Một số dấu hiệu ung thư trực tràng cần chú ý
Ung thư trực tràng là một căn bệnh tiềm ẩn, có thể phát triển âm thầm trong cơ thể mà không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, việc nhận biết sớm các dấu hiệu có thể giúp bạn phát hiện bệnh kịp thời và tăng cơ hội điều trị thành công. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn kiến thức về các dấu hiệu ung thư trực tràng, giúp bạn chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của mình.
1. Bỏ túi thông tin cơ bản về ung thư trực tràng
1.1. Trực tràng nằm ở đoạn nào trên cơ thể?
Trong hệ tiêu hóa, trực tràng là đoạn cuối của ruột già, nằm giữa đại tràng và ống hậu môn, dài khoảng 15-20 cm. Chức năng chính của trực tràng là lưu trữ và đẩy phân ra ngoài qua ống hậu môn. Trực tràng, cùng với đại tràng, đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ nước, muối và loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể.
1.2. Nguyên nhân ung thư trực tràng
Ung thư trực tràng phát sinh khi tế bào ở niêm mạc ruột già phân chia mất kiểm soát, tạo thành khối u ác tính. Mặc dù nguyên nhân cụ thể gây ung thư trực tràng vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng vẫn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bao gồm:
– Di truyền: Các hội chứng như Lynch (HNPCC) và FAP (đa polyp tuyến gia đình) làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư trực tràng.
– Đột biến gen: Một số đột biến gen có thể dẫn đến ung thư mà không thông qua polyp tiều ung thư.
– Tiền sử bệnh lý đường tiêu hóa: Viêm đại tràng mãn tính, Crohn kéo dài trên 8 năm làm tăng nguy cơ cao.
– Phơi nhiễm bức xạ: Xạ trị vùng bụng trước đó ảnh hưởng lên trực tràng.
– Chế độ ăn uống và lối sống: Tiêu thụ ít chất xơ, ăn nhiều thịt đỏ, chế biến sẵn, uống rượu bia, hút thuốc, ít vận động, béo phì, đái tháo đường typ 2.

1.3. Đối tượng dễ gặp nguy cơ ung thư trực tràng
Mọi đối tượng đều có nguy cơ, nhưng ung thư trực tràng thường gặp hơn ở:
– Người trên 50 tuổi, đặc biệt là từ 60 trở lên.
– Người có người thân cấp một từng mắc ung thư ruột già.
– Người có hội chứng di truyền như Lynch hoặc FAP.
– Người từng có viêm đại tràng mãn tính.
– Người có chế độ ăn nghèo dinh dưỡng, thừa cân, lười vận động hoặc lạm dụng rượu thuốc.
2. Cần nhận biết sớm một số dấu hiệu ung thư trực tràng
2.1. Hình dạng phân thay đổi xuất hiện máu cũng là dấu hiệu ung thư trực tràng
Sự xuất hiện máu trong phân là một triệu chứng cảnh báo rất quan trọng của ung thư trực tràng. Máu có thể có màu sắc khác nhau tùy thuộc vào vị trí khối u và thời gian máu tồn tại trong ruột:
– Máu đỏ tươi: Thường cho thấy máu mới chảy ra, có thể từ khối u gần hậu môn hoặc từ trĩ.
– Máu đen, phân có màu hắc ín: Cho thấy máu đã được tiêu hóa một phần, thường từ khối u nằm cao hơn trong đường tiêu hóa hoặc do chảy máu từ dạ dày, ruột non.
– Máu lẫn trong phân: Máu có thể không nhìn thấy rõ bằng mắt thường mà chỉ phát hiện được khi xét nghiệm phân ẩn máu.
Ngoài ra, hình dạng phân thay đổi cũng là một dấu hiệu đáng lưu ý. Phân có thể trở nên dẹt, nhỏ, hoặc hình dạng bất thường do khối u đang phát triển trong trực tràng làm hẹp lòng ruột. Mặc dù máu trong phân có thể do nhiều nguyên nhân lành tính khác như trĩ, nứt kẽ hậu môn, hoặc viêm loét đại tràng, nhưng nếu bạn gặp triệu chứng này, cần phải đi khám bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán.
2.2. Gặp tình trạng tiêu chảy
Tiêu chảy kéo dài hoặc tái đi tái lại không rõ nguyên nhân là một trong những dấu hiệu cần cảnh giác của ung thư trực tràng. Điều này xảy ra khi khối u trong trực tràng gây kích ứng niêm mạc ruột, làm tăng tốc độ di chuyển của phân qua đường tiêu hóa, hoặc ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ nước của ruột. Nếu bạn bị tiêu chảy thường xuyên, không liên quan đến chế độ ăn uống hay các bệnh lý cấp tính khác, và tình trạng này kéo dài hơn vài tuần, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
2.3. Táo bón thường xuyên là một trong dấu hiệu ung thư trực tràng
Trái ngược với tiêu chảy, táo bón kéo dài cũng là một dấu hiệu quan trọng của ung thư trực tràng. Táo bón có thể kéo dài trong một thời gian ngắn hoặc trở thành mãn tính. Tình trạng táo bón lâu dài có thể dẫn đến tắc nghẽn phân hoặc tắc ruột.
Táo bón có thể là một dấu hiệu hoặc triệu chứng của các bệnh ung thư chèn ép lên các cơ quan trong bụng, làm cản trở sự di chuyển của phân qua ruột, hoặc ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở cột sống kết nối với ruột của bạn. Nếu bạn thường xuyên bị táo bón mà không rõ nguyên nhân, đặc biệt là khi đi kèm với các dấu hiệu khác như máu trong phân hoặc thay đổi hình dạng phân, bạn cần đi khám để được kiểm tra.

2.4. Cân bị sụt không rõ nguyên nhân, lý do
Giảm cân bất thường mà không có lý do rõ ràng là dấu hiệu phổ biến ở nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư trực tràng. Ung thư có thể làm cơ thể tiêu hao năng lượng nhiều hơn, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, hoặc gây chán ăn. Nếu bạn mất một lượng lớn cân nặng (ví dụ, hơn 5% trọng lượng cơ thể trong 6-12 tháng) mà không thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện hoặc lối sống, đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo cần được lưu ý.
2.5. Khó chịu ở bụng, xuất hiện các cơn đau
Cảm giác đau âm ỉ hoặc co thắt liên tục ở vùng bụng dưới có thể gợi ý nguy cơ ung thư trực tràng.
– Đau âm ỉ hoặc quặn thắt: Cơn đau có thể không liên tục, nhưng nếu kéo dài và không rõ nguyên nhân, bạn cần thăm khám bác sĩ.
– Đầy hơi, chướng bụng: Cảm giác khó chịu, nặng bụng kéo dài.
– Chuột rút hoặc khó chịu sau khi ăn: Đặc biệt là khi ăn các thực phẩm gây khó tiêu.
Các triệu chứng của cơn đau này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng nếu nó kéo dài, trở nên trầm trọng hơn hoặc đi kèm với các triệu chứng khác của ung thư trực tràng, bạn cần được kiểm tra kỹ lưỡng bởi bác sĩ.
3. Phương pháp chẩn đoán khi thấy các dấu hiệu ung thư trực tràng
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ ung thư trực tràng, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chẩn đoán để xác định bệnh và giai đoạn của bệnh:
– Nội soi đại tràng trực tràng: Phát hiện sớm polyp, khối bất thường và lấy sinh thiết.
– Chụp X‑quang hoặc chụp CT (có cản quang): Giúp đánh giá mức độ lan rộng trong ổ bụng hoặc chẩn đoán giai đoạn.
– MRI: Phân biệt cấu trúc niêm mạc và xác định khoanh vùng tổn thương.
– Chụp PET‑CT: Tìm di căn xa và đánh giá mức độ hoạt động của tế bào ung thư.
– Siêu âm nội trực tràng (ERUS): Xác định giai đoạn tổn thương tại thành ruột.
– Xét nghiệm CEA: Đánh giá mức chất chỉ thị ung thư và theo dõi hiệu quả điều trị.

Theo GLOBOCAN 2020, ung thư đại – trực tràng đứng thứ 3 về số ca mắc mới và thứ 2 về số ca tử vong tại Việt Nam. Đây là căn bệnh ung thư không thể xem nhẹ bởi nhiều trường hợp phát hiện muộn khi đã có di căn hoặc tổn thương sâu. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu ung thư trực tràng sẽ giúp tầm soát hiệu quả. Đặc biệt, nam và nữ từ 50 tuổi trở lên nên đi nội soi đại tràng định kỳ 5 năm/lần, hoặc sớm hơn nếu có tiền sử gia đình hoặc hội chứng di truyền.