Bệnh hen suyễn hay hen phế quản là một bệnh lý cần kiên trì điều trị để kiểm soát triệu chứng, hạn chế cơn hen xảy ra. Cùng tìm hiểu bài viết về chữa hen suyễn với 3 cách sau đây để có thể kiểm soát bệnh tốt hơn bạn nhé.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin chung về bệnh hen suyễn/ hen phế quản
Hen suyễn là một tình trạng mạn tính ảnh hưởng đến đường thở trong phổi. Đường hô hấp là những ống mang không khí vào và ra khỏi phổi. Nếu bị hen suyễn, đường thở có thể bị viêm và thu hẹp. Điều này khiến không khí khó thoát ra khỏi đường thở hơn khi thở ra. Ngoài ra khi đường dẫn khí trong phổi trở nên sưng tấy sẽ trở nên nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với virus, chất gây dị ứng, chất kích thích, hoặc thậm chí là cảm xúc.
Khi một cơn hen bùng phát, bên trong đường thở càng sưng lên nhiều hơn và cũng có thể tiết ra nhiều chất nhầy hơn. Từ đó sẽ thu hẹp không gian cho không khí di chuyển vào và ra khỏi phổi. Các cơ quanh đường thở cũng bị thắt chặt, khiến việc thở trở nên khó khăn hơn. Đây sẽ được gọi là cơn hen suyễn hoặc cơn hen suyễn bùng phát.
2. Điều trị hen suyễn giúp người bệnh tốt hơn
Hen suyễn/ Hen phế quản không thể được chữa khỏi hoàn toàn, đây là một căn bệnh mạn tính tại đường hô hấp. Mục tiêu của chữa hen suyễn là hạn chế các triệu chứng, ngăn ngừa cơn hen suyễn. Điều trị thường kết hợp từ việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, học cách nhận biết các tác nhân gây bệnh và theo dõi nhịp thở, triệu chứng để đảm bảo thuốc đang kiểm soát được bệnh…
Dựa vào mức độ bệnh, độ tuổi, tác nhân gây kích ứng cơn hen… bác sĩ sẽ xây dựng một kế hoạch điều trị phù hợp cho từng cá nhân. Trong quá trình điều trị bác sĩ cũng có thể điều chỉnh cách điều trị cho đến khi các triệu chứng hen suyễn được kiểm soát. Vậy nên quá trình điều trị và kiểm soát bệnh sẽ kéo dài suốt đời.
2.1 Tuân thủ điều trị bằng thuốc của bác sĩ
Thuốc là một cách chữa hen suyễn/ hen phế quản phổ biến. Người bệnh thường được chỉ định dùng thuốc kiểm soát hen suyễn dài hạn, dùng hàng ngày. Đây là nền tảng trong chữa hen suyễn. Vì vậy người bệnh cần nhớ sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn, đúng liều lượng, đúng thời gian… Những loại thuốc kiểm soát hen dài hạn này sẽ giúp kiểm soát bệnh hàng ngày và làm cho bạn ít khả năng lên cơn hen suyễn hơn.
Thuốc giảm đau nhanh được sử dụng để giảm triệu chứng nhanh chóng, cắt cơn hen. Loại thuốc này cũng có thể được sử dụng trước khi tập thể dục nếu bác sĩ khuyên dùng. Nếu bạn lên cơn hen suyễn, thuốc hít tác dụng nhanh có thể làm dịu các triệu chứng của bạn ngay lập tức. Nhưng người bệnh không cần phải sử dụng ống hít tác dụng nhanh thường xuyên nếu thuốc kiểm soát lâu dài hoạt động bình thường. Nếu bệnh nhân cần sử dụng ống hít giảm đau nhanh thường xuyên hơn mức bác sĩ khuyên dùng, hãy đến gặp bác sĩ. Người bệnh có thể cần phải điều chỉnh thuốc kiểm soát lâu dài của mình.
Thuốc dị ứng có thể hữu ích nếu bệnh hen suyễn của bạn bị kích hoạt hoặc trở nên trầm trọng hơn do dị ứng.
2.2 Thực hiện theo đúng kế hoạch chữa hen suyễn
Đối với bệnh hen suyễn, thông thường để có thể giúp bệnh được kiểm soát tốt hơn, bác sĩ sẽ lập một kế hoạch hành động cho bệnh nhân hen suyễn trong đó nêu rõ bằng văn bản khi nào nên dùng một số loại thuốc hoặc khi nào cần tăng hoặc giảm liều thuốc dựa trên các triệu chứng. Đồng thời đưa ra danh sách các yếu tố kích hoạt và các bước cần thực hiện để tránh chúng.
Bác sĩ cũng có thể khuyên người bệnh nên theo dõi các triệu chứng hen suyễn hoặc sử dụng máy đo lưu lượng đỉnh một cách thường xuyên để theo dõi việc điều trị đang kiểm soát bệnh hen suyễn tốt như thế nào.
Thông thường kế hoạch sẽ được phân chia theo 3 mã màu, tương ứng với 3 mức độ của hen suyễn:
Màu xanh lá
Kế hoạch dành cho những thời điểm người bệnh cảm thấy khỏe, không có triệu chứng hen phế quản. Kế hoạch cho biết liều lượng thuốc kiểm soát dài hạn cần dùng hàng ngày. Và cũng có thể cho biết cần hít bao nhiêu hơi thuốc giảm đau nhanh trước khi tập thể dục.
Màu vàng – Bệnh hen suyễn đang trở nặng
Người bệnh gặp các triệu chứng như ho, thở khò khè, tức ngực, khó thở hoặc thức dậy vào ban đêm do bệnh hen suyễn. Hoặc người bệnh không thể làm một số việc thường làm. Hoặc khi tự đo lưu lượng đỉnh, chỉ số này bằng 1/2 đến 3/4 so với lưu lượng đỉnh đạt giá trị tốt nhất của người bệnh. Theo đó, người bệnh cần sử dụng thêm thuốc giảm đau nhanh và tiếp tục dùng thuốc kiểm soát lâu dài. Nếu các triệu chứng thuyên giảm sau một giờ, hãy tiếp tục theo dõi và dùng thuốc kiểm soát lâu dài.
Màu đỏ – Mức độ nguy kịch
Người bệnh trở nên rất khó thở hoặc thuốc giảm đau nhanh không giúp ích được gì. Hoặc người bệnh đã ở trong vùng màu vàng suốt 24 giờ và vẫn không khá hơn chút nào. Hoặc khi sử dụng máy đo lưu lượng đỉnh cho thấy chỉ số lưu lượng đỉnh thấp hơn một nửa giá trị lưu lượng đỉnh tốt nhất của người bệnh. Điều cần làm lúc này là sử dụng các loại thuốc khác mà bác sĩ đã kê đơn và liên hệ với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế nhanh chóng.
2.3 Biện pháp khắc phục hỗ trợ chữa hen suyễn tại nhà
Mặc dù nhiều người mắc bệnh hen suyễn phải dùng thuốc để ngăn ngừa và giảm triệu chứng, nhưng bạn có thể tự mình thực hiện một số việc để duy trì sức khỏe và giảm bớt khả năng lên cơn hen.
Tránh các yếu tố kích hoạt
Thực hiện các bước để giảm tiếp xúc với các tác nhân gây hen phế quản là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh và triệu chứng hen. Để giảm khả năng tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng cơn hen, người bệnh nên:
– Sử dụng điều hòa không khí, máy lọc không khí để giảm khả năng tiếp xúc với bụi, phấn hoa, nấm mốc, lông thú cưng…
– Khử khuẩn đồ trang trí, vật dụng sinh hoạt trong nhà của bạn. Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, giặt chăn ga gối hàng tuần, hãy đeo khẩu trang trong quá trình dọn dẹp.
– Đeo khẩu trang, giữ ấm cổ khi đi ra ngoài, đặc biệt là khi thời tiết trở lạnh.
Giữ gìn sức khỏe
Chăm sóc bản thân có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh hen suyễn, bao gồm:
– Tập thể dục thường xuyên: Bị hen phế quản không có nghĩa là người bệnh phải ít hoạt động hơn. Điều trị có thể ngăn ngừa cơn hen suyễn và kiểm soát các triệu chứng trong khi hoạt động. Tập thể dục thường xuyên có thể tăng cường sức khỏe tim và phổi, giúp giảm các triệu chứng hen suyễn. Nếu bạn tập thể dục ở nhiệt độ lạnh, hãy đeo khẩu trang để làm ấm không khí bạn thở.
– Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Thừa cân có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn và có thể kiến người bệnh mắc các vấn đề sức khỏe khác cao hơn.
– Kiểm soát chứng ợ nóng và bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Trào ngược axit gây ợ nóng có thể làm tổn thương đường thở của phổi và làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn.
– Bỏ hút thuốc hoặc tránh hút thuốc thụ động. Hút thuốc lá và hít phải khói thuốc thụ động làm cho bệnh hen suyễn khó điều trị hơn.
– Cố gắng có được giấc ngủ chất lượng tốt: Phát triển thói quen ngủ lành mạnh bằng cách đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tuân theo các thói quen đi ngủ tốt, giữ cho phòng ngủ của bạn mát mẻ và tối.
Trên đây là các thông tin về chữa hen suyễn, hen phế quản, 3 cách giúp kiểm soát bệnh tốt, hạn chế triệu chứng và cơn hen xuất hiện, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn đọc.