Sỏi ở bàng quang: Nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Sỏi ở bàng quang là hiện tượng thường gặp trong hệ tiết niệu bên cạnh sỏi thận, sỏi niệu đạo và sỏi niệu quản. Sỏi được hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau và thường gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh. Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào tính chất và kích thước viên sỏi.

1. Sỏi ở bàng quang là gì?

Sỏi bàng quang là các mảnh khoáng chất cứng xuất hiện trong bàng quang. Hiện tượng này xảy ra khi bạn không thải hết nước tiểu trong bàng quang ra ngoài. Các chất cặn trong nước tiểu sẽ liên kết lại thành các tinh thể gọi là sỏi.

Sỏi ở bàng quang có kích thước và hình dạng khác nhau

Sỏi bàng quang được tìm thấy ở bàng quang, có kích thước và hình dạng khác nhau.

2. Triệu chứng của sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang có hình dạng và kích thước đa dạng. Thông thường, các viên sỏi siêu nhỏ có thể tự đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu, còn các viên sỏi có kích thước lớn hơn không thể tự đào thải ra ngoài sẽ gây ra các triệu chứng như:

2.1 Đau bụng dưới

Người bệnh sẽ thường có cảm giác đau ở phần bụng dưới. Nguyên nhân là do sỏi lăn qua lăn lại và tác động vào bề mặt bàng quang. Cơn đau có thể diễn ra từ từ âm ỉ hoặc đột ngột dữ dội.

2.2 Gián đoạn dòng nước tiểu gây tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần

Sỏi chặn đường thoát ra của nước tiểu khiến chúng bị tắc lại gây ra tiểu rắt, tiểu nhiều lần trong ngày. Người bệnh cũng thấy đau buốt khi đi tiểu. Tình trạng này thường tăng lên khi vận động nhiều.

2.3 Tiểu máu hoặc nước tiểu sậm do sỏi ở bàng quang

Khi thận và bàng quang bị nhiễm trùng sẽ làm vẩn đục màu nước tiểu. Trong lúc tiểu tiện, sỏi bàng quang có thể theo ra bên ngoài và cọ xát vào đường tiết niệu gây chảy máu. Đó là lý do tại sao có hiện tượng tiểu lẫn máu.

Nam giới khi bị bệnh cũng thường thấy đau, khó chịu ở vùng dương vật.

3. Các nguyên nhân chủ yếu gây sỏi ở bàng quang

Sỏi bàng quang được hình thành có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau:

3.1 Sa bàng quang

Ở phụ nữ, thành bàng quang có thể sa xuống âm đạo gây chặn dòng nước tiểu. Nước tiểu không được đẩy ra ngoài sẽ lắng đọng gây tích tụ thành sỏi.

3.2 Phì đại tuyến tiền liệt gây sỏi ở bàng quang

Tuyến tiền liệt là một phần của cơ quan sinh dục ở nam giới. Khi bộ phận này bị viêm sẽ phình to lên và chặn dòng chảy của nước tiểu.Từ đó cản trở dòng tiểu, lâu ngày dẫn tới sỏi.

3.3 Hiện tượng bàng quang thần kinh

Dây thần kinh có nhiệm vụ gửi tín hiệu từ não đến các cơ bàng quang. Nếu chúng bị tổn thương hoặc gặp vấn đề sẽ khiến bàng quang hoạt động không hiệu quả gây tích tụ sỏi.

3.4 Sỏi thận rơi xuống bàng quang

Các viên sỏi thận có kích thước nhỏ có thể theo dòng tiểu trôi xuống bàng quang qua niệu quản. Chúng tồn tại trong bàng quang và trở thành sỏi bàng quang.

3.5 Viêm bàng quang

Khi bàng quang bị viêm nhiễm cũng có thể gây ra các loại sỏi. Sỏi ở mỗi người sẽ không giống nhau do chúng được kết tinh từ các yếu tố khác nhau.

3.6 Thiết bị y tế được can thiệp trong bàng quang

Các dụng cụ y tế được đặt trong bàng quang như: Thiết bị tránh thai, ống thông tiểu cũng có thể là nguyên nhân gây ra sỏi. Các chất cặn sẽ bám vào vật thể lạ được đặt trong cơ thể hình thành sỏi.

Sỏi tích tụ do phì đại tuyến tiền liệt

Phì đại tuyến tiền liệt gây cản trở dòng tiểu và lâu dần dẫn tới sỏi bàng quang.

4. Đối tượng dễ mắc bệnh

– Giới tính: Sỏi bàng quang xuất hiện chủ yếu ở nam giới (nhưng nữ giới vẫn có thể bị sỏi bàng quang).

– Độ tuổi: Những người có tuổi tác từ 50 trở lên sẽ có xu hướng mắc bệnh nhiều hơn.

– Người mắc các bệnh: Hẹp niệu đạo, u xơ tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt, ung thu tuyến tiền liệt,…

– Người bị di chứng của một số bệnh: Bệnh Parkinson, đột quỵ, tổn thương tủy sống, tiều đường, thoát vị đĩa đệm,…

5. Cách điều trị sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang có kích thước nhỏ bạn chỉ cần thực hiện chế độ ăn hợp lý, uống nhiều nước để sỏi sẽ theo dòng nước tiểu được đẩy ra khỏi cơ thể.

Khi kích thước viên sỏi đã lớn hoặc có hình thù phức tạp sẽ bị mắc kẹt trong bàng quang. Lúc này bác sĩ cần can thiệp bằng một số biện pháp.

5.1 Tán sỏi bằng nội soi

Bệnh nhân sẽ được tiến hành nội soi niệu đạo. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi có gắn camera qua lỗ tiểu phía trên âm đạo hoặc lỗ ở đầu dương vật (tùy vào tình trạng cụ thể của từng người bệnh). Hình ảnh từ camera cho phép bác sĩ tìm ra sỏi và phá vỡ chúng bằng sóng âm thanh hoặc máy bắn tia laser.

Lưu ý:

– Bệnh nhân cần được gây tê trước khi tiến hành thủ thuật.

– Phương pháp này ít để lại biến chứng tuy nhiên cũng có một số trường hợp bị nhiễm trùng. Người bệnh sẽ được dùng thuốc kháng sinh trước khi nội soi để giảm thiểu viêm nhiễm.

5.2 Loại bỏ sỏi ở bàng quang bằng phẫu thuật

Các viên sỏi có kích thước lớn và rắn không thể tán được bằng cách nội soi sẽ được chỉ định phẫu thuật. Bệnh nhân cần được mổ mở để có thể gắp sỏi đưa ra khỏi cơ thể. Phương pháp này có thể gây ra viêm nhiễm sau khi thực hiện.

5.3 Chế độ sinh hoạt khi điều trị sỏi

Người bị sỏi bàng quang nên chú ý xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học:

– Uống nhiều nước, cơ thể cần tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày.

– Tăng cường ăn bổ sung các loại rau quả tươi để cung cấp vitamin và các loại khoáng chất.

– Bổ sung 800 – 1200mg canxi mỗi ngày từ trứng, hải sản, sữa,…

– Cân bằng nhóm chất oxalat (khoai lang, rau bina,…) và canxi. Nên kết hợp cả 2 trong cùng bữa ăn.

– Nên ăn nhạt, sử dụng tối đa 2,3g muối mỗi ngày. Tránh xa các đồ uống đóng hộp vì chúng chứa hàm lượng muối cao.

– Tiêu thụ vừa phải đạm động vật đến từ các loại thịt đỏ. Khẩu phần mỗi ngày tối đã là 150g.

– Không nên sử dụng các đồ uống có cồn, có gas, chất kích thích và thuốc lá.

– Tuyệt đối không nên nhịn tiểu.

– Nên thường xuyên vận động, không ngồi quá lâu một tư thế.

– Lựa chọn rèn luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với thể chất.

– Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện các nguy cơ sỏi kịp thời.

Uống nhiều nước sẽ giúp hạn chế tích tụ sỏi

Uống nhiều nước là cách tốt nhất giúp hạn chế tích tụ sỏi.

Sỏi ở bàng quang có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm. Vì vậy ngay khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu bị sỏi bạn cần tới các bệnh viện uy tín để khám bệnh và điều trị. Sau khi sỏi được xử lý, mỗi người cũng nên có ý thức giữ gìn để không bị sỏi trở lại.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital