Tự ý dùng thuốc kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy, kiêng khem quá mức,… là những sai lầm thường gặp khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy mà các bà mẹ hay mắc phải.
Tiêu chảy ở trẻ do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng đường ruột. Tiêu chảy cũng có thể là hậu quả của chế độ ăn không đúng cách như thay đổi thức ăn cho trẻ đột ngột, cho trẻ ăn các thức ăn khó tiêu hóa, ăn quá nhiều… hay do tác dụng phụ của các thuốc kháng sinh sử dụng trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn tai mũi họng, viêm phổi… Bệnh tiêu chảy có thể điều trị dễ dàng tuy nhiên nhiều bậc phụ huynh thường mắc những sai lầm khiến bệnh trở nên trầm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ
Menu xem nhanh:
1. Tự ý cho con dùng thuốc kháng sinh
Các bậc cha mẹ khi thấy con có hiện tượng tiêu chảy thường có tâm lý nóng vội muốn con khỏi bệnh nhanh cho trẻ sử dụng các thuốc hoặc các biện pháp cầm tiêu chảy. Đây là nguyên nhân khiến làm cho thời gian lưu trú của các virus, vi khuẩn trong đường tiêu hóa kéo dài hơn, làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy ở trẻ. Việc tự ý sử dụng kháng sinh có thể làm rối loạn hệ vi khuẩn có ích trong đường tiêu hóa, làm tiêu chảy kéo dài, khiến trẻ hấp thu kém đi và lâu bình phục.
Ngoài ra, việc dùng các loại thuốc cầm tiêu chảy tự ý sẽ vô cùng nguy hiểm, đặc biệt với những trẻ dưới 5 tuổi thì càng tuyệt đối không được dùng vì các loại thuốc này có tác dụng làm giảm nhu động ruột, liệt ruột, khiến phân không bài tiết ra ngoài trong khi trẻ vẫn bị tiêu chảy kín, bị mất nước bên trong. Nếu phân ứ lại trong ruột sẽ gây nguy cơ tắc ruột, thủng ruột nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
2. Kiêng các loại thực phẩm tanh
Khi trẻ bị tiêu chảy nhiều, bố mẹ tự ý cắt khẩu phần các loại thực phẩm như tôm, cá, thịt, trứng, sữa…. Tuy nhiên, việc làm này của bố mẹ sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, không đủ sức khỏe để chống chọi bệnh tật và tiêu chảy nặng hơn.
Theo các bác sĩ kiêng khem quá mức sẽ làm cho cơ thể trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, không đủ năng lượng để chống đỡ với nhiễm trùng trong cơ thể cũng như chậm hồi phục tổ chức ruột bị tổn thương dẫn đến tiêu chảy kéo dài. Các gia đình chỉ cần tạm ngưng các thực phẩm nhuận tràng, hạn chế đồ uống có ga và thức ăn quá ngọt,…
3. Bù nước cho trẻ không đúng cách
Khi trẻ bị tiêu chảy, các bà mẹ thường cho trẻ bù nước bằng dung dịch oresol nhưng lại không pha hợp lý, đặc quá hoặc loãng quá. Việc pha quá đặc oresol sẽ khiến trẻ nạp quá nhiều muối từ oresol, làm lượng muối trong máu tăng cao, có thể gây tổn thương cho não, khiến trẻ sốt cao, co giật, hôn mê… Nếu không chữa trị kịp thời có thể bị tử vong.
Để điều trị tiêu chảy cho trẻ hiệu quả, ngay khi trẻ có dấu hiệu tiêu chảy cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời.