Sỏi niệu quản là một trong những bệnh về sỏi tiết niệu đứng thứ 2 về số lượng người mắc, xếp sau sỏi thận. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị hiện đại, ít xâm lấn mang lại hiệu quả cao và ít biến chứng cho người bệnh: tán sỏi tại niệu quản qua da, tán sỏi niệu quản ngoài cơ thể, nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các phương pháp tán sỏi niệu quản công nghệ cao qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi niệu quản – Vì sao cần điều trị sỏi niệu quản?
1.1 Sỏi niệu quản là gì?
Sỏi niệu quản là dạng sỏi ở trong niệu quản do quá trình sỏi rơi từ trên thận xuống. Loại sỏi này sẽ gây cản trở nước tiểu từ thận xuống bàng quang, dẫn đến sự tắc nghẽn, ứ đọng nước tiểu ở thận gây ra biến chứng.
Có 3 vị trí thường xuất hiện sỏi
– Sỏi niệu quản ⅓ trên: Sỏi có mặt tại vị trí điểm nối giữa thận và niệu quản
– Sỏi niệu quản ⅓ giữa: Sỏi tồn tại đoạn chéo qua động mạch chậu
– Sỏi niệu quản ⅓ dưới: Sỏi xuất hiện ở niệu quản sát bàng quang
1.2 Các triệu chứng của người bệnh sỏi niệu quản
Khi sỏi ở lâu ngày tại niệu quản, phát triển về kích thước sẽ dẫn đến các triệu chứng được thể hiện rõ ra bên ngoài cơ thể như:
– Gặp các cơn đau: Đau vùng hố thắt lưng, cơn đau xuất hiện đột ngột, đau quặn thắt và dữ dội theo từng cơn. Người bệnh có thể cảm thấy đau vùng thắt lưng lan dần xuống vùng bẹn và tiến tới bộ phận sinh dục.
– Gặp các triệu chứng về tiểu tiện:
+ Người bệnh có thể gặp triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt, cảm thấy khó khăn để tiểu.
+ Nước tiểu có màu đục hoặc xuất hiện mủ có mùi nghĩa là bạn có thể đã gặp tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu
+ Ngoài ra còn có khả năng tiểu máu bởi bề mặt sỏi xù xì khi cọ xát vào niêm mạc niệu quản sẽ gây đau và chảy máu. Nước tiểu sẽ có màu hồng nhạt
+ Các triệu chứng sốt, rét run, buồn nôn, bụng trướng, bí trung tiện… cũng là các dấu hiệu kèm theo để nhắc nhở bạn về tình trạng bệnh.
1.3 Lý do vì sao cần điều trị sỏi niệu quản
Sỏi niệu quản có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe, gây ra nhiều biến chứng nếu không tiến hành chữa trị kịp thời.
– Ứ nước tại thận dẫn đến giãn đài bể thận: Việc ngăn chặn không để nước tiểu xuống bàng quang để đào thải ra ngoài dẫn đến ứ nước tại thận. Lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng giãn đài bể thận, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của thận.
– Viêm đường tiết niệu: Sỏi bị tắc tại niệu quản gây ra tình trạng cọ xát vào niêm mạc niệu quản, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây viêm
– Suy thận: Sỏi niệu quản khi đã phát triển lâu ngày và tăng kích thước chặn hoàn toàn đường niệu quản sẽ dẫn đến tình trạng suy thận cấp tính và mạn tính.
Trong trường hợp kích sỏi niệu quản > 1cm, để tránh nhiều biến chứng xảy ra, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp tán sỏi niệu quản như: Tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi, tán sỏi qua da. Đây là các phương pháp đang được áp dụng phổ biến, ít xâm lấn, an toàn, hiệu quả cao mà không cần can thiệp mổ hở.
2. Phương pháp tán sỏi niệu quản hiệu quả – an toàn
2.1 Phương pháp nội soi niệu quản ngược dòng trong tán sỏi niệu quản
Tán sỏi qua nội soi niệu quản được áp dụng phổ biến nhất trên thế giới với những ưu điểm như hiệu quả cao, áp dụng được ở nhiều vị trí, kỹ thuật không quá phức tạp, hậu phẫu nhẹ nhàng, bệnh nhân sớm hồi phục ra viện.
Nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi là phương pháp đưa ống nội soi từ niệu đạo vào bàng quang và lên niệu quản. Sau khi tiếp cận được sỏi tại niệu quản sẽ sử dụng năng lượng laser phá vụn sỏi, và gắp các mảnh vụn ra ngoài cơ thể bằng rọ hoặc kìm gắp sỏi.
Có hai kỹ thuật được sử dụng trong tán sỏi qua nội soi niệu quản ngược dòng:
– Nội soi niệu quản sử dụng ống cứng hay bán cứng: Là phương pháp sử dụng cho sỏi niệu quản ở vị trí ⅓ dưới và ⅓ giữa
– Nội soi niệu quản sử dụng ống mềm: Thường sử dụng để tán sỏi ở ⅓ trên niệu quản. Đây cũng là kỹ thuật phổ biến được áp dụng để đạt được tối đa hiệu quả lấy sạch sỏi khi nội soi niệu quản bằng ống cứng hay bán cứng không chạm tới được.
Phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng niệu quản bằng laser được áp dụng cho tất cả sỏi có kích thước < 2 cm. Đặc biệt còn tán được cả sỏi san hô (sỏi struvite)
Ưu điểm của kỹ thuật này mang lại cho bệnh nhân là hoàn toàn không có vết mổ, tỷ lệ sạch sỏi lên đến 100%, hạn chế nhiễm trùng, có thể ra viện ngay sau khi được theo dõi trong vòng 12-24 tiếng.
Chống chỉ định áp dụng kỹ thuật này với bệnh nhân hẹp niệu đạo, đường niệu đạo viêm nhiễm, người mắc thận ứ nước, bệnh nhân mắc rối loạn đông máu…
2.2 Phương pháp tán sỏi niệu quản qua da
Là kỹ thuật bệnh nhân sẽ được bác sĩ gây mê, sau đó sử dụng kim chọc qua da vào vị trí có sỏi tạo thành một đường hầm nhỏ từ 6 – 10mm để đưa máy nội soi vào hầm tìm sỏi. Sau khi xác định được vị trí, sỏi sẽ được tán thành mảnh vụn bằng laser và đồng thời được hút ra ngoài qua đường hầm.
Phương pháp được thực hiện khi người bệnh có sỏi niệu quản kích thước lớn ở ⅓ trên niệu quản hay ở gần sát với bể thận. Hoặc bệnh nhân đã tán sỏi ngoài cơ thể nhưng thất bại. Đặc biệt áp dụng được cả với sỏi to và sỏi phức tạp.
Ưu điểm của phương pháp này là có thể lấy toàn bộ viên sỏi sau một lần can thiệp, tỷ lệ sạch lên đến 100%. Tán sỏi qua da được xem là phương pháp can thiệp ngoại khoa xâm lấn tối thiểu nhất. Đảm bảo ít đau, ít chảy máu, sẹo nhỏ, đảm bảo tính thẩm mỹ, giảm tỷ lệ biến chứng, tỷ lệ ảnh hưởng đến chức năng thận <1 %. Sau 3 – 5 ngày nằm viện, người bệnh có thể về nhà và trở lại làm việc và sinh hoạt bình thường.
Tuy nhiên một số đối tượng được chống chỉ định sử dụng phương pháp này là người rối loạn đông máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, tăng huyết áp, bệnh nhân mắc bệnh về tim mạch, hô hấp…
2.3 Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể với vị trí sỏi ở niệu quản
Bác sĩ sẽ sử dụng sóng xung kích xuyên qua bề mặt cơ thể hội tụ tập trung vào viên sỏi để phá vỡ cấu trúc sỏi. Trong khoảng thời gian từ 7 đến 15 ngày, các mảnh sỏi vụn rất nhỏ đã bị phá vỡ bởi kỹ thuật này sẽ thoát ra ngoài trong quá trình đi tiểu. Tỷ lệ lấy sạch sỏi lên đến 80%.
Sử dụng phương pháp này bệnh nhân không hề có bất kỳ can thiệp nào vào cơ thể. Do đó sức khỏe người bệnh sẽ ổn định, không có đau đớn, và không cần nằm viện.
Yêu cầu của liệu pháp này là bệnh nhân cần uống khoảng 2 – 3 lít nước mỗi ngày để quá trình đào thải vụn sỏi qua nước tiểu nhanh và thuận lợi hơn.
Tán sỏi ngoài cơ thể ưu tiên áp dụng cho vị trí sỏi niệu quản ⅓ trên <10mm, tiếp đến là vị trí ⅓ dưới. Kích thước sỏi niệu quản chỉ từ 6mm đến <20mm.
Phương pháp này chống chỉ định đối với các trường hợp bệnh nhân là nam giới bị hẹp niệu đạo, bệnh nhân hẹp niệu quản, bệnh nhân mắc rối loạn đông máu, nhiễm trùng đường tiết niệu.
Để người bệnh có khả năng bình phục và hạn chế khả năng tái phát, bạn cần lưu ý uống nhiều nước để tốt cho quá trình bài tiết, đào thải vụn sỏi còn sót lại. Không nhịn tiểu để tránh gây áp lực cho bàng quang dẫn đến tình trạng ngược dòng, nước tiểu ứ đọng. Người bệnh cần hạn chế đồ ăn nhiều muối, thực phẩm giàu canxi oxalat để tránh kết tinh sỏi. Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn các thông tin về phương pháp tán sỏi công nghệ cao trong từng tình trạng bệnh cụ thể.