu đầy đủ thì chúng ta hoàn toàn không cần lo lắng về nguy cơ gây bệnh do chúng gây ra.
1.2. Tiêm phế cầu phòng bệnh gì?
Tiêm vắc xin phế cầu là phương pháp đơn giản và hữu hiệu giúp phòng ngừa các nguy cơ xâm nhiễm từ phế cầu vào trong cơ thể. Đây là một việc làm cần thiết để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân khỏi các căn bệnh nguy hiểm có liên quan đến phế cầu như:
– Viêm phổi: phế cầu khuẩn là tác nhân gây ra 60-80% các bệnh viêm phổi trong tổng số các trường hợp bệnh viêm phổi do vi khuẩn gây ra. Những triệu chứng thường thấy của viêm phổi thường là: sốt, khó thở, đau tức ngực, ho,…
– Viêm màng não: phế cầu là một trong những tác nhân gây ra bệnh phế cầu khuẩn cho trẻ nhỏ, chiếm tỷ lệ tử vong rất cao từ 5-15% dù cho đã được can thiệp và điều trị kịp thời.
– Nhiễm trùng huyết: Ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ nhỏ và người lớn tuổi, tỷ lệ tử vong là một con số khá lớn, lên đến 20% nếu không có sự can thiệp và chữa trị kịp thời.
2. Tiêm phế cầu dành cho những đối tượng nào? Chống chỉ định tiêm vắc xin phế cầu cho ai?
2.1. Đối tượng nên tiêm phế cầu
Ai trong số chúng ta cũng đều nên tiêm phòng phế cầu khuẩn để giúp phòng ngừa sự lây lan của phế cầu khuẩn vào trong cơ thể, dù bạn có là người khỏe mạnh đi chăng nữa. Đặc biệt, những đối tượng được các chuyên gia khuyến khích tiêm vắc xin phế cầu thường là những đối tượng có hệ miễn dịch yếu kém và sức đề kháng không quá tốt, cụ thể như:
– Trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ em thường là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm do phế cầu gây ra rất cao, nguyên nhân là trong độ tuổi này, hệ miễn dịch của các bé phát triển chưa hoàn thiện, do đó phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm vắc xin phế cầu đẩy đủ để chủ động phòng bệnh và đẩy lùi căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
– Người già, trên 65 tuổi. Càng lớn tuổi, các cơ quan trong cơ thể càng xơ hóa và hệ miễn dịch ngày càng kém do bạch cầu trong máu không còn hoạt động tốt như trước, do đó người lớn tuổi càng phải nên đi tiêm để phòng tránh bệnh.
– Người có hệ thống miễn dịch kém, không có kháng thể. Hệ thống miễn dịch của những người này sẽ hoạt động không tốt bằng những người có sức đề kháng tốt, do đó khi bị phế cầu xâm nhiễm, thì cơ thể sẽ không đủ khả năng chống chọi với bệnh.
– Người hút thuốc lá. Hút thuốc lá sẽ làm tổn thương hệ thống lông mao bên trong phổi, khiến chúng không thể lọc được vi trùng và bụi bẩn, từ đó dẫn đến không thể ngăn chặn được những nhân tố gây bệnh cho cơ thể.
– Người bị bệnh tim, tiểu đường, khí phế thủng, hen suyễn hoặc COPD( bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) thường có khả năng suy yếu hệ thống miễn dịch, do đó nguy cơ bị viêm phổi sẽ rất cao, cần tiêm cho những người này để hạn chế khả năng bị bệnh của họ.
– Người nghiện rượu. Uống nhiều rượu sẽ khiến cho hệ thống miễn dịch bị suy giảm, từ đó khiến cho các bạch cầu hoạt động không được tốt so với người bình thường, khả năng chống chọi với bệnh tật sẽ kém đi rất nhiều.
2.2. Đối tượng không nên tiêm phế cầu
Tuy rằng bất kỳ ai trong độ tuổi nào cũng đều nên tiêm vắc xin phế cầu, nhưng vắc xin phế cầu lại chống chỉ định với những đối tượng như:
– Phụ nữ chưa cai sữa cho con, đang cho con bú. Trong thời gian mang thai, cơ thể thai phụ sẽ thay đổi nội tiết tố bên trong, việc tiếp xúc với các kháng nguyên của vi khuẩn có thể khiến cho cơ thể người mẹ phản ứng với các thành phần của vắc xin, nếu nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi bên trong.
– Trẻ em chưa đủ 6 tuần tuổi. Lúc này, hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, nếu tiếp xúc với kháng nguyên thì các tế bào lympho của trẻ cũng không thể sinh ra kháng thể chống lại, do đó chỉ nên tiêm ngừa phế cầu khi trẻ đã đủ 6 tuần tuổi trở lên.
– Những người đang bị dị ứng với thành phần của vắc xin sau khi tiêm phế cầu. Nếu cơ thể sinh ra dị ứng nghiêm trọng như: sốc phản vệ, nổi ban đỏ, đau dữ dội nhiều vùng, buồn nôn, ngất, sốt cao liên tục trên 39 độ,… thì bạn không nên tiêm liều 2 mà hãy tìm đến bác sĩ để nhờ tư vấn cụ thể.
3. Tiêm phế cầu có lợi như thế nào?
Những người tử vong vì nhiễm phế cầu khuẩn hằng năm trên thế giới là con số không hề nhỏ. Theo thống kê vào năm 2017, phế cầu khuẩn đã khiến 2,56 triệu người trên thế giới tử vong, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm tới con số 1/3.
Tuy rằng bệnh do phế cầu khuẩn gây ra không thể bùng phát thành dịch nhưng tỉ lệ những người mắc bệnh trong cộng đồng vẫn rất cao, mà đến tận ngày nay chúng ta vẫn không thể nào xóa sổ hoàn toàn căn bệnh này khỏi môi trường sống của mình. Điều đặc biệt đáng sợ ở phế cầu khuẩn là chúng có thể gây ra rất nhiều căn bệnh nghiêm trọng cho cơ thể như: viêm màng não, viêm tai giữa, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết,… và nếu may mắn chứa khỏi thì cũng sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề sau: điếc, mù lòa, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, chứng đau đầu kéo dài,…
Việc tiêm vắc xin phế cầu đầy đủ sẽ giúp cơ thể hình thành một hàng rào bảo vệ tự nhiên trong cơ thể, các kháng nguyên đưa được vào người sẽ kích thích các tế bào lympho tạo ra kháng thể để ghi nhớ và tiêu diệt độc lực của vi khuẩn phế cầu nếu chẳng may cơ thể nhiễm bệnh. Từ đó sẽ giúp chúng ta giảm thiểu được những tác hại nặng nề khi nhiễm vi khuẩn phế cầu, ngăn cản sự tấn công và xâm nhập của những chủng vi khuẩn mới, hạn chế tình trạng tử vong do phế cầu gây ra.
4. Lựa chọn vắc xin phù hợp để tiêm phế cầu?
Ở Việt Nam hiện nay đang lưu hành hai loại vắc xin phế cầu phổ biến là: vắc xin Synflorix (Bỉ) và Prevenar 13 (Mỹ).
– Đối với trẻ em từ 6 tuần tuổi trở lên, phụ huynh có thể lựa chọn cho trẻ một trong hai loại vắc xin Synflorix và Prevenar 13 đều được.
– Đối với người lớn đã trưởng thành, chúng ta có thể lựa chọn vắc xin Prevena 13 vì hiệu lực của chúng mạnh mẽ hơn so với Synflorix.
5. Phản ứng thường gặp sau khi tiêm phế cầu? Sau khi tiêm cần làm gì?
Tương tự như khi tiêm phòng những loại vắc xin khác, trong thời gian đầu, cơ thể sẽ sinh ra những phản ứng để thích nghi với kháng nguyên được tiêm vào, đây là giai đoạn các tế bào trong hệ bạch huyết hoạt động để sinh ra kháng thể, giúp trung hòa các kháng nguyên của vi khuẩn, làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh khi cơ thể mắc phải.
5.1. Phản ứng phụ thường gặp sau khi tiêm phế cầu?
Sau khi tiêm vắc xin phế cầu, cơ thể sẽ sinh ra những triệu chứng điển hình khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên có trong vắc xin, cụ thể như:
– Nóng, sốt, choáng, đau đầu
– Chán ăn, uể oải, thường xuyên buồn ngủ, nôn mửa, tiêu chảy
– Đau nhức vùng vai, cánh tay, sưng đỏ vùng bị tiêm
5.2. Sau khi tiêm cần làm gì?
Thông thường ngay sau khi tiêm vắc xin, mọi người cần ở lại cơ sở y tế khoảng 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe, để trong trường hợp cơ thể có các phản ứng mạnh mẽ với vắc xin như sốc phản vệ thì sẽ được bác sĩ phát hiện và xử lý kịp thời nhanh chóng.
Trong khoảng 1-2 tuần sau tiêm, lúc này là thời điểm các kháng thể được hình thành, cơ thể sẽ thường xuất hiện các dấu hiệu mệt mỏi, tuy nhiên đây là phản ứng rất bình thường, mọi người không cần phải quá lo lắng. Có một số thứ mọi người cần lưu ý sau khi tiêm vắc xin phế cầu như:
– Nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ để quá trình sản sinh kháng thể được diễn ra nhanh chóng, dễ dàng hơn.
– Uống nhiều nước trong 3-4 ngày đầu để làm loãng bớt những thành phần trong vắc xin, giúp các tế bào trong máu đỡ phải kích hoạt một lúc quá nhiều kháng thể để chống lại kháng nguyên, tránh cho cơ thể quá mệt mỏi.
– Trong trường hợp bị sốt, có thể uống thuốc hạ sốt.
– Hạn chế hút thuốc lá,uống rượu bia trong khoảng 1-2 tuần sau tiêm phế cầu vì như thế sẽ làm giảm hiệu quả của vaccine trong quá trình hình thành kháng thể.
Qua bài viết trên, hy vọng các bạn đã bổ sung cho mình những kiến thức hữu ích xoay quanh vấn đề tiêm vắc xin phế cầu. Việc thực hiện tiêm ngừa đầy đủ thật sự mang đến rất nhiều lợi ích, giúp phòng tránh được nhiều bệnh lý do phế cầu khuẩn gây ra, là cách thức hiệu quả để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội.
Để tham khảo thêm các thông tin về tiêm phòng khuẩn phế cầu, cũng như được nhận định có đủ điều kiện tiêm chủng hay không, bạn có thể tham khảo Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI. Không gian sạch sẽ, vắc xin đảm bảo chất lượng, quy trình tiêm chủng nghiêm ngặt, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn cao chắc chắn sẽ giúp bạn có một trải nghiệm tốt khi tới tiêm phòng tại đây.