Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu giúp phòng bệnh lao phổi cho trẻ. Tuy nhiên không phải trẻ nhỏ nào cũng được tiêm phòng đầy đủ vắc xin ngừa bệnh lao. Theo nghiên cứu, ở Việt Nam, trẻ em mắc bệnh lao hàng năm chiếm khoảng 10 – 15%.
Thông thường, trẻ em có thể bị mắc tất cả các thể lao, tuy nhiên, thường gặp hơn cả là các thể: Lao sơ nhiễm, lao cấp tính, lao hô hấp sau sơ nhiễm lao phổi và lao màng phổi, lao ngoài phổi. Trẻ thường bị lây nhiễm lao phổi qua đường hô hấp. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị lây bệnh ở trường học, ngoài cộng đồng. Nguy cơ này tùy thuộc nhiều yếu tố như tuổi khi nhiễm lao, tình trạng dinh dưỡng của trẻ, tình trạng vi khuẩn lao của nguồn lây tiếp xúc, thời gian và cường độ tiếp xúc nhiều hay ít.
1.Phòng bệnh lao phổi cho trẻ
Theo khuyến cáo, để phòng bệnh lao phổi cho trẻ, sau khi sinh 3 ngày, trẻ phải được tiêm vắc-xin BCG phòng lao.
Vắc-xin BCG chống chỉ định trong các trường hợp: Đang bị nhiễm khuẩn cấp, đang sốt cao, có bệnh ngoài da trên diện rộng, bị suy giảm miễn dịch nặng, suy dinh dưỡng nặng, trẻ thiếu cân. Việc tiêm muộn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Vắc-xin tiêm phòng lao có thể gây ra một số tác dụng nhẹ như: Sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm hoặc sốt nhẹ, trẻ quấy khóc, chán ăn, mệt, nổi ban và nổi nốt sần. Các nốt sần nhỏ như da cam ở chỗ tiêm, thường mất đi trong vòng 30 phút. Đây là dấu hiệu cho thấy việc tiêm vắc-xin đã có hiệu quả đối với trẻ.
Viêm hạch, sưng hạch cũng thường xuất hiện sau khi tiêm vắc-xin phòng lao từ 3 – 5 tuần và sẽ tự biến mất khoảng 1 tháng sau mà không để lại bất kỳ di chứng nào.
Trường hợp nếu trẻ sốt nhẹ: Lau mát cho trẻ bằng nước ấm và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu có sưng đau tại chỗ tiêm có thể chườm lạnh tại nơi tiêm bằng cách dùng khăn thấm nước lạnh sạch chườm vào chỗ tiêm. Cho trẻ bú mẹ, ăn uống bình thường, uống nước nhiều hơn. Tránh chạm vào chỗ tiêm khi bế hoặc ôm trẻ.
Trong trường hợp sau đây phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị thích hợp: Các phản ứng sau tiêm trở nên trầm trọng hơn như: Sốt cao, bỏ bú… kéo dài 1-2 ngày; Vết tiêm sưng to, hạch sưng to, hạch kéo dài hơn 6 tuần; Cấp cứu ngay những những trường hợp: Sốt cao, khóc nhiều không dứt, mệt nhiều, da tím tái, co giật, liệt, hôn mê…
Ngoài tiêm BCG, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh và có chế độ nuôi dưỡng thích hợp với từng lứa tuổi.
Bên cạnh việc tiêm vắc-xin phòng bệnh lao phổi, cha mẹ cần chú ý tới cách chăm sóc trẻ hàng ngày để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh:
- Giữ ấm cơ thể cho trẻ khi thời tiết chuyển mùa. Đặc biệt mặc ấm, đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường để tránh hít phải bụi bẩn, nhiễm không khí lạnh
- Tránh để trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh lao phổi, tránh tới những khu vực đông người.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ qua chế độ ăn hàng ngày nhằm tăng cường sức khỏe.
- Tạo cho trẻ thói quen sinh hoạt khoa học, vận động thường xuyên nhằm nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh lao phổi, cha mẹ cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế, bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh.