Hiện nay, ngày càng có nhiều chị em gặp phải các vấn đề liên quan tới buồng trứng, gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, thiên chức làm mẹ. Trong số các bệnh lý tại buồng trứng, u nang buồng trứng là căn bệnh thường gặp nhất, xuất hiện nhiều ở phụ nữ thuộc độ tuổi sinh sản. Câu hỏi người bệnh u nang buồng trứng có có thai được không cũng là điều mà nhiều chị em quan ngại.
Menu xem nhanh:
1. U nang buồng trứng là gì?
U nang buồng trứng là những khối u có cấu trúc gồm hai phần vỏ và nhân. Phần vỏ có thể mỏng hoặc dày, nhân thường tồn tại ở dạng lỏng, là một loại dịch đặc. Các khối u nang tồn tại trên buồng trứng thường được nhận định là u lành tính. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp u có khả năng biến đổi thành u ác, để lại những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thiên chức làm mẹ.
U nang buồng trứng được phân thành 2 loại thường gặp, gồm:
– U nang cơ năng:
Những khối u này được hình thành do sự rối loạn hoạt động sản sinh, cân bằng nội tiết tại buồng trứng. Các nang trứng được nuôi dưỡng theo chu kỳ sinh lý của buồng trứng, được giải phóng, đi vào buồng tử cung để tiến hành quá trình thụ tinh, làm tổ và tạo thành phôi thai. Lúc này, nang trứng tự vỡ, giải phóng trứng. Tuy nhiên, trường hợp nang không vỡ mà tiếp tục phát triển sẽ dần phát triển thành u nang với dịch lỏng bên trong. U này không gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và có thể tự biến mất. Vì vậy, u nang cơ năng còn được xếp vào loại u lành tính.
– U nang thực thể:
Những tổn thương thực thể tại buồng trứng có thể là tiền đề hình thành nên các loại u nhầy, u bì, u nang nước, u lạc nội mạc tử cung. Những khối u thực thể thường có cấu tạo phức tạp hơn, có thể phát triển thành u ác. Bởi vậy, u nang thực thể thường được chú ý nhiều hơn và cần xử lý sớm, sau khi phát hiện bệnh.
Triệu chứng của u nang buồng trứng cũng rất điển hình. Tuy nhiên nhiều chị em lại chủ quan, dễ nhầm lẫn với các vấn đề về kinh nguyệt. Có thể kể đến một vài triệu chứng như: Đau tức hạ vị, thắt lưng; đau trong quá trình quan hệ vợ chồng; tiểu khó, tiểu buốt; ra máu bất thường;…
Để chẩn đoán u nang buồng trứng, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành siêu âm thai. Đồng thời, với những trường hợp cần đưa ra chỉ định điều trị sâu hơn, sát hơn với tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện chụp cộng hưởng từ (MRI) tại vùng bụng – chậu.
2. Người bị u nang buồng trứng có khả năng mang thai, sinh con được không?
Việc bị u nang buồng trứng có thai được không còn phụ thuộc vào một vài yếu tố khác nhau. Bác sĩ chuyên khoa cho biết, vấn đề này cần xác định dựa trên bản chất của các nang trứng, kích thước khối u, quá trình phát triển. Ngoài ra, việc mang thai khó hay dễ ở những trường hợp bệnh u nang buồng trứng còn phụ thuộc vào tuổi tác, khả năng mang thai tự nhiên ở từng người.
2.1. U nang buồng trứng có thai được không? Những trường hợp không ảnh hưởng đến khả năng mang thai cũng như thai kỳ
Một số trường hợp sau đây được nhận định là không gây ảnh hưởng đến khả năng mang thai, sinh con của người phụ nữ:
– U nang buồng trứng cơ năng
Một u nang buồng trứng chức năng là u nang đơn thuần phát triển trên bề mặt buồng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt không thụ thai hoặc u nang hoàng thể khi có thụ thai. Ban đầu, trứng được nuôi dưỡng và trưởng thành trong một nang trứng. Sau khi trứng chín và được giải phóng ra ngoài, túi chứa sẽ trở nên nhỏ lại và thoái hóa. Trong trường hợp ngược lại, túi không tiêu đi mà lại còn to lên do chứa các chất dịch sẽ tạo thành u nang buồng trứng.
Phần lớn các u nang này không cho thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng u nang buồng trứng nào. Chúng thường biến mất mà không cần điều trị sau một vài chu kỳ kinh nguyệt. Đồng thời, u nang chức năng cũng không gây vô sinh và sự mang thai vẫn thuận lợi như một thai nghén bình thường.
Tuy nhiên, nếu u nang vẫn diễn tiến lớn hơn, chúng có thể bị vỡ ra, chảy máu và xoắn buồng trứng. Tỷ lệ xoắn buồng trứng sẽ tăng gấp 5 đến 6 lần khi mang thai. Vì vậy, một u nang lớn nên được theo dõi và thăm khám cẩn thận.
– U nang nước buồng trứng lành tính
U nang này có bản chất là một loại khối u lành tính. Chúng là hệ quả từ sự tăng trưởng của các tuyến trên bề mặt buồng trứng.
Nếu không phải là do có kích thước quá to cũng như khả năng gây ra biến chứng u nang buồng trứng, u nang nước không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
– U bì buồng trứng
U bì buồng trứng chứa các loại mô khác nhau, bao gồm từ mô thần kinh, mô mỡ đến chứa cả tóc, răng, xương thay vì là chất lỏng như một u nang thông thường. U bì buồng trứng không gây vô sinh.
– Nang xuất huyết
Một u nang xuất huyết vẫn có bản chất là một u nang chức năng có biến chứng chảy máu trong u. Nếu máu tự hấp thu mà không gây hậu quả gì nặng nề, không đòi hỏi cần có những can thiệp chuyên biệt, u nang xuất huyết sẽ hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến khả năng thụ thai và mang thai.
2.2. Trường hợp mắc phải u nang buồng trứng mà không thể mang thai tự nhiên
Có hai loại u nang buồng trứng đã được quan sát là có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản là u lạc nội mạc tử cung và u nang buồng trứng do hội chứng buồng trứng đa nang. Những u nang này cần thiết phải điều trị vì chúng có thể cản trở khả năng mang thai và thai kỳ về sau.
– U lạc nội mạc tử cung
U lạc nội mạc tử cung là một loại u nang có bản chất là mô nội mạc tử cung, phát triển bất thường trong buồng trứng. Nội mạc tử cung là màng nhầy lót lớp bên trong của thành tử cung, chịu sự tác động của hormone tạo thành chu kỳ kinh nguyệt. Chính vì thế, u nang buồng trứng dạng nội mạc tử cung thường gây đau mãn tính ở vùng xương chậu. Chúng liên tục thay đổi kích thước tùy vào chu kỳ kinh nguyệt và bên trong chứa đầy máu sẫm màu, màu nâu đỏ.
Các u lạc nội mạc tử cung khi tiến triển có kích thước lớn sẽ gây ảnh hưởng khả năng sinh sản. Lạc nội mạc tử cung có thể dẫn đến tắc ống dẫn trứng gây vô sinh.
Hơn thế nữa, u lạc nội mạc tử cung có thể làm xáo trộn chức năng sinh lý của một buồng trứng bình thường, ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng. Một số trường hợp còn có chỉ định cắt bỏ buồng trứng do u, khiến phụ nữ có nguy cơ vô sinh.
– Hội chứng buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang (PCOS) là một hội chứng gây ra do rối loạn cân bằng Hormone. Hiếm muộn là triệu chứng thường gặp nhất khiến phụ nữ PCOS đến khám và tư vấn bác sĩ. Nguyên nhân chính gây hiếm muộn ở phụ nữ PCOS là rối loạn phóng noãn dẫn đến giảm khả năng sinh sản.
3. Nguy cơ của thai kỳ khi có u nang buồng trứng
Trong khi hầu hết các u nang buồng trứng là không có biểu hiện gì, một số u nang buồng trứng hình thành trong thai kỳ hay diễn tiến trong giai đoạn mang thai vẫn có thể gây ra một số triệu chứng như đau bụng, bụng to nhanh hơn tuổi thai hoặc áp lực ổ bụng cao bất thường kèm theo đầy hơi, chậm tiêu, ăn kém.
Vì tốc độ phát triển của thai nhi rất nhanh, nhất là trong tam cá nguyệt thứ hai, u nang buồng trứng, nhất là các u có khuynh hướng diễn tiến tăng kích thước trong thai kỳ, khó có thể không gây tác động gì đến thai. Các ảnh hưởng của u nang buồng trứng lên thai đã được ghi nhận là gây sảy thai, sinh non.
Ngược lại, thai kỳ cũng có thể có ảnh hưởng lên u nang buồng trứng, gây ra biến chứng ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, kể cả sau sinh. Đặc biệt là trong những ngày đầu sau sinh, tình trạng thành bụng mềm nhão, ổ bụng rỗng nên rất dễ dẫn đến biến chứng xoắn u.
Chính vì thế, nếu đánh giá thấy u nang buồng trứng, dù là u chức năng nhưng có khuynh hướng diễn tiến trong thai kỳ và nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai, mặc dù chưa gây triệu chứng gì, vẫn nên được cân nhắc chủ động can thiệp theo chương trình, đảm bảo một thai kỳ và chuyển dạ an toàn cho mẹ và con.
Tóm lại, u nang buồng trứng có mang thai được không, có sinh con được không… là nỗi băn khoăn của khá nhiều phụ nữ. Tuy có bản chất lành tính và tần suất khá phổ biến, các chị em vẫn nên thăm khám và theo dõi đúng chuyên khoa, nhất là khi có kế hoạch mang thai và sinh con, chủ động can thiệp khi có chỉ định nhằm bảo vệ sức khỏe sinh sản cho chính mình và sự phát triển của thai nhi.