Tăng nhãn áp glocom là gì? Nguy hiểm như thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Tăng nhãn áp (glocom) là một loại bệnh lý về mắt thường gặp ở người lớn tuổi, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe thị lực của người bệnh. Vậy tăng nhãn áp là gì, nguy hiểm như thế nào? Hãy tìm hiểu ở thông tin được phân tích trong bài viết dưới nhé!

1. Tăng nhãn áp (glocom) là gì?

Tăng nhãn áp hay còn gọi là glocom, cườm nước hoặc gọi theo tên dân gian là bệnh thiên đầu thống. Là chứng bệnh ở mắt khi áp suất trong nhãn cầu tăng cao, nếu không chữa trị sẽ tổn thương đến thần kinh thị giác, có thể dẫn đến mù lòa.

Thủy dịch trong mắt của người bình thường nằm trong khoảng từ 10 – 21 mmHg. Khi áp lực thủy dịch trong mắt bị tăng vượt khỏi ngưỡng bình thường, lâu dần sẽ gây tổn thương lên dây thần kinh thị giác, có thể gây mù vĩnh viễn nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời.

glocom là gì

Áp lực thủy dịch gây tổn thương trực tiếp lên dây thần kinh thị giác

2. Bệnh tăng nhãn áp (glocom) nguy hiểm như thế nào?

Glocom được coi là kẻ “âm thầm ăn cắp ánh sáng”, vì hầu hết các loại bệnh glocom thường không gây đau, không gây ra triệu chứng hay biết nào cho đến dây thần kinh thị giác bị tổn thương trầm trọng, khiến thị lực bị mất đi đáng kể. Khi được phát hiện đều là lúc dây thần kinh thị giác đã bị tổn thương nặng, có thể không thể phục hồi được nữa.

Vì thế, glocom được cho là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ không có liệu pháp điều trị nào (kể cả thuốc hay phẫu thuật) có thể phục hồi những tổn thương mà nó gây ra. Do đó, việc đi khám mắt thường xuyên để kiểm soát tốt các biến chứng nguy hiểm xảy ra cực kỳ cần thiết đối với người bệnh.

3. Có mấy loại bệnh tăng nhãn áp (glocom)?

Bệnh tăng nhãn áp (glocom) được chia thành 2 loại chính sau:

– Glocom góc đóng: góc đóng có thể là nguyên phát hay thứ phát. Được xuất hiện bởi mống mắt bị kéo trước/đẩy sau, đẩy mống mắt áp sát mặt sau giác mạc gây tắc nghẽn đường lưu thông thủy dịch, khiến cho nhãn áp bị tăng lên và gây tổn thương lên dây thần kinh thị giác.

– Glocom góc mở: góc mở cũng có thể do nguyên phát hoặc thứ phát, ở Hoa Kỳ có tới 60 – 70% trường hợp người bệnh không xác định được rõ nguyên nhân gây bệnh được gọi là glocom góc mở nguyên phát. Thị lực ở hai bên mắt đều bị ảnh hưởng, nhưng không đều nhau. Nguyên nhân hình thành có thể do: tuổi tác, di truyền, giác mạc trung tâm mỏng, mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, cận thị nặng.

4. Triệu chứng bệnh tăng nhãn (glocom) áp là gì?

– Glocom góc đóng cấp tính: Đây là trường hợp bệnh nhân cảm nhận được triệu chứng rõ ràng nhất. Các triệu chứng thường gặp là: đau mắt dữ dội, mắt đỏ lên, thị lực giảm đột ngột, nhìn thấy quầng sáng có màu xanh đỏ, nhức đầu, buồn nôn và nôn. Các triệu chứng cơ năng trên cơ thể có thể kéo đến rầm rộ đến mức bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm thành bệnh lý thần kinh hoặc tiêu hóa bởi các dấu hiệu như đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, vã mồ hôi,.. Khi thực hiện khám lâm sàng thì thấy cương tụ kết mạc, đục giác mạc, đồng tử giãn nửa vời và phản ứng viêm trong tiền phòng.

– Glocom góc mở nguyên phát: Thường diễn ra âm thầm, triệu chứng không được biểu hiện sớm. Do sự tổn hại không đều nhau của hai bên dây thần kinh thị giác, khiến các triệu chứng xuất hiện muộn hơn. Thông thường, bệnh nhân cảm nhận được tầm nhìn bị thu hẹp lại, một số trường hợp thì hay vấp cầu thang do mất nửa tầm nhìn dưới, phát hiện chữ bị mất góc khi đọc, gặp khó khăn khi lái xe.

– Glocom góc đóng mạn tính: Triệu chứng và biểu hiện được diễn ra âm thầm tương tự như góc mở. Ở một số bệnh nhân có thể bị đỏ mắt, khó chịu, nhìn mờ, hoặc nhức đầu, nhưng khi đi ngủ các triệu chứng này giảm khi khiến bệnh chủ quan không đi khám.

Hầu hết các triệu chứng và biểu hiện của glocom đều khó phát hiện ngoại trừ  glocom đóng cấp tính. Vì vậy người bệnh nên đi khám mắt thường xuyên để kiểm soát bệnh kịp thời.

khám mắt chẩn đoán glocom

Khám mắt định kì giúp người bệnh phát hiện và kiểm soát hiệu quả bệnh lý glocom

5. Điều trị tăng nhãn áp (glocom) bằng cách nào?

5.1. Điều trị bằng thuốc

Tùy theo từng loại bệnh tăng nhãn áp mà các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc khác nhau. Một số loại thuốc bác sĩ thường dùng gồm:

– Thuốc tra mắt: timolol 0,5%, pilocarpine 2 đến 4%, brimonidine 0,15 hoặc 0,2%, prostaglandin.

– Thuốc uống: acetazolamide 500 mg, glycerol, isosorbide 100 g,…

– Thuốc đường tiêm: mannitol 1,0 đến 1,5 mg / kg

Tất cả các loại thuốc nên trên đều phải được bác sĩ chỉ định và theo dõi sát sao tác dụng của thuốc. Khuyến cáo người bệnh không nên tự ý dùng thuốc nếu không được bác sĩ kê đơn để tránh các tác dụng của thuốc không mong muốn.

Điều trị bằng thuốc chỉ giải quyết tình trạng cấp cứu nhãn khoa nhằm bảo tồn thị lực cho bệnh nhân. Với các trường hợp bệnh nặng và nghiêm trọng cần sử dụng đến phẫu thuật để phục hồi thị lực.

6.2. Điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật

Ba phương pháp phẫu thuật thường dùng trong điều trị tăng nhãn áp gồm:

– Phẫu thuật cắt bè củng giác mạc: Kỹ thuật này được ra đời rất sớm, bác sĩ sẽ thực hiện cắt bỏ một phần bè củng giác mạc và mống mắt để tạo lối thoát cho thủy dịch, nhằm giúp ổn định áp suất trong mắt.

– Phẫu thuật cấy ghép ống thoát thủy dịch: Bác sĩ sử dụng một chiếc ống silicon có chiều dài khoảng 1,3 cm ghép vào mắt bệnh nhân để làm ống thoát thủy dịch. Tuy nhiên phương pháp này có nhược điểm là sau phẫu thuật bệnh nhân thường cảm thấy khó chịu do phải căng mắt, phải mất tới vài tuần để theo dõi.

– Phẫu thuật bằng laser: Với thủ thuật này, bác sĩ không cần dùng đến dao kéo mà sử dụng tia laser chiếu trực tiếp vào bè giác mạc để tạo ra các lỗ thoát thủy dịch. Phương pháp này có ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với hai phương pháp trên bởi: hoàn thành quá trình phẫu thuật chỉ mất 15 – 20 phút, hiệu quả điều trị cao, ít biến chứng. Vì vậy, phương pháp phẫu thuật bằng laser được áp dụng phổ biến nhất hiện nay.

phẫu thuật điều trị glocom

Phẫu thuật là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả nhất cho bệnh nhân glocom

Tăng nhãn áp là một bệnh lý rất nguy hiểm và cần được điều trị ngay. Người bệnh nên đi kiểm tra mắt thường xuyên để kiểm soát tốt các biến chứng nguy hiểm xảy ra, tránh nguy cơ mù lòa. Để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả, người bệnh hãy đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được bác sĩ Nhãn khoa trực tiếp thăm khám và điều trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital