Cảm lạnh là một trong những bệnh lý mà trẻ nhỏ thường gặp phải với nguyên nhân do virus. Bệnh không nguy hiểm tính mạng nhưng khiến trẻ khó chịu, hay quấy khóc hoặc ảnh hưởng đến khả năng tập trung, học tập của trẻ. Nếu trẻ không được chăm sóc đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng, nhất là về đường hô hấp. Vậy phụ huynh cần phải làm gì khi trẻ bị cảm lạnh?
Menu xem nhanh:
1. Những điều cha mẹ cần biết về căn bệnh cảm lạnh
1.1. Cảm lạnh là gì?
Rhinovirus là thủ phạm chính trong hơn 200 loại virus gây ra bệnh cảm lạnh ở trẻ nhỏ. Bệnh do virus gây nên vì thế thuốc kháng sinh thường không được chỉ định dùng để điều trị cảm lạnh. Bệnh khi xảy ra đối với những trẻ có sức khỏe bình thường khỏe mạnh thì không đáng lo ngại. Đối với những trẻ sơ sinh bị sinh non hoặc những trẻ miễn dịch quá kém thì cha mẹ cần chú ý cách chăm sóc trẻ. Thông thường, bệnh cảm ở trẻ sẽ kéo dài từ 4 cho đến 10 ngày là có thể tự khỏi không cần điều trị nhiều.
1.2. Biểu hiện của trẻ nhỏ nếu bị nhiễm cảm lạnh
Ngay khi trẻ bị virus xâm nhập vào cơ thể gây ra cảm lạnh, trẻ sẽ cảm thấy không được khỏe trong người, đồng thời sẽ có những biểu hiện như đau họng, ho và chảy nước mũi. Virus xâm nhập vào họng khiến cho họng bị viêm và đau. Đồng thời mũi cũng xuất tiết dịch nhầy và chảy xuống họng khiến trẻ bị ho.
Nếu bệnh trở nên nặng hơn thì có thể nhận thấy những dấu hiệu như sau:
– Chảy nước mũi
– Chảy nước mắt
– Hắt xì
– Cảm giác mệt mỏi
– Sốt
– Đau họng
– Ho
Khi virus gây cảm lạnh tấn công trẻ, nó có thể ảnh hưởng đến những khu vực như xoang, họng, tai và phế quản của trẻ. Ngoài ra, bệnh cũng có thể khiến trẻ bị nôn trớ cũng như tiêu chảy. Thêm vào đó, trẻ còn có thể bị đau nhức đầu. Với trẻ lớn có thể mô tả cho cha mẹ hiểu, còn những trẻ nhỏ sẽ thường phản ứng bằng cách quấy khóc. Sau khi bệnh đỡ hơn trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và bớt quấy khóc.
1.3. Những thời điểm trong năm trẻ thường bị cảm lạnh
Trẻ dưới 2 tuổi, những trẻ vốn có sức đề kháng kém nhất sẽ có thể bị cảm lạnh từ 8 cho đến 10 lần mỗi năm. Cho đến độ tuổi lớn hơn nhưng chưa đi học mẫu giáo thì trẻ có thể bị cảm lạnh với số lần ít hơn. Tuy nhiên, đến khi đi học, số lần cảm lạnh của trẻ có thể lại tăng lên thành trên 12 lần/ năm. Với những trẻ ở tuổi thiếu niên tần suất cảm lạnh có thể giảm xuống còn còn từ 2 đến 4 lần mỗi năm.
Thời điểm mùa lạnh bắt đầu từ tháng 9 kéo dài đến cuối tháng 4 là khoảng thời gian trẻ hay bị cảm lạnh nhất do thời tiết chuyển sang mùa đông khiến nhiều loại virus phát triển và gây bệnh nhiều hơn cho trẻ.
1.4. Khi trẻ cảm lạnh có thể dẫn đến những biến chứng thế nào?
Trẻ bị cảm lạnh nếu không thể tự khỏi được có thể dẫn đến những biến chứng như sau:
Virus thường tấn công vào cửa ngõ hô hấp và mũi và gây viêm mũi, dịch mũi nhiều khiến trẻ không thở được và phải thở bằng mồm, điều này khiến vi khuẩn, virus lại tiếp tục tấn công vào hầu họng của trẻ gây ra viêm họng. Biểu hiện là họng sưng đỏ, amidan sưng đỏ, xuất hiện nốt đỏ trong vòm họng.
– Viêm tai
Hệ thống tai mũi họng thường thông với nhau nên khi họng hoặc mũi có dấu hiệu viêm rất dễ khiến cho tai cũng gặp phải hiện tượng này mỗi khi trẻ bị cảm lạnh.
– Viêm xoang
Nếu dịch mũi bị nhiều dịch, ứ mủ trong một thời gian dài, các loại mủ này sẽ là ổ vi khuẩn khiến cho mũi xoang của trẻ bị viêm.
– Viêm phổi
Biến chứng này tương đối nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Nếu nhận thấy những dấu hiệu ở trẻ như thở khó, thở rít, sốt cao thì cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đi viện để được thăm khám sớm.
2. Những cách chữa bệnh cảm cho trẻ
2.1. Dùng thuốc
Mục đích chính khi dùng thuốc để điều trị cảm lạnh là để làm giảm các triệu chứng bệnh của trẻ. Những loại thuốc dùng cho trẻ cần được tham khảo ý kiến của bác sĩ, cha mẹ tuyệt đối không nên tự ý dùng.
Thông thường những loại thuốc bác sĩ có thể kê đơn cho trẻ đó là:
– Thuốc giảm ho với thành phần là dextromethorphan hoặc DM
– Thuốc long đờm
– Thuốc thông mũi
– Thuốc kháng histamin như chlorpheniramine maleate, brompheniramine , diphenhydramine và một số loại khác
Việc dùng loại thuốc nào với liều lượng bao nhiêu cần được bác sĩ chỉ định, cha mẹ cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian cho trẻ uống thuốc. Nếu quên thuốc quá lâu, quá gần liều kế tiếp thì nên bỏ qua liều cũ, đợi tới liều tiếp theo, không được uống dồn liều có thể gây quá liều và gây nguy hiểm cho trẻ.
Nếu được uống thuốc đúng cách, đúng liều lượng cộng với cách ăn uống hợp lý tình hình sức khỏe của trẻ sẽ dần khá hơn và nhanh chóng khỏi bệnh mà không bị biến chứng gì. Chính vì vậy, khi thấy con bị cảm lạnh, cha mẹ không nên lo lắng mà chỉ cần để ý chăm sóc trẻ, giúp trẻ nhanh khỏi hơn.
2.2. Làm gì khi trẻ bị cảm lạnh nếu không sử dụng thuốc?
Với những trường hợp trẻ mới chớm cảm lạnh, cha mẹ có thể áp dụng một số cách chăm sóc trẻ mà chưa cần dùng đến các loại thuốc kê đơn như sau:
– Cho trẻ uống nhiều nước và ăn nhiều đồ ăn dạng lỏng nhằm cung cấp đủ nước cho cơ thể trẻ. Có thể thay thế nước lọc bằng nước dừa, nước điện giải (pha đúng liều lượng). Hạn chế việc cho trẻ uống nước có ga hoặc nước hoa quả có nhiều đường.
– Làm giảm cảm giác khó chịu ở họng và giảm ho bằng cách cho trẻ uống nước tắc chưng đường phèn, mật ong, lá húng chanh, hẹ hấp đường phèn hoặc chanh đào mật ong. Đây đều là những bài thuốc dân gian lành tính, đơn giản nhưng có thể đem đến hiệu quả hỗ trợ trẻ bớt ho và đỡ đau họng.
– Đảm bảo độ ẩm trong không khí cho trẻ. Độ ẩm quá thấp hoặc cao có thể khiến cho niêm mạc mũi phản ứng và xuất tiết nhiều hơn, khiến trẻ bị ho và nghẹt mũi nặng hơn. Độ ẩm thích hợp sẽ giúp trẻ nhanh hồi phục sức khỏe.
– Cho trẻ tắm với nước ấm để tăng cảm giác dễ chịu đồng thời để đảm bảo vệ sinh thân thể cho trẻ hàng ngày.
– Để trẻ nghỉ ngơi nhiều, nhất là ngủ nhiều có thể giúp cơ thể trẻ được thư giãn giúp sức khỏe nhanh chóng hồi phục.
2.3. Những trường hợp trẻ bị cảm lạnh mà cần đi khám sớm
Sau một vài ngày được chăm sóc tại nhà mà các triệu chứng bệnh không giảm đi, đồng thời có xu hướng tăng nặng lên thì phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám. Những biểu hiện có thể có ở trẻ lúc này như:
– Sốt cao
– Nôn mửa
– Ớn lạnh
– Run rẩy
– Ho khan
– Khó thở
– Thở rít
– Mệt mỏi
– Tinh thần kém, lừ đừ
Đây đều là những dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị biến chứng, hoặc bị một bệnh lý khác chứ không chỉ là cảm lạnh đơn thuần.
Cảm lạnh thông thường có thể tự khỏi mà không cần uống thuốc điều trị. Tuy nhiên, nếu trẻ có các triệu chứng của việc suy hô hấp hoặc trẻ có dấu hiệu mệt mỏi lừ đừ hoặc trẻ vốn có nhiều bệnh nền mạn tính như hen suyễn thì phụ huynh nên đưa trẻ đi đến bác sĩ Nhi để được thăm khám sớm. Thêm vào đó, cảm lạnh có thể bị nhầm với một số bệnh lý khác, nếu không sớm phát hiện có thể gây ra biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Trên đây là một số gợi ý cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị cảm lạnh, hy vọng nhiều bậc phụ huynh sẽ biết cách chăm sóc các bé nhằm giúp bệnh cảm nhanh khỏi hơn.