Ung thư tuyến giáp là bệnh lý ác tính và phát sinh từ những bất thường trong tế bào tuyến giáp với tỷ lệ mắc bệnh cao. Phương hướng chữa ung thư tuyến giáp là điều mà nhiều bệnh nhân quan tâm, bài viết dưới đây sẽ tổng hợp thông tin tổng quan về ung thư tuyến giáp, phương pháp điều trị và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe.
Menu xem nhanh:
1.Tìm hiểu sơ lược về bệnh ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp là bệnh lý ác tính khi có tế bào bất thường tăng sinh không kiểm soát và chèn ép lên tuyến giáp và có thể lây lan đến các cơ quan lân cận. Nhu mô của tuyến giáp có hai loại tế bào chính, tế bào nang giáp có thể gây ung thư tuyến giáp biệt hóa và tế bào cận nang giáp có thể gây ung thư biểu mô tuyến giáp ở thể tủy.
Những nguy cơ gây bệnh có thể kể đến như: đột biến từ gen di truyền, tiền sử người thân mắc ung thư tuyến giáp, tiếp xúc với bức xạ, nữ giới ở độ tuổi trung niên.
2. Phương pháp chữa ung thư tuyến giáp phổ biến hàng đầu
Tùy theo giai đoạn và thể trạng của bệnh nhân mà có thể chỉ định phác đồ điều trị chữa ung thư tuyến giáp khác nhau nhưng hiện nay có những phương pháp điều trị chính sau:
2.1 Phẫu thuật chữa bệnh ung thư tuyến giáp
Đây là phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp phổ biến bằng cách loại bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp. Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê toàn thân và đa số người bệnh có thể xuất viện một vài ngày. Tuy nhiên sau khi mổ, người bệnh lưu ý nên nghỉ ngơi một thời gian và tránh căng thẳng hay làm việc quá sức.
– Phẫu thuật ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, bao gồm:
+ Phẫu thuật cắt một bên tuyến giáp: Khối u nhỏ, giai đoạn sớm và chưa di căn hạch cổ.
+ Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp: Đã từng điều trị tia xạ cổ; khối u T3, T4; u đa ổ; di căn hạch cổ và/hay di căn xa; bệnh tái phát…
+ Vét hạch cổ chọn lọc: Sờ được khối u khi thăm khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh hoặc đánh giá tổn thương.
– Phẫu thuật ung thư tuyến giáp thể tủy, bao gồm:
+ Cắt tuyến giáp toàn bộ đồng thời vét các hạch cổ
+ Sau đó, điều trị xạ trị bổ trợ.
– Phẫu thuật ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa, bao gồm:
+ Cắt tuyến giáp toàn bộ và vét hạch cổ triệt căn: Bệnh nhân còn khả năng mổ.
+ Mở khí quản hoặc mở dạ dày sau đó xạ trị hoặc hóa trị: Không còn khả năng phẫu thuật tuyến giáp.
– Những nguy cơ biến chứng có thể gặp phải tính từ khi phẫu thuật gồm:
+ Chảy máu và nhiễm trùng
+ Khàn giọng, giọng nói thay đổi, có thể phải điều trị hồi phục giọng nói
+ Đau vết mổ , cần thời gian để phục hồi, tránh hoạt động gắng sức.
2.2 Chữa ung thư tuyến giáp với hóa trị
Áp dụng với ung thư tuyến giáp không biệt hóa và có thể di căn đến các cơ quan khác. Người bệnh có thể được chỉ định thuốc để tiêu diệt ung thư, mặc dù thuốc không chữa khỏi hẳn nhưng có thể kiểm soát triệu chứng bệnh.
2.3 Điều trị bệnh với hormone
Điều trị với hormone tuyến giáp là một phương pháp để điều trị thay thế hay bổ sung hormone từ tuyến giáp sản sinh ra. Thuốc thường được dùng dưới dạng viên nén để:
– Thay thế cho các hormone tuyến giáp sau khi phẫu thuật
– Ức chế và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư tuyến giáp
2.4 Điều trị với liệu pháp i-ốt phóng xạ
Phương pháp này được chỉ định cho người bệnh sau khi phẫu thuật loại bỏ toàn bộ tuyến giáp và có thể tái phát. Sau điều trị, tùy theo liều mà người bệnh có thể nằm cách ly ở phòng riêng để tránh cơ thể phát ra tia phóng xạ.
Điều trị i-ốt phóng xạ có thể có một số tác dụng phụ như cổ sưng, mệt mỏi, khó chịu ở miệng…
2.5 Xạ trị
Phương pháp này chiếu tia từ ngoài vào khối u và điều trị bổ trợ làm giảm tốc độ phát triển và lây lan của tế bào ung thư. Phương pháp này thường được điều trị cho ung thư tuyến giáo thể không biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể tủy.
Những tác dụng phụ không mong muốn có thể gồm suy nhược, mệt mỏi, đau, miệng khô… Tuy nhiên sau một vài tuần các triệu chứng này sẽ biến mất.
2.6 Liệu pháp điều trị đích
Phương pháp này sử dụng một số loại thuốc nhắm trực diện đến các tế bào ung thư để tránh gây hại cho các tế bào khỏe mạnh.
Phương pháp này cũng được khuyến khích trong các trường hợp ung thư tuyến giáp đã có tình trạng di căn và không đáp ứng với điều trị i-ốt phóng xạ.
2.7 Theo dõi định kỳ
Bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của mình thông qua thăm khám. Đồng thời để xử lí nhanh chóng những vấn đề phát sinh.
2.8 Một số phương pháp điều trị khác
Bên cạnh những phương pháp nói trên, ung thư tuyến giáp có thể được điều trị bằng cách điều trị giảm triệu chứng, nâng cao thể trạng.
Tuy nhiên người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kì phương pháp điều trị nào.
3. Chế độ dinh dưỡng hỗ trợ bệnh nhân hồi phục sức khỏe
Bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần có một chế độ ăn uống lành mạnh và đảm bảo đầy đủ dưỡng chất, một số điều cần lưu ý bao gồm:
– Ăn đa dạng nhóm thực phẩm để cơ thể nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất… để tăng cường sức khỏe và đáp ứng tốt điều trị.
– Không ăn cùng một loại thực phẩm trong thời gian dài
– Không ăn thực phẩm không lành mạnh, uống rượu bia hay sử dụng chất kích thích
– Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa phụ trong ngày để hấp thụ chất dinh dưỡng tốt
– Sau phẫu thuật, người bệnh nên ăn những thực phẩm dễ nuốt, mềm.
Trên đây là các phương pháp để chữa ung thư tuyến giáp đồng thời hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân trong thời gian điều trị, người bệnh cùng tìm hiểu và điều trị để có được hiệu quả cao nhất.