Sỏi niệu đạo chỉ chiếm 4% tổng số ca mắc sỏi tiết niệu. Trong đó số ca sỏi niệu đạo nam giới chiếm đa số. Bệnh gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh nếu không điều trị kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân dẫn đến sỏi niệu đạo nam
– Sỏi niệu đạo hình thành do các tinh thể cứng, lắng đọng từ nước tiểu có thành phần muối và chất khoáng tại niệu đạo. Trường hợp này gọi là sỏi niệu đạo nguyên phát.
– Nguyên nhân gây sỏi niệu đạo chủ yếu do sỏi rơi từ đường tiết niệu trên xuống và kẹt lại tại niệu đạo.
– Sỏi niệu đạo ở nam giới chiếm ưu thế hơn do cấu tạo niệu đạo nam giới dài hơn nữ giới. Do đó, sỏi dễ bị kẹt lại tại đây khi di chuyển từ thận, niệu quản, bàng quang xuống. Ngoài ra, nam giới dễ bị sỏi niệu đạo hơn do đường niệu đạo dài khiến việc đào thải nước tiểu chậm hơn, sỏi dễ lắng đọng hơn. Việc viêm, hẹp bao quy đầu cũng là lý do khiến nước tiểu ứ đọng gây ra sỏi ở niệu đạo nam.
2. Biểu hiện của bệnh sỏi niệu đạo nam
2.1. Biểu hiệu đau vùng bụng dưới, đau dương vật
Sỏi niệu đạo khi phát triển kích thước lớn hoặc có bề mặt gồ ghề cọ xát gây đau dữ dội cho bệnh nhân. Cảm giác đau tăng hơn khi người bệnh di chuyển, đạp xe, vận động… Nam giới cảm nhận rất rõ bị đau phần dương vật, đặc biệt lúc đi tiểu.
2.2. Biểu hiện khó đi tiểu, bí tiểu, tiểu rắt, tiểu có lẫn máu
Sỏi gây cản trở lưu thông của nước tiểu dẫn đến tình trạng khó đi tiểu, bí tiểu. Sỏi di chuyển cọ xát và làm chảy máu niệu đạo dẫn đến biểu hiện đi tiểu có lẫn máu…
2.3. Biểu hiện sốt cao, rét run do nhiễm trùng
Khi sỏi di chuyển cọ xát gây ra tổn thương. Vi khuẩn xâm nhập những tổn thương này gây nhiễm trùng đường tiểu. Nhiễm trùng có thể lan lên bàng quang và thận gây ra triệu chứng sốt cao đột ngột.
3. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh sỏi niệu đạo nam
Sỏi niệu đạo nếu không được điều trị kịp thời sẽ rất đến những biến chứng nguy hiểm:
3.1. Sỏi niệu đạo nam gây giãn đài bể thận, thận ứ nước
Sỏi xuất hiện ở bất cứ vị trí nào tại hệ tiết niệu đều gây ra cản trở lưu thông bài xuất nước tiểu. Khi nước tiểu bị ngưng trệ dẫn đến giãn đài bể thận. Nước tiểu bị ứ đọng lậu và tần suất dày đặc hơn khiến thận bị ứ nước. Điều này dẫn đến sự chèn ép các nhu mô thận, suy giảm chức năng thận.
3.2. Sỏi niệu đạo nam gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu
Sỏi gây ra các biến chứng viêm như nhiễm khuẩn tiết niệu cấp tính. Nặng hơn dẫn đến viêm thận, viêm bàng quang. Nếu không điều trị dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người bệnh
3.3. Sỏi niệu đạo nam gây ra biến chứng suy thận
Sỏi niệu đạo có thể dẫn đến suy thận cấp và mạn tính. Đây là những biến chứng vô cùng nguy hiểm và tốn kém chi phí điều trị. Dẫn đến biến chứng này là do những biến chứng nhẹ hơn không được điều trị kịp thời, dứt điểm. Tình trạng viêm thận, ứ nước tại thận tái đi tái lại khiến tế bào thận mất chức năng.
4. Cách điều trị hiệu quả sỏi niệu đạo nam
4.1. Điều trị sỏi niệu đạo nội khoa
Phương pháp này áp dụng khi sỏi có kích thước nhỏ và chưa có biến chứng. Chức năng của hệ tiết niệu và chức năng thận chưa bị ảnh hưởng.
Bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh những loại thuốc giúp bào mòn và tan sỏi. Đồng thời, là nhóm thuốc giúp giảm đau, chống viêm và thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng.
Lưu ý: Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc uống khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
4.2. Điều trị sỏi niệu đạo bằng can thiệp ngoại khoa
Khi sỏi có kích thước lớn, gây ra những biến chứng thì việc can thiệp ngoại khoa để bỏ sỏi là cần thiết. Trước đây, phải mổ mở để loại bỏ sỏi gây nhiều rủi ro như mất máu nhiều, dễ nhiễm trùng, lâu hồi phục… Hiện nay, tán sỏi công nghệ cao với nhiều ưu điểm vượt trội loại bỏ sỏi niệu đạo đơn giản, an toàn.
Điều trị sỏi niệu bằng tán sỏi nội soi ngược dòng
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser là phương pháp điều trị sỏi công nghệ cao. Được chỉ định loại bỏ sỏi niệu đạo kích thước lớn, đã có biến chứng, đường niệu đạo không bị dị dạng. Bác sĩ thao tác luồn ống nội soi qua đường tự nhiên lên niệu đạo. Thiết bị phá sỏi sẽ được đưa qua ống nội soi, tiếp cận vị trí niệu đạo có sỏi. Năng lượng laser ở đầu thiết bị phá vỡ cấu trúc viên sỏi. Sau đó bác sĩ thao tác gắp các vụn sỏi đưa ra khỏi cơ thể.
Điều trị sỏi niệu đạo bằng tán sỏi ngược dòng bệnh nhân hoàn toàn không đau do được gây mê. Sau tán sỏi người bệnh ít đau, do can thiệp theo đường tự nhiên, không mổ. Thời gian tán sỏi diễn ra chỉ khoảng 30 đến 40 phút. Tán được tối đa sỏi chỉ với 1 lần thực hiện. Sau tán sỏi người bệnh chỉ cần lưu viện 1 đến 2 ngày là có thể về nhà.
5. Cách phòng ngừa bệnh sỏi niệu đạo nam hiệu quả, đơn giản
Bệnh sỏi tiết niệu và sỏi niệu đạo nói chung có thể phòng ngừa được nhờ thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt:
– Mọi người nên cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày. Việc uống đủ nước giúp tăng cường lưu thông nước tiểu. Điều này giảm nguy cơ lắng đọng tinh thể muối gây ra sỏi.
– Tránh trường hợp phải nhịn tiểu do lười hoặc thói quen. Việc giữ nước tiểu quá lâu trong đường tiết niệu làm cho dễ hình thành sỏi.
– Hạn chế ăn thực phẩm giàu đạm, oxalat, giảm ăn mặn… Tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín…
– Khi có các biểu hiện nhiễm khuẩn đường tiết niệu cần điều trị triệt để.
– Thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị khi sỏi còn nhỏ.
– Tránh nằm, ngồi, đứng ở một tư thế quá lâu. Vận động thường xuyên giúp cơ thể khỏe mạnh và phòng ngừa tốt bệnh.
– Nam giới khi chơi thể thao, lao động gặp chấn thương tại dương vật cần nghiêm túc điều trị.
Sỏi niệu đạo nam giới là căn bệnh tuy chiếm tỷ lệ ít nhưng gây ra những biến chứng nguy hiểm. Hiểu biết, trang bị kiến thức giúp người dân phòng ngừa với căn bệnh này tốt hơn. Khi có sỏi tiết niệu nói chung và sỏi niệu đạo nói riêng, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám chính xác, an toàn.