Thoái hóa hoàng điểm tuổi già: Những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Thoái hóa hoàng điểm tuổi già không gây đau đớn nhưng rất khó hồi phục và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt của người bệnh. Do đó, người mắc thoái hóa hoàng điểm cần được điều trị kịp thời và đúng cách theo khuyến cáo của các bác sĩ nhãn khoa.

1. Thoái hóa hoàng điểm tuổi già là thế nào?

Điểm vàng (hoàng điểm) là bộ phận nằm sâu ở vùng trung tâm của võng mạc. Đây là vùng rất nhạy cảm của võng mạc do tập trung hàng triệu tế bào cảm quan để thu nhận hình ảnh, màu sắc, độ sắc nét…

Sự thoái hóa của tế bào điểm vàng khiến mắt mất khả năng nhìn chi tiết ở trung tâm thị giác gây suy giảm thị lực được gọi là thoái hóa hoàng điểm. Bệnh thường xảy ra ở người già do sự lão hóa nên còn được gọi là thoái hóa hoàng điểm tuổi già.

Bệnh không gây mù hoàn toàn nhưng lại làm giảm khả năng nhìn rõ đồ vật của mọi người. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực trên thế giới nếu không được điều trị đúng cách.

Sự thoái hóa của các tế bào điểm vàng khiến mắt mất khả năng nhìn chi tiết ở trung tâm thị giác được gọi là thoái hóa hoàng điểm

Sự thoái hóa của các tế bào điểm vàng khiến mắt mất khả năng nhìn chi tiết ở trung tâm thị giác được gọi là thoái hóa hoàng điểm

2. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi do cơ thể bước vào giai đoạn lão hóa, khiến mắt không còn sáng khỏe. Theo ước tính, có tới 12% người trên 65 tuổi mắc thoái hóa điểm vàng, 30% đối với những người trên 75 tuổi. Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới và thường mắc trong thời kỳ mãn kinh, tiền mãn kinh.

Nguy cơ mắc bệnh còn phụ thuộc vào một số yếu tố như:

– Chủng tộc: Người có màu da sáng, người châu Âu có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người châu Á.

– Tiền sử gia đình: Gia đình có người mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh ở các thế hệ sau thường cao hơn.

– Hút thuốc: Những người hút thuốc thường có nguy cơ mắc thoái hóa điểm vàng cao gấp 2 lần so với người bình thường do ảnh hưởng của các chất có hại trong khói thuốc.

– Béo phì: Người có cân nặng vượt ngưỡng cho phép làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng dạng ướt.

– Tia cực tím: Ánh mặt trời rất có hại cho sức khỏe nhãn khoa và là một trong những nguyên nhân làm tăng khả năng mắc tình trạng thoái hóa điểm vàng, suy giảm thị lực.

– Thiết bị điện tử: Sử dụng thiết bị điện tử quá lâu khiến ánh sáng xanh tác động trực tiếp vào mắt, khiến mắt thoái hóa nhanh hơn.

Người lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị thoái hóa điểm vàng với tỷ lệ lên tới 30%

Người lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị thoái hóa điểm vàng với tỷ lệ lên tới 30%

3. Dấu hiệu của bệnh

Bệnh thoái hóa điểm vàng tuổi già thường được phân thành hai loại cơ bản là: Thể khô và thể ướt. Có tới 85% những người mắc bệnh là ở thể khô nhưng 80-90% trường hợp mất thị lực nghiêm trọng lại do thể ướt gây ra.

3.1. Thoái hóa hoàng điểm thể khô

Thoái hóa hoàng điểm thể khô khiến các mô của điểm vàng mỏng đi khi tế bào thoái hóa và biến mất. Chất thải tích tụ từ tế bào hình que và hình nón có thể tạo ra cặn trong võng mạc “drusen”. Đối với thể khổ, mất thị lực trung tâm thường diễn ra khá chậm và không gây đau đớn, chảy máu. Người bệnh có ít hoặc gần như không có triệu chứng. Tuy nhiên, các triệu chứng xuất hiện thường xảy ra ở cả hai mắt. Khi ấy, tình trạng mờ mắt, suy giảm thị lực diễn ra nghiêm trọng.

3.2. Thoái hóa hoàng điểm thể ướt

Thoái hóa hoàng điểm thể ướt hình thành do các mạch máu bất thường phát triển từ hắc mạc ở dưới hoàng điểm gây xuất tiết, xuất huyết và tạo ra mô sẹo dưới điểm vàng. Ban đầu, thể ướt phát triển ở một mắt nhưng về sau có thể ảnh hưởng tới cả hai mắt. Thị lực giảm sút nhanh chóng khi điểm vàng bị thoái hóa ở thể ướt, đặc biệt là khi các mạch máu vỡ bất thường. Tầm nhìn trung tâm mờ, có gợn sóng hoặc méo mó khiến sinh hoạt của người bệnh gặp khó khăn. Trong khi đó, tầm nhìn vùng ngoài thì lại không bị ảnh hưởng quá lớn.

Sự khác biệt giữa thoái hóa điểm vàng thể khô và thoái hóa điểm vàng thể ướt

Sự khác biệt giữa thoái hóa điểm vàng thể khô và thoái hóa điểm vàng thể ướt

4. Nguyên tắc điều trị

4.1. Chẩn đoán bệnh

Bác sĩ có thể phát hiện và xác định bệnh dựa vào việc khám mắt, chụp ảnh màu đáy mắt, đo nhãn áp, chụp mạch huỳnh quang, cắt lớp quang học… Tổn thương võng mạc thường được phát hiện trước cả khi có các triệu chứng của bệnh.

Sau khi xác định chính xác bệnh lý, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho người bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của từng người.

4.2. Điều trị bệnh

Tiêm nội nhãn

Tiêm nội nhãn sử dụng thuốc ức chế tăng sinh tân mạch (kháng VEGF) như thước ranibizumab (Lucentis), aflibercept (Eylea) hay brolucizumab (Beovu)… để giảm thiểu tình trạng chảy máu, cải thiện tình trạng thoái hóa, suy giảm thị lực của người bệnh. Mũi tiêm có thể lặp lại sau từ 1-3 tháng, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của từng người.

Tiêm nội nhãn điều trị thoái hóa hoàng điểm tuổi già

Tiêm nội nhãn điều trị thoái hóa hoàng điểm tuổi già

Trị liệu bằng Laser

Ánh sáng Laser năng lượng cao được các bác sĩ sử dụng để phá hủy mạch máu bất thường hình thành và phát triển trong điểm vàng bị thoái hóa.

Laser quang động võng mạc

Sử dụng kết hợp thuốc điều trị mạch máu bất thường và chiếu tia Laser để kích hoạt thuốc mà không gây tổn hại tới các phần khác của mắt. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao khi điều trị đa xơ đơn bào không tự phát – Biến thể của thoái hóa điểm vàng thể ướt.

Đeo kính điều chỉnh

Một số thiết bị có ống kính đặc biệt có thể tạo hình ảnh phóng to của vật thể, giúp người mắc bệnh có thể tận dụng tầm nhìn còn lại để có thể sinh hoạt. Tuy nhiên phương pháp này thường không mang lại hiệu quả đáng kể và còn gây bất tiện, đặc biệt là với người lớn tuổi.

Sử dụng kính điều chỉnh thị lực để cải thiện tình trạng nhìn mờ, suy giảm thị lực do điểm vàng bị thoái hóa

Sử dụng kính điều chỉnh thị lực để cải thiện tình trạng nhìn mờ, suy giảm thị lực do điểm vàng bị thoái hóa

Bổ sung dưỡng chất

Một chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung các dưỡng chất thiết yếu như kem, vitamin C, E, Lutein, Beta-carotene… có thể kiểm soát tình trạng suy giảm thị lực của người bệnh. Người bệnh có thể ăn nhiều thực phẩm chứa các chất dinh dưỡng cần thiết này hoặc uống bổ sung dưỡng chất theo khuyến cáo của bác sĩ.

Thoái hóa hoàng điểm tuổi già là bệnh lý nguy hiểm, cần được điều trị kịp thời và đúng cách để ngăn ngừa biến chứng. Người bệnh cần được thăm khám sớm với bác sĩ nhãn khoa và tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc điều trị để đạt kết quả tốt, hồi phục thị lực hiệu quả hơn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital