Các giai đoạn của phổi tắc nghẽn mãn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một tình trạng hô hấp phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về sự tiến triển của căn bệnh này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết các giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe của mình để quản lý và điều trị hiệu quả, làm chậm quá trình COPD tiến triển.
1. Giải đáp cần biết về phổi tắc nghẽn mãn tính
1.1. COPD ảnh hưởng tới cơ thể thế nào?
Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là tình trạng tổn thương phổi lâu dài, khiến đường thở bị thu hẹp và không khí ra vào phổi gặp khó khăn. Điều này dẫn đến các triệu chứng như khó thở, ho kéo dài, khò khè.
Cơ chế chính là do các đường dẫn khí trong phổi bị thu hẹp vì sưng viêm và thành đường thở dày lên. Đồng thời, các túi khí nhỏ (phế nang) trong phổi bị phá hủy, và các đường thở cùng túi khí mất đi khả năng co giãn tự nhiên. Ngoài ra, phổi còn sản xuất nhiều chất nhầy hơn, dễ gây tắc nghẽn đường thở, cản trở luồng không khí.
Khi ít không khí đi vào phổi, lượng oxy cung cấp cho các mô cơ thể cũng giảm đi. Oxy đóng vai trò thiết yếu cho hoạt động bình thường của phổi và các cơ quan. Ngược lại, carbon dioxide (sản phẩm thải từ quá trình trao đổi chất) cần được loại bỏ khỏi máu qua hơi thở ra.
Khi đường thở bị cản trở, quá trình trao đổi khí này gặp khó khăn, dẫn đến các triệu chứng hô hấp như khó thở, ho có đờm. Mỗi người mắc COPD có thể trải qua các triệu chứng khác nhau, từ nhẹ ban đầu cho đến nghiêm trọng hơn khi bệnh tiến triển.
1.2. Các loại bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần biết
COPD thực chất là một thuật ngữ bao gồm hai tình trạng chính: khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính. Nhiều người mắc COPD thường có đặc điểm của cả hai bệnh lý này.
– Khí phế thũng: Đây là tình trạng các phế nang (túi khí nhỏ trong phổi) bị tổn thương và giãn nở bất thường. Triệu chứng chính thường gặp là tình trạng khó thở. Khi mắc khí phế thũng, các thành phế nang bị phá hủy, tạo thành các túi khí lớn hơn, có thể giữ lại khí và làm giảm khả năng chuyển oxy vào máu. Tổn thương này khiến phổi mất đi độ đàn hồi, gây khó khăn trong việc hít thở và không thể phục hồi.
– Viêm phế quản mãn tính: Là tình trạng viêm kéo dài tại các ống phế quản, khiến chúng sưng lên và tiết nhiều chất nhầy, gây ho mãn tính và khò khè. Tình trạng này làm giảm khả năng đưa không khí vào và ra khỏi phổi. Không giống như viêm phế quản cấp tính (thường do nhiễm trùng và ngắn hạn), viêm phế quản mãn tính kéo dài và có xu hướng nặng hơn theo thời gian.

1.3. Cách phân chia giai đoạn tiến triển của bệnh
Theo Tổ chức Sáng kiến toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD được phân chia thành 4 giai đoạn dựa trên chỉ số FEV1 (lượng khí thở ra trong 1 giây đầu tiên) qua phép đo hô hấp ký. Ngoài ra, bác sĩ còn dựa vào bảng câu hỏi đánh giá triệu chứng như CAT hoặc mMRC để xác định mức độ ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Phân chia giai đoạn sẽ giúp xác định mức độ nghiêm trọng, từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, cải thiện khả năng hô hấp và giảm nguy cơ biến chứng.
2. Các giai đoạn của COPD
2.1. Giai đoạn 1 (nhẹ)
Ở giai đoạn này, người bệnh thường chưa nhận thấy dấu hiệu rõ rệt và có thể nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường. Chỉ số FEV1 đạt từ 80% trở lên so với mức dự đoán.
Một số người có thể xuất hiện ho khan, có đờm hoặc hơi khó thở khi hoạt động mạnh. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn này nhờ khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp kiểm soát tốt hơn, đồng thời được chỉ định sử dụng thuốc giãn phế quản dạng hít để mở rộng đường thở.
Bên cạnh đó, tiêm phòng cúm và viêm phổi cũng là biện pháp quan trọng nhằm hạn chế các đợt nhiễm trùng làm nặng thêm tình trạng COPD.
2.2. Giai đoạn 2 (trung bình)
Khi FEV1 giảm xuống 50-79% so với dự đoán, người bệnh bắt đầu cảm nhận rõ rệt các triệu chứng như ho nhiều hơn, khò khè, khó thở khi leo cầu thang hoặc khi đi bộ lâu. Đây là giai đoạn nhiều người mới phát hiện mình mắc COPD và tìm đến bác sĩ.
Ở giai đoạn này, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giãn phế quản, chương trình phục hồi chức năng phổi để giúp cải thiện chất lượng sống và hướng dẫn cách quản lý bệnh tại nhà. Trong trường hợp đợt cấp xảy ra, có thể sử dụng thêm liệu pháp oxy.

2.3. Giai đoạn 3 của phổi tắc nghẽn mãn tính (nặng)
Khi COPD tiến triển đến giai đoạn 3, bệnh được coi là nặng. Thể tích thở ra gắng sức giảm xuống chỉ còn từ 30% đến 50% so với giá trị dự đoán. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi thực hiện các công việc nhà và có thể không thể rời khỏi nhà do khó thở.
Ở giai đoạn này, nguy cơ xuất hiện các đợt cấp gia tăng, và tình trạng khó thở cùng ho thường trở nên tồi tệ hơn. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi dễ dàng hơn trước. Một số triệu chứng tiềm ẩn khác có thể gặp gồm:
– Thường hay bị cảm lạnh hoặc ốm thất thường
– Sưng phù mắt cá chân
– Cảm giác tức ngực
– Khó thở sâu
– Thở khò khè
Các lựa chọn điều trị cho giai đoạn 3 COPD tương tự như giai đoạn 2, nhưng có thể cần đến liệu pháp oxy để duy trì lượng oxy trong máu ổn định, giảm cảm giác mệt mỏi và khó thở.
2.4. Giai đoạn 4 (rất nặng)
Giai đoạn 4 là giai đoạn rất nặng của COPD. Thể tích thở ra gắng sức dưới 30% giá trị bình thường, và nồng độ oxy trong máu cũng thấp. Ở giai đoạn này, người bệnh có nguy cơ cao phát triển các biến chứng nghiêm trọng như suy tim hoặc suy phổi.
Đến giai đoạn 4, có thể sẽ trải qua các đợt bùng phát triệu chứng thường xuyên và có thể đe dọa tính mạng. Ngoài ra, còn gặp khó khăn trong việc thở ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Các hoạt động hàng ngày trở nên cực kỳ khó khăn do triệu chứng, người bệnh sẽ có ít năng lượng hơn và thường xuyên có nồng độ oxy trong máu thấp.
3. Sống chung với COPD cần lưu ý điều gì?
Dù COPD đã tiến triển đến mức nào, điều quan trọng nhất là phải thay đổi những thói quen sinh hoạt đã gây ra bệnh.
– Ngừng hút thuốc ngay lập tức để hạn chế tổn thương phổi tiến triển.
– Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung rau xanh, trái cây, chất béo tốt và protein, tránh đồ ăn nhiều muối gây giữ nước hoặc thực phẩm dễ gây đầy hơi.
– Tập thể dục phù hợp, đi bộ nhẹ, tập thở bụng hoặc các bài tập hô hấp để tăng cường chức năng phổi.
– Tiêm phòng đầy đủ cúm, viêm phổi, COVID-19 để giảm nguy cơ các đợt cấp.
– Tái khám định kỳ, đo chức năng hô hấp để kiểm tra tiến triển bệnh.
Bên cạnh đó, giữ tâm lý lạc quan, tham gia các nhóm hỗ trợ người bệnh COPD có thể giúp bạn vượt qua khó khăn và tuân thủ điều trị tốt hơn.

Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là bệnh tiến triển từ từ nhưng kéo dài, có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc hiểu rõ các giai đoạn của bệnh giúp bạn chủ động hơn trong việc quản lý triệu chứng, duy trì hoạt động hằng ngày và phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.