Lây lan nhanh chóng, dễ bùng phát thành đại dịch, biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng, chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắc xin phòng bệnh,… sốt xuất huyết được xếp vào danh sách những bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Nếu bạn đang quan tâm đến căn bệnh này hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về sốt xuất huyết và cách điều trị qua bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
Nguyên nhân – triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
- Nguyên nhân
Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có nhân ARN, thuộc nhóm Flavivirus, có 4 típ huyết thanh là D1, D2, D3 và D4.
Bệnh sốt xuất huyết lan truyền chủ yếu do muỗi Aedes albopictus và Aedes aegypti. Muỗi cái Aedes hút máu bệnh nhân nhiễm virus Dengue, virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi từ 8 – 11 ngày rồi tiếp tục truyền bệnh cho người, virus đi vào cơ thể người rồi tiếp tục lây truyền theo vòng tuần hoàn nói trên.
Thông qua muỗi Aedes, virus Dengue có thể lây từ người bệnh sang người lành. Tuy nhiên, virus này không lây trực tiếp từ người sang người.
- Triệu chứng:
-Sốt cao 39 – 40 độ C đột ngột, liên tục không hạ được sốt trong vòng 3 – 4 ngày.
-Trên da xuất hiện những vết chấm đỏ hay vết bầm.
-Có hiện tượng chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu nướu răng.
-Đau mỏi cơ, đau sau hốc mắt.
-Nôn, đi ngoài ra máu tươi hoặc máu cá lợn cợn.
-Sốc: Mệt mỏi, li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh (thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6).
Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, khi có các triệu chứng dưới đây, người bệnh cần phải nhập viện ngay:
- Cơ thể bồn chồn hoặc kích thích, vật vã, li bì…
- Tình trạng nôn tăng.
- Đau bụng và đau mỏi cơ thể tăng mạnh.
- Tiểu ít đi.
- Xuất huyết (chảy máu chân răng, máu cam, đi tiểu, đại tiện…)
Sốt xuất huyết và cách điều trị
Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà nếu bệnh nhân không có các bệnh lý đi kèm, không có các dấu hiệu cảnh báo. Vào những thời điểm bùng phát của dịch sốt xuất huyết, 80% bệnh nhân sốt xuất huyết được tư vấn điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bệnh nhân điều trị tại nhà vẫn cần được bác sĩ khám và tư vấn. Bác sĩ sẽ tư vấn để bệnh nhân nghỉ ngơi, sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách, chăm sóc dinh dưỡng tốt giúp nhanh chóng hồi phục. Trong quá trình điều trị tại nhà, nếu thấy bệnh nhân sốt cap, đau hốc mắt, đau nhức xương khớp, mệt mỏi, vật vã, li bì… cần đưa bệnh nhân đến viện càng sớm càng tốt để được xử trí kịp thời.
Những bệnh nhân sốt xuất huyết có các bệnh lý kèm theo như tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận, suy gan, béo phì, trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuôi… cần được nhập viện để điều trị do sốt xuất huyết có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm làm bệnh nặng hơn hoặc các bệnh lý có sẵn khiến sốt xuất huyết biến chứng nguy hiểm.
Tính đến thời điểm này, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh. Điều trị sốt xuất huyết chủ yếu là điều trị triệu chứng. Khi sốt cao 38,5 độ C trở lên, người bệnh được chỉ định dùng paracetamol, tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/ngày với người lớn để hạ sốt. Người bệnh tuyệt đối không dùng aspirin, analgin, ibuprofen để hạ sốt vì thể gây xuất huyết, toan máu rất nguy hiểm.
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, bù nước qua đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch. Tuy nhiên, không nên tự ý truyền nước vì có thể gây sốc rất nguy hiểm. Bệnh nhân sốt xuất huyết truyền nước cần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Lưu ý chế độ dinh dưỡng để bệnh nhân nhanh chóng hồi phục.