Nguyên nhân suy hô hấp và những yếu tố gây bệnh thường gặp
Suy hô hấp là một tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Việc hiểu rõ nguyên nhân suy hô hấp và các yếu tố nguy cơ sẽ giúp mọi người chủ động phòng tránh, phát hiện sớm và hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn kiến thức về những nguyên nhân phổ biến gây suy hô hấp và cách nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo, giúp bạn chủ động bảo vệ sức khỏe hô hấp cho bản thân và gia đình.
1. Nhận biết cơ bản về tình trạng suy hô hấp
Suy hô hấp là một hội chứng phức tạp, không phải là một bệnh độc lập, mà là hậu quả của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau tác động đến hệ hô hấp. Về cơ bản, suy hô hấp xảy ra khi phổi không thể cung cấp đủ oxy cho máu hoặc không thể loại bỏ đủ CO2 ra khỏi máu. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng nghiêm trọng trong cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan quan trọng như tim và não.
Tình trạng suy hô hấp có thể cấp tính, nghĩa là khởi phát đột ngột và nghiêm trọng, thường cần can thiệp y tế khẩn cấp. Hoặc nó có thể là mạn tính, phát triển từ từ theo thời gian do các bệnh lý phổi kéo dài, và thường kéo dài dai dẳng, gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.
2. Nguyên nhân suy hô hấp cần biết để phòng ngừa
2.1. Khó khăn khi hít thở
Đây là những nguyên nhân làm giảm khả năng không khí đi vào phổi, chủ yếu do những yếu tố tình trạng bệnh lý có sẵn:
– Viêm phổi nặng: Viêm nhiễm làm tổn thương và lấp đầy các túi khí nhỏ trong phổi (phế nang) bằng dịch và tế bào viêm, cản trở oxy đi vào máu.
– Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS): Một tình trạng viêm phổi cấp tính nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân (nhiễm trùng huyết, chấn thương, viêm tụy cấp…), gây tổn thương nặng nề màng phế nang – mao mạch, dẫn đến phù phổi và suy hô hấp cấp tính.
– Phù phổi cấp: Thường do suy tim trái, khiến máu ứ đọng ở phổi và dịch thoát vào các phế nang, làm phổi bị “ngập” và không trao đổi khí được.
– Thiếu máu nặng: Mặc dù phổi hoạt động bình thường, nhưng nếu không có đủ hồng cầu mang oxy, cơ thể sẽ thiếu oxy trầm trọng, dẫn đến các triệu chứng suy hô hấp.

2.2. Tình trạng khó khăn khi thở ra
Những nguyên nhân này làm không khí bị kẹt lại trong phổi, khiến việc thải CO2 gặp trở ngại như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đây là một nhóm bệnh phổi tiến triển, bao gồm viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng. Bệnh làm đường thở bị thu hẹp vĩnh viễn, tắc nghẽn luồng khí và cản trở việc thở ra. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây suy hô hấp mạn tính, đặc biệt ở người hút thuốc lá.
Ngoài ra, người bệnh có khả năng mắc suy hô hấp nếu như đã có tình trạng hen phế quản nặng hoặc cơn hen cấp tính. Khi cơn hen bùng phát, đường thở bị co thắt, sưng viêm và tiết nhiều đờm, gây tắc nghẽn và làm người bệnh rất khó thở, đặc biệt là khó thở ra.
2.3. Xẹp phổi là một trong những nguyên nhân suy hô hấp
Xẹp phổi là tình trạng một phần hoặc toàn bộ phổi bị mất thể tích, không còn khả năng giãn nở bình thường và thực hiện chức năng trao đổi khí. Tình trạng này thường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau từ phổi:
– Tràn khí màng phổi: xảy ra khi không khí xâm nhập vào khoảng trống giữa phổi và thành ngực, tạo áp lực đè ép làm phổi bị xẹp. Tình trạng này có thể xuất hiện sau chấn thương ngực, do biến chứng của một số bệnh phổi như COPD, hoặc đôi khi xảy ra một cách tự phát mà không rõ nguyên nhân.
– Tràn dịch màng phổi: Sự tích tụ quá nhiều dịch trong khoang màng phổi (do viêm, nhiễm trùng, suy tim, ung thư…) cũng sẽ chèn ép phổi, gây xẹp phổi và suy hô hấp.
– Xẹp phổi do tắc nghẽn: Một khối u, dị vật hoặc nút nhầy trong đường thở có thể làm tắc nghẽn khí, khiến phần phổi phía sau chỗ tắc bị xẹp.
2.4. Dịch trong màng phổi
Tích tụ dịch trong phổi là nguyên nhân chính gây cản trở trao đổi khí và dẫn đến suy hô hấp. Phù phổi xảy ra khi dịch rò rỉ từ mạch máu vào phế nang, thường do suy tim trái khiến máu ứ đọng trong phổi. Viêm phổi do vi khuẩn, virus hoặc nấm cũng gây viêm và tích dịch trong phế nang, làm giảm khả năng hấp thụ oxy. Ngoài ra, hít phải nước, dịch dạ dày hoặc hóa chất độc hại có thể gây tổn thương phổi cấp tính, khiến dịch tích tụ và cản trở hô hấp.

2.5. Vấn để ở cơ hô hấp là yếu tố nguyên nhân suy hô hấp
Hô hấp là một quá trình cần sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều nhóm cơ, trong đó có cơ hoành và các cơ liên sườn. Khi các cơ này bị suy yếu hoặc liệt, khả năng hô hấp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến suy hô hấp. Một số bệnh lý thần kinh cơ thường gặp có thể gây ra tình trạng này bao gồm
– Bệnh nhược cơ:một bệnh tự miễn khiến các cơ vân, kể cả cơ hô hấp, trở nên yếu dần
– Hội chứng Guillain-Barré: rối loạn thần kinh hiếm gặp gây yếu cơ và liệt tiến triển
– Bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS): bệnh tiến triển làm yếu và liệt các cơ, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hô hấp
Đặc biệt, nếu tổn thương ở vùng tủy sống cổ có thể làm liệt hoàn toàn hoặc một phần cơ hoành và các cơ hô hấp khác, gây suy hô hấp nặng, thường cần thở máy.
2.6. Các tình trạng ảnh hưởng đến sự kiểm soát hô hấp của não bộ
Trung tâm hô hấp nằm trong não bộ đóng vai trò then chốt trong việc điều khiển nhịp thở của chúng ta. Khi trung tâm quan trọng này bị ảnh hưởng, nhịp thở có thể bị rối loạn nghiêm trọng, hoặc thậm chí ngừng hoàn toàn, dẫn đến suy hô hấp. Có nhiều tình trạng có thể gây ra vấn đề này. Chẳng hạn, một cơn đột quỵ nếu xảy ra ở vùng não kiểm soát hô hấp, đặc biệt là thân não, có thể làm rối loạn nhịp thở hoặc gây ngưng thở đột ngột. Tương tự, chấn thương sọ não nặng cũng có thể dẫn đến phù não hoặc tổn thương trực tiếp trung tâm hô hấp.
3. Những yếu tố ảnh hưởng tới tình trạng suy hô hấp
Bên cạnh các nguyên nhân suy hô hấp trực tiếp, một số yếu tố làm tăng nguy cơ hoặc khiến bệnh nặng hơn:
– Độ tuổi: Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh hô hấp do đường thở hẹp, hệ miễn dịch yếu. Người cao tuổi có chức năng phổi kém, phổi giảm đàn hồi, nhiều bệnh nền như tim mạch, tiểu đường.
– Môi trường nghề nghiệp: Người làm việc trong môi trường nhiều bụi, khói hóa chất (xưởng gỗ, mỏ, xưởng sơn…) có nguy cơ mắc các bệnh phổi nghề nghiệp, dẫn đến xơ phổi và suy hô hấp.
– Bệnh mạn tính: Các bệnh tim mạch (đặc biệt suy tim), tiểu đường không kiểm soát, bệnh thận mạn, hệ miễn dịch yếu (HIV, ung thư) dễ gây nhiễm trùng, phù phổi và làm tăng nguy cơ suy hô hấp.

Suy hô hấp là tình trạng nghiêm trọng nhưng có thể phòng ngừa nếu hiểu rõ nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ. Điều này sẽ giúp phát hiện và điều trị kịp thời, giảm thiểu biến chứng cho người bệnh. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu khó thở hoặc các triệu chứng bất thường về hô hấp.