Viêm tụy cấp khiến người bệnh đau bụng âm ỉ đến dữ dội, sốt nhiễm khuẩn…. Đây là một trong những trường hợp cần được cấp cứu khẩn cấp. Tại sao khi uống rượu gây viêm tụy cấp? Nguyên nhân và cách phòng tránh viêm tụy cấp sẽ được giải đáp chi tiết ở bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Viêm tụy cấp là gì?
Viêm tụy cấp là trường hợp cấp tính, tuyến tụy bị tổn thương gây viêm phù nề, hoại tử tụy cấp. Tuyến tụy nằm phía sau dạ dày, bên cạnh ruột non, có nhiệm vụ giải phóng enzyme tiêu hóa vào ruột non, giúp tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, tuyến tụy còn giải phóng insulin và glucagon vào máu, giúp kiểm soát năng lượng trong cơ thể. Viêm tụy cấp là tình trạng tổ chức viêm đột ngột, kéo dài trong thời gian ngắn. Bệnh nhân có những triệu chứng từ nhẹ đến nặng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
2. Các triệu chứng cảnh báo viêm tụy cấp thường gặp
Bệnh nhân viêm tụy cấp sẽ có một số triệu chứng điển hình cảnh báo như sau:
– Đau bụng, chướng bụng: Cơn đau bụng đột ngột, mức độ từ nhẹ đến nặng, đau liên tục, có những cơn đau dữ dội. Cơn đau bụng cấp vùng thượng vị, hạ sườn trái hoặc phải, đau lan ra sau lưng.
– Buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc bí trung đại tiện
– Hội chứng nhiễm trùng: bệnh nhân sốt, nhiễm trùng nhiễm độc, bụng chướng, đau lan rộng, có xuất huyết nội, mảng bầm tím quanh rốn hoặc vùng hông…
– Vàng da
3. Những nguyên nhân thường gặp dẫn đến viêm tụy cấp
3.1 Sỏi mật
70% các trường hợp viêm tụy cấp là do sỏi mật và uống nhiều rượu. Sỏi túi mật làm tăng áp lực trong lòng ống tụy, gây tắc nghẽn hoặc phù khi viên sỏi di chuyển. Tăng áp lực ống tụy làm kích hoạt enzym tiêu hóa từ tế bào nang tuyến.
3.2 Rượu gây viêm tụy cấp
Rượu là nguyên nhân đứng thứ 2, gây viêm tụy cấp. Rượu làm hẹp ống dẫn lưu dịch tuyến tụy. Quá trình phân hủy rượu tạo nên những chất độc làm tổn thương các tế bào, hoại tử tế bào tuyến tụy, gây hiện tượng viêm tụy cấp.
3.3 Đột biến gen
Một đột biến gen trội trên nhiễm sắc thể thường của gen trypsinogen cation, gây nên viêm tụy ở 80% số người mang gen, có tính chất di truyền trong gia đình. Hoặc một số đột biến gen gây xơ nang, làm tăng nguy cơ tái phát viêm tụy.
3.4 Sau nội soi
Viêm tụy cấp có thể xuất hiện sau nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP).
3.5 Nhiễm trùng
Nhiễm trùng E.coli gây viêm tụy cấp thường gặp ở phụ nữ mang thai. Người bệnh có thể bị nhiễm trùng huyết, thương hàn, quai bị, viêm gan A hoặc B, hoặc vi khuẩn salmonella… dẫn đến viêm tụy cấp.
3.6 Tắc nghẽn gây viêm
Một số bệnh lý như: ung thư, xơ hóa, gập góc, tắc ống mật chủ, hẹp cơ vòng Oddi, nhú Vater… dẫn đến tắc ống túi mật, gây viêm.
3.7 Chấn thương
Tai nạn, ngã xe, chấn thương lao động… có thể gây tổn thương khu vực xung quanh túi mật, hoặc làm rách túi mật. Gây nên hiện tượng viêm, tắc ống mật tụy.
3.8 Một số bệnh lý khác
Một số bệnh lý khác có thể dẫn tới viêm tụy: Mỡ máu, Canxi máu tăng cao, sử dụng thuốc có chứa estrogen, steroid, lợi tiểu thiazid
4. Tại sao uống rượu gây viêm tụy cấp?
Ngoài những nguyên nhân gây viêm tụy cấp như sỏi mật, rối loạn chuyển hóa, thuốc, nhiễm trùng, chấn thương, phẫu thuật… thì có một nguyên nhân phổ biến thường gặp đó là rượu.
– Rượu gây hẹp ống nhỏ dẫn lưu dịch trong tuyến tụy, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, gây nên hiện tượng viêm tụy cấp.
– Những người uống rượu trong thời gian dài, gây nên tình trạng viêm tụy mãn tính
– Viêm tụy cấp có thể xảy ra sau một lần bệnh nhân uống nhiều rượu trong một thời gian ngắn.
– Nguy cơ viêm tụy tăng tỷ lệ thuận với lượng rượu nạp vào cơ thể. Cứ trên 4 – 7 ly ngày ở nam, trên 3 ly rượu ở nữ mỗi ngày, nguy cơ viêm tụy cấp tăng cao.
– Đợt viêm tụy cấp có thể xảy ra khi bệnh nhân nhạy cảm sau lần uống rượu nhiều trong thời gian ngắn.
– Khi tế bào nang tụy chuyển hóa rượu thành chất độc hại, khiến các tế bào tự tiêu hóa, tụy hoại tử, viêm, chết tế bào.
Khi cơ thể sử dụng nhiều rượu, làm tăng lượng enzym, gây bất ổn các hạt lysosomal và zymogen. Cùng với hiện tượng tăng liên tục quá tải canxi và kích hoạt các tế bào hình sao của tụy, có thể dẫn tới viêm tụy cấp. Ngoài ra, rượu làm tăng xu hướng hình thành các nút protein trong các ống tụy, làm thay đổi nồng độ protein tạo sỏi và tăng độ nhớt của dịch tụy. Điều này gây tắc nghẽn và cuối cùng là teo nang tuyến.
5. Biến chứng của viêm tụy cấp do rượu
Viêm tụy cấp có thể để lại những biến chứng:
5.1 Áp xe tụy
Bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng nặng, sốt cao 39 – 40℃ kéo dài trên 1 tuần. Đặc biệt, khi ấn vùng tụy rất đau, khám có mảng gồ lên, xác định khối áp xe bằng siêu âm hay chụp cắt lớp tỷ trọng.
5.2 Nang giả tụy
Vào tuần thứ 2 – 3, bệnh nhân xuất hiện khối ấn căng và tức ở vùng tụy. Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số amylase còn cao 2 – 3 lần, siêu âm có khối echo trống, chụp CT có dấu hiệu tương tự.
5.3 Tràn dịch màng bụng
Bệnh nhân có hiện tượng tràn dịch ổ bụng, do thủng hay vỡ ống tụy hay nang giả tụy vào trong ổ bụng. Thường thì nguyên nhân xuất huyết, hoại tử mạch máu làm xuất huyết trong ổ bụng.
5.4 Suy hô hấp
Bệnh nhân có tràn dịch màng phổi nhất là đáy phổi trái, xẹp phổi. Bệnh nhân có thể suy hô hấp nếu không được điều trị kịp thời.
5.5 Sốc, tụt huyết áp
Nguyên nhân gây nên tình trạng này do phối hợp nhiều yếu tố nhiễm trùng, nhiễm độc, xuất huyết và thoát dịch.
5.6 Đông máu
Hội chứng đông máu nội mạch (CIVD) là tinh như trong trường hợp viêm ruột xuất huyết hoại tử.
5.7 Viêm loét
Viêm loét dạ dày tá tràng cấp, bệnh nhân có xuất huyết dạ dày, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen.
5.8 Vô niệu, thiểu niệu
Viêm tụy dẫn đến suy chức năng thận, hoại tử tế bào thận, thượng thận.
5.9 Tăng đường máu, hạ calci máu
Viêm tụy làm rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, làm tăng đường máu, hạ calci máu.
6. Các phương pháp phòng tránh viêm tụy cấp
Để phòng tránh viêm tụy cấp chúng ta cần:
6.1 Hạn chế rượu gây viêm tụy cấp
Hạn chế tối đa rượu, bia, thuốc lá… nạp vào cơ thể mỗi ngày. Hãy biết từ chối những cuộc vui, uống liều lượng vừa phải để bảo vệ cơ thể.
6.2 Dinh dưỡng
Hạn chế ăn mặn, ăn uống khoa học, hợp vệ sinh, không ăn đồ tái sống.
6.3 Thăm khám định kỳ
Những người có bệnh lý nền như đái tháo đường, sỏi mật, mỡ máu, gan nhiễm mỡ… nên được đi khám định kỳ để được tầm soát nguy cơ ung thư.
Viêm tụy cấp là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong. Rượu gây viêm tụy cấp là nguyên nhân phổ biến thứ 2 sau sỏi mật. Hạn chế rượu bia, chất kích thích, hạn chế uống nhiều một lần sau những thời gian nghỉ bẵng sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ viêm tụy cấp.