Sỏi niệu quản là bệnh lý có thể gây nhiều biến chứng, với biểu hiện đau nặng, ảnh hưởng lớn tới đời sống của người bệnh. Sỏi thường từ thận rơi xuống niệu quản dẫn tới tắc đường đi của nước tiểu, nếu không điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi niệu quản và những dấu hiệu điển hình của bệnh
Niệu quản là cơ quan dài khoảng 25cm có dạng hình ống, có vai trò dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang và càng về đoạn cuối của “đường ống” càng hẹp. Nếu để sỏi tồn tại lâu, nước tiểu có thể bị ứ đọng và gây nên nhiều biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe.
Sỏi xuất hiện trong hệ tiết niệu được phân chia thành 3 dạng ứng với 3 vị trí hẹp sinh lý niệu quản gồm: đoạn nối thận đến niệu quản, đoạn nối niệu quản đến bàng quang, đoạn niệu quản ở trước động mạch chậu.
Đa số sỏi trong cơ quan này có một viên hoặc nhiều viên tạo thành chuỗi, đoạn niệu quản có sỏi thường bị viêm và dày lên còn đoạn trên nơi có sỏi thường giãn to và teo nhỏ, đoạn niệu quản dưới chít hẹp lại.
Đa số khi mới có sỏi, người bệnh không cảm nhận được triệu chứng bệnh, thường giai đoạn này diễn ra 2 năm và nếu phát hiện sớm có thể điều trị nội khoa. Tuy nhiên, những triệu chứng của sỏi tiết niệu khi đã rõ ràng, người bệnh cần can thiệp điều trị chuyên sâu hơn:
– Đau: Sỏi di chuyển xuống niệu quản khiến người bệnh đau đột ngột hoặc dữ dội từng cơn từ vùng thắt lưng tới bẹn.
– Thay đổi thói quen đi tiểu: Tiểu rắt, tiểu buốt, đi tiểu ra máu do ma sát sỏi với thành niệu quản. Nước tiểu thường đục hoặc có mủ.
– Một số trường hợp người bệnh có vụn sỏi nhỏ có thể đi tiểu ra sỏi.
– Những triệu chứng khác có thể xảy ra gồm: buồn nôn, sốt, chướng bụng, khó đại tiện…
2. Nguyên nhân và biến chứng của bệnh sỏi niệu quản
2.1 Nguyên nhân gây ra sỏi ở niệu quản
Sỏi tiết niệu trong đó có sỏi ở niệu quản hình thành từ tinh thể và muối kết tinh trong nước tiểu tạo thành khối cứng, với các dạng điển hình gồm:
– Canxi oxalat: đây là trường hợp phổ biến khi cơ thể mất nước và chế độ ăn có nhiều thực phẩm chứa oxalat khiến sỏi phát triển.
– Axit uric: xuất hiện khi chuyển hóa purine tăng cao kết hợp bổ sung các thực phẩm giàu purine, nguy cơ từ bệnh gout…
– Struvit: hình thành do bệnh nhiễm trùng tiết niệu, có thể gây tích tục amoniac nước tiểu khiến tạo sỏi, loại sỏi này thường tăng kích thước rất nhanh
– Cystine: đây là loại sỏi hiếm gặp, hình thành khi thận đào thải nhiều cystine hoặc bởi rối loạn vận chuyển tái hấp thu cystine ở niêm mạc ruột và ống thận.
Những yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh gồm: tiền sử gia đình, ít uống nước, ăn uống nhiều nhóm thực phẩm có hại cho sức khỏe, béo phì, tác dụng phụ của thuốc, nhiễm trùng tiểu tái phát, gout, viêm ruột, cường giáp…
2.2 Những biến chứng nguy hiểm của sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu nói chung, sỏi niệu quản nói riêng thường phát triển âm thầm trong cơ thể. Ban đầu sỏi có thể chưa có biểu hiện rõ rệt, nhưng một khi đã phát triển lên kích thước lớn sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí mất chức năng thận vĩnh viễn. Nếu trì hoãn điều trị sỏi có thể dẫn tới nhiều biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe như:
– Giãn đài bể thận, ứ nước trong thận: Sỏi làm nước tiểu bị ứ đọng không đào thải được ra ngoài gây giãn đài bể thận
– Nhiễm khuẩn tiết niệu: Sỏi di chuyển khiến niêm mạc niệu quản tổn thương làm cho nước tiểu ứ đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi gây viêm nhiễm
– Suy thận cấp: Sỏi gây bít tắc niệu quản hai bên hoặc sỏi kẹt ở niệu quản và ở thận dẫn tới tình trạng vô niệu
– Suy thận mạn tính: Viêm tiết niệu kéo dài dẫn tới suy thận mạn tính, tế bào thận tổn thương khó phục hồi.
3. Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh
3.1 Chẩn đoán bệnh sỏi ở niệu quản bằng phương pháp nào?
Qua những triệu chứng lâm sàng và đặc điểm cơn đau (đau quặn thận, đau nhức hông lưng, đau bụng dưới), bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp như sau:
– Siêu âm: phương pháp chẩn đoán ban đầu khi thận ứ nước hoặc giãn niệu quản
– Chụp X-quang hệ tiết niệu: phát hiện sỏi niệu quản hiệu quả đạt đến 80%, trừ sỏi axit uric và sỏi cystine
– Chụp cắt lớp vi tính CT: xác định kích thước, vị trí sỏi với độ cản quang, độ chính xác cao
– Xét nghiệm máu: xác định có nhiều canxi hay axit uric trong máu hay không, đồng thời giúp theo dõi chức năng thận, đánh giá nhiễm trùng nếu có
– Xét nghiệm nước tiểu: đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn nước tiểu, mẫu xét nghiệm nước tiểu trong khoảng 24 giờ gần nhất. Qua đó cho thấy người bệnh bài tiết nhiều chất tạo sỏi hoặc ít chất ngăn tạo sỏi.
3.2 Phương pháp điều trị bệnh sỏi ở niệu quản là gì?
– Điều trị cấp cứu: áp dụng trong trường hợp sỏi gây viêm bể thận cấp tính với triệu chứng đau hông lưng kèm sốt lạnh, rét run… Bác sĩ cần giải quyết tình trạng tắc nghẽn bằng cách mở thận, đặt thông niệu quản kết hợp dùng kháng sinh điều trị, sau đó can thiệp lấy sỏi.
– Điều trị nội khoa: áp dụng khi sỏi nhỏ dưới 10mm, nhẵn và có bờ rõ nét, thận có chức năng bình thường. Trường hợp này, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị nội khoa khoảng 4-6 tuần.
– Điều trị ngoại khoa: áp dụng trong các trường hợp sau:
+ Sỏi có kích thước trên 1cm
+ Có tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu
+ Không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau
+ Điều trị Nội khoa trong thời gian dài không hiệu quả
+ Chức năng thận kém
Hiện nay, các phương pháp điều trị ngoại khoa thường được áp dụng với sỏi tiết niệu gồm: tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, tán sỏi ngược dòng và tán sỏi ống mềm.
Bên cạnh việc phát hiện, theo dõi dấu hiệu và điều trị sớm sỏi niệu quản, mỗi người cũng cần thay đổi thói quen sinh hoạt để góp phần ngăn nguy cơ tạo sỏi. Những điều cần làm như: uống nhiều nước, hạn chế những thực phẩm chứa nhiều oxalat, protein động vật, hạn chế ăn nhiều muối, tham khảo bác sĩ khi bổ sung canxi cho cơ thể…