Đĩa đệm là một bộ phận nằm ở giữa liên đốt sống, cấu tạo là những bao sơ dày chắc, bao bọc một lớp nhầy bên trong, có chức năng co dãn để cột sống hoạt động dễ dàng hơn. Khi bị thoát vị đĩa đệm, đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống, thường xảy ra sau chấn thương, tai nạn…
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm
Nguyên nhân đầu tiên gây thoát vị đĩa đệm là các chấn thương cột sống do tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động.
Nhiều thói quen sinh hoạt, lao động hàng ngày cũng ảnh hưởng xấu tới xương khớp như tư thế ngồi làm việc không đúng cách gây cong vẹo cột sống, tập thể dục không đúng cách gây thoái hoá khớp, trật khớp.
Các bệnh lý cột sống bẩm sinh hay mắc phải như gai đôi cột sống, gù vẹo, thoái hóa cột sống cũng là các yếu tố thuận lợi gây bệnh.
Những người ở độ tuổi từ 30 đến 50 là có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm do đĩa đệm thường không còn mềm mại, nhân nhày có thể bị khô, vòng sụn bên ngoài xơ hóa, rạn nứt và có thể rách.
Thoái hóa đĩa đệm cũng có thể do nguyên nhân di truyền. Nếu bố mẹ có đĩa đệm yếu do bất thường về cấu trúc thì con cái cũng dễ bị thoát vị đĩa đệm.
2. Ảnh hưởng của thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm có thể để lại những hậu quả và những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh:
Bệnh nhân có thể bị tàn phế suốt đời do bị liệt trong trường hợp đĩa đệm thoát vị chèn ép tuỷ cổ.
Khi bị chèn ép các dây thần kinh vùng thắt lưng cùng, bệnh nhân có thể bị chứng đại tiểu tiện không tự chủ do rối loạn cơ tròn.
Ngoài ra bệnh nhân bị teo cơ các chi nhanh chóng, khiến sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí mất khả năng lao động.
Lao động và làm việc khó khăn ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
Thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng đến dây thần kinh. Đau dội mạnh lên khi ho, hắt hơi, rặn đại tiện.
Rối loạn cảm giác thường gặp là giảm cảm giác nông (nóng, lạnh, xúc giác) ở những khu vực khoang da tương ứng với rễ thần kinh bị tổn thương.
Rối loạn vận động: bại và liệt cơ ở hai chân do rễ thần kinh chi phối bao gồm rối loạn cơ thắt: trong tổn thương các rễ vùng xương cùng có biểu hiện lúc đầu bí tiểu sau đái dầm dề, luôn luôn có nước tiểu chảy rỉ ra một cách thụ động do liệt cơ thắt kiểu ngoại vi không giữ được nước tiểu.
Chính vì thế khi bị thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa Cơ xương khớp để được chẩn đoán chính xác tình trạng và mức độ bệnh. Từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả.
3. Cách phòng ngừa thoát vị đĩa đệm
Phòng ngừa bệnh không khó. Chúng ta cần chú ý tới chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp sẽ giúp phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.
Có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý.
Tham gia một môn thể thao vừa sức để tăng độ dẻo dai cho cột sống.
Tránh mang vác nặng quá sức. Không đứng quá lâu, đi lại quá nhiều, đặc biệt là người cao tuổi.
Khám sức khỏe định kỳ cũng là một cách giúp phòng ngừa bệnh lý xương khớp, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm.