Phẫu thuật cắt trực tràng là phương pháp điều trị chính được áp dụng cho trường hợp ung thư đại trực tràng và một số bệnh khác như viêm đại tràng, polyp đại tràng, thủng đại tràng, chảy máu đại tràng bệnh viêm ruột, …
Với phương pháp phẫu thuật cắt trực tràng người bệnh được cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ trực tràng bị tổn thương hoặc bị bệnh. Vậy người bệnh cần lưu ý những gì khi phẫu thuật cắt trực tràng? Hãy cùng chúng tôi gặp gỡ với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Thu Cúc để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Menu xem nhanh:
Trực tràng là gì và khi nào cần phẫu thuật cắt trực tràng?
Trực tràng là đoạn ruột thẳng nằm ở vị trí cuối đại tràng (hay còn được gọi là ruột già), và dài khoảng 11-15cm. Trực tràng là cầu nối giữa đại tràng và ống hậu môn, từ bộ phận này phân sẽ được đào thải ra ngoài. Ở nam giới trực tràng nằm sau bàng quang, còn ở nữ giới bộ phận này nằm ngay sau tử cung.
Khi nào cần cắt bỏ trực tràng?
Các trường hợp cần phẫu thuật cắt bỏ trực tràng đó là:
- Ung thư trực tràng
- Polyp đại trực tràng
- viêm đại tràng
- Thủng đại tràng
- Chảy máu đại tràng
- Bệnh viêm ruột
- Tắc trực tràng
Có những phương pháp cắt bỏ trực tràng nào?
Phẫu thuật cắt trực tràng được thực hiện sau khi người bệnh được gây mê toàn thân. Có hai phương pháp là mổ mở và mổ nội soi. Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng bệnh các bác sĩ sẽ quyết định phương pháp phẫu thuật phù hợp với từng trường hợp bệnh nhân.
- Mổ mở cắt trực tràng: bác sĩ sẽ rạch một đường dài dọc trên bụng để có thể mổ cắt bỏ phần ruột già bị bệnh.
- Cắt trực tràng nội soi: bác sĩ chỉ cần rạch một số đường rạch nhỏ trên bụng để đưa máy móc vào vị trí trực tràng, sau đó dùng kính soi đặc biệt và dụng cụ dao cắt để cắt một phần hoặc toàn bộ trực tràng. Thường thì các bác sĩ sẽ rạch thêm một đường mổ ngắn để lấy bệnh phẩm ra khỏi ổ bụng.
So với phương pháp mổ mở thì cắt trực tràng nội soi là phương pháp mới, tiên tiến và mang lại nhiều ưu điểm như:
- Chức năng trực tràng phục hồi nhanh
- Người bệnh nhanh hồi phục sau mổ, thời gian nằm viện ngắn.
- Ít đau sau mổ, ít xảy ra biến chứng
- Sau mổ nội soi người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe và trở lại với cuộc sống sinh hoạt bình thường
- Sẹo mổ nhỏ, tính thẩm mỹ cao
Hồi phục sau mổ trực tràng
Sau phẫu thuật cắt trực tràng, người bệnh được chuyển qua phòng chăm sóc hậu phẫu và được điều dưỡng viên theo dõi tình hình sức khỏe cho đến khi thuốc mê hết tác dụng, người bệnh tỉnh lại. Nếu tình hình sức khỏe người bệnh ổn, bệnh nhân đủ tỉnh táo thì sẽ được chuyển lên khoa.
Một ngày sau mổ hầu hết bệnh nhân đã có thể đứng dậy đi lại. Người bệnh cần đứng dậy và vận động nhẹ nhàng càng sớm càng tốt để kích thích nhu động ruột và làm máu lưu thông dễ dàng, tránh tình trạng dính ruột, tắc ruột.
Bệnh nhân sẽ được nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch cho đến khi ăn uống được bình thường trở lại. Đa số các trường hợp sau 4-5 ngày hậu phẫu là có thể ăn nhẹ, ăn uống các món ăn mềm, dễ tiêu hóa.
Bác sĩ sẽ kê cho người bệnh thuốc giảm đau và một số loại kháng sinh để giảm đau, chống viêm
Sau phẫu thuật 1-2 tuần nếu không có bất thường gì xảy ra, bệnh nhân có thể xuất viện.
Thường thì bệnh nhân có thể trở lại với cuộc sống sinh hoạt bình thường trong vòng 1-3 tuần sau mổ, nhưng để bình phục hoàn toàn và đảm bảo sức khỏe thì cần thời gian lâu hơn. Do đó, bệnh nhân dù đã hồi phục, thời gian đầu sau phẫu thuật từ 4-6 tuần cần tránh gắng sức, tránh làm những việc nặng.
Những thông tin về phương pháp phẫu thuật cắt trực tràng và những điều cần lưu ý nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi thông tin chi tiết bạn đọc vui lòng liên hệ 1900 558892 hoặc 0936 388 288 để được tư vấn cụ thể.