Hiểu thêm về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) giai đoạn 4
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một căn bệnh hô hấp phổ biến và đáng lo ngại, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về COPD, đặc biệt là giai đoạn 4, từ cơ chế hình thành, triệu chứng, cách chẩn đoán cho đến các phương pháp điều trị hiệu quả, giúp bạn chủ động hơn trong việc đối phó với căn bệnh này.
1. Các giai đoạn mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Theo Tổ chức Sáng kiến toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (GOLD), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được phân chia thành 4 giai đoạn, dựa trên mức độ tắc nghẽn luồng khí đo bằng hô hấp ký kết hợp đánh giá mức độ triệu chứng lâm sàng. Cụ thể chỉ số FEV1 (thể tích khí thở ra gắng sức trong 1 giây) được so với người khỏe mạnh cùng tuổi, giới tính và chủng tộc:
– Giai đoạn 1 – nhẹ (FEV1 từ 80% trở lên) – Ở giai đoạn này, người bệnh có thể không nhận thấy nhiều triệu chứng hoặc chỉ cảm thấy khó thở nhẹ khi gắng sức.
– Giai đoạn 2 – trung bình (FEV1 từ 50-79%) – Triệu chứng trở nên rõ ràng hơn, như khó thở khi đi bộ nhanh hoặc leo cầu thang.
– Giai đoạn 3 – nặng (FEV1 từ 30-49%) – Người bệnh thường xuyên khó thở, ngay cả khi làm các hoạt động nhẹ. Các cơn bùng phát (đợt cấp) có thể xảy ra thường xuyên hơn.
– Giai đoạn 4 – rất nặng (FEV1 dưới 30%) – Đây là giai đoạn cuối của bệnh, với mức độ tắc nghẽn đường thở nghiêm trọng và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.
Chỉ số GOLD càng cao, nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong do COPD càng lớn.

2. Giai đoạn 4 của COPD
2.1. Hiểu rõ về tình trạng sức khỏe giai đoạn này
Ở giai đoạn 4, hay còn gọi là giai đoạn cuối của COPD, phổi đã chịu tổn thương nghiêm trọng kéo dài nhiều năm. Chỉ số FEV1 thường dưới 30% so với người bình thường. Điều này đồng nghĩa với việc luồng khí lưu thông ra vào phổi bị cản trở nghiêm trọng. Mức độ oxy trong máu thường thấp, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Lúc này, người bệnh thường xuyên đối mặt với những đợt cấp có thể đe dọa tính mạng.
2.2. Triệu chứng giai đoạn 4 của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Ở giai đoạn 4, những triệu chứng mà người bệnh gặp phải ở các giai đoạn trước như ho, có đờm, khó thở, mệt mỏi… sẽ trở nên nặng nề và nghiêm trọng hơn rất nhiều. Ngay cả việc thở cũng khiến người bệnh tốn nhiều công sức. Bạn có thể cảm thấy hụt hơi dù không làm việc hay hoạt động nhiều, thậm chí ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Những cơn bùng phát (đợt cấp) có thể xuất hiện thường xuyên hơn và có xu hướng diễn ra ở mức độ nghiêm trọng hơn, đòi hỏi can thiệp y tế khẩn cấp.
Ngoài ra, người bệnh ở giai đoạn này có thể phát triển một tình trạng gọi là suy hô hấp mạn tính. Đây là khi phổi không cung cấp đủ oxy vào máu hoặc không thải đủ carbon dioxide ra khỏi máu hoặc cả hai. Các triệu chứng đặc trưng khác của COPD giai đoạn cuối bao gồm:
– Tiếng ran khi bắt đầu hít vào.
– Lồng ngực hình thùng (barrel chest) do phổi ứ khí kéo dài.
– Thở khò khè liên tục.
– Thở gấp kéo dài, ngay cả lúc nghỉ ngơi.
– Mê sảng hoặc lú lẫn do thiếu oxy lên não.
– Nhịp tim không đều hoặc nhịp tim nhanh khi nghỉ ngơi.
– Tăng huyết áp động mạch phổi (huyết áp cao trong các động mạch dẫn đến phổi).

3. Chẩn đoán COPD giai đoạn 4
3.1. Đo hô hấp ký
Hô hấp ký là xét nghiệm quan trọng và tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán COPD cũng như xác định giai đoạn bệnh. Trong đó người bệnh hít sâu và sau đó thổi mạnh hết sức vào một ống được kết nối với máy gọi là hô hấp kế. Thiết bị này sẽ đo:
– Dung tích sống gắng sức (FVC): Lượng không khí tối đa mà người bệnh có thể thở ra sau khi hít vào sâu nhất.
– Thể tích thở ra gắng sức trong 1 giây (FEV1): Lượng khí mà người bệnh có thể thở ra mạnh nhất trong 1 giây đầu tiên.
Ở người trưởng thành khỏe mạnh, tỷ lệ FEV1/FVC thường dao động trong khoảng 70-80%. Các yếu tố như tuổi tác, giới tính, chiều cao và chủng tộc đều có thể ảnh hưởng đến chỉ số FEV1.
3.2. Chẩn đoán hình ảnh
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ quan sát các cấu trúc bên trong lồng ngực, phổi, tim và mạch máu, hỗ trợ chẩn đoán COPD và loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự.
– Chụp X-quang ngực: Thường được sử dụng để kiểm tra các bệnh lý đi kèm hoặc đánh giá nguyên nhân gây ra các đợt cấp của COPD, như viêm phổi. Mặc dù X-quang không phải là công cụ chính để chẩn đoán COPD giai đoạn đầu, nhưng nó có thể cho thấy những thay đổi như tình trạng ứ khí hoặc các dấu hiệu của khí phế thũng ở giai đoạn nặng.
– Chụp CT scan ngực: CT scan giúp bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương phổi, đặc biệt là khí phế thũng, và loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng tương tự COPD, cũng như phát hiện các bệnh lý đồng mắc (đặc biệt là những khối u trong lồng ngực).
3.3. Kiểm tra khí máu động mạch
Xét nghiệm khí máu động mạch giúp đo lượng oxy và carbon dioxide trong máu. Nếu oxy giảm và CO2 tăng cao, đây là dấu hiệu cảnh báo phổi mất khả năng trao đổi khí bình thường. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng máy đo độ bão hòa oxy qua mạch đập. Đây là một cảm biến nhỏ gắn vào ngón tay hoặc tai để theo dõi nhanh mức độ oxy trong máu.
4. Phương pháp điều trị COPD ở giai đoạn cuối
4.1. Thuốc giãn phế quản có tác dụng trong thời gian ngắn và dài
Các loại thuốc này giúp giãn các cơ xung quanh đường thở, làm cho việc hít thở dễ dàng hơn.
– Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn: Cung cấp tác dụng nhanh chóng (trong vòng vài phút) và kéo dài khoảng 4-6 giờ, được sử dụng để giảm triệu chứng khó thở cấp tính.
– Thuốc giãn phế quản tác dụng dài: Có tác dụng chậm hơn nhưng kéo dài trong nhiều giờ (thường 12-24 giờ), được sử dụng hàng ngày để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa các đợt cấp.
4.2. Thuốc corticosteroid
Các loại thuốc này thường được dùng dưới dạng hít hoặc uống, có tác dụng giảm viêm và sưng trong đường thở, đồng thời giúp giảm sản xuất chất nhầy. Corticosteroid hít thường được chỉ định cho những người bệnh COPD nặng hoặc có tiền sử đợt cấp thường xuyên.

4.3. Liệu pháp oxy bổ sung điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Đây là phương pháp điều trị quan trọng giúp tăng mức độ oxy trong máu của người bệnh. Ở giai đoạn 4, nhiều bệnh nhân cần bổ sung oxy tại nhà để đảm bảo lượng oxy máu luôn ở mức ổn định. Việc sử dụng oxy cần có chỉ định, giám sát của bác sĩ.
4.4. Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể là một lựa chọn cho một số ít người bệnh COPD giai đoạn cuối khi các phương pháp điều trị nội khoa không còn hiệu quả. Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ phù hợp với một nhóm nhỏ bệnh nhân đáp ứng đủ các tiêu chí nghiêm ngặt và đi kèm với những rủi ro đáng kể.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) giai đoạn 4 là một thách thức lớn đối với cả người bệnh và gia đình. Tuy nhiên, với sự hiểu biết đầy đủ về tình trạng sức khỏe, các triệu chứng, và những phương pháp điều trị hiện có, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát tốt hơn các triệu chứng, giảm tần suất đợt cấp và cải thiện tiến triển của bệnh.