Tiêm phòng trước và đang mang thai là rất cần thiết, giúp bạn có thai kỳ khỏe mạnh cũng như chuẩn bị sức khỏe tốt nhất cho em bé khi chào đời. Vậy các loại vắc xin cần tiêm là gì, lịch tiêm chủng ra sao…Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết các thắc mắc thường gặp về tiêm chủng vacxin cho thai phụ.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao cần tiêm chủng vacxin trước và trong khi mang thai?
Mang thai là thời điểm nhạy cảm về mặt sức khỏe. Lúc này hệ miễn dịch của thai phụ suy yếu tự nhiên để giúp cho bào thai có thể phát triển ổn định trong tử cung. Đồng thời, nguy cơ mẹ mắc phải bệnh truyền nhiễm tăng cao.
Để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm tấn công trong quá trình mang thai, nữ giới cần chủ động tiêm phòng sớm và đúng theo lịch trình tiêm chủng được khuyến cáo. Chỉ có như vậy mới giúp tăng kháng thể để bảo vệ cho cả mẹ và bé. Kháng thể từ vacxin còn truyền từ mẹ thông qua nhau thai và cuống rốn – Điều này giúp bảo vệ bé trong giai đoạn chưa đến tuổi tiêm ngừa.
2. Không tiêm phòng vacxin thì có sao không?
Vacxin là cách bảo vệ mẹ và bé khỏi sự tấn công của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu không chủ động tiêm chủng vacxin thì nguy cơ phơi nhiễm bệnh rất cao. Ví dụ:
– Mẹ mắc cúm trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì dễ dẫn đến dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Các dị tật có thể kể đến như hở hàm ếch, tim bẩm sinh. Bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dọa sảy thai, sinh non.
– Phụ nữ mang thai mắc bệnh bạch hầu có nguy cơ tử vong tới 50%, nguy cơ sinh non hoặc sảy thai chiếm hơn 30%.
– Mẹ mắc rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ thì bé sinh ra sẽ bị hội chứng rubella bẩm sinh. Hội chứng này gây ra điếc, dị tật tim, đục thủy tinh thể, chậm phát triển,…
– Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đe dọa tính mạng cho cả mẹ và bé
– Mẹ mắc thủy đậu có thể gặp biến chứng như tổn thương thần kinh, viêm phổi. Tùy vào thời gian mắc mà bé có thể bị thủy đậu bẩm sinh hoặc sơ sinh với nhiều di chứng như dị dạng, chậm phát triển tâm thần. Nguy hiểm nhất là tử vong.
– Thai phụ nhiễm HPV có thể mắc sùi mào gà, dẫn đến cản trở đường sinh và không thể sinh thường. Nếu nhiễm các chủng nguy cơ cao dẫn đến ung thư cổ tử cung, việc điều trị phải hoãn lại vì có thể dẫn đến chuyển dạ sớm.
– Ho gà nguy hiểm đối với cà mẹ và bé. Trong đó, bé dưới 6 tháng tuổi dễ mắc và tử vong cao.
3. Tiêm chủng vacxin cho mẹ bầu có ảnh hưởng đến thai nhi?
Điều lo lắng nhất mà ai cũng gặp phải chính là không biết việc tiêm phòng vacxin có ảnh hưởng đến thai nhi hay không. Các vacxin được chỉ định trong thai kỳ đều được kiểm định an toàn và thông qua xét duyệt của Bộ Y tế. Tiêm chủng đúng và đủ liều theo chỉ định của bác sĩ có thể an tâm về sức khỏe của mẹ và bé.
Mỗi loại vacxin sẽ có lịch tiêm chủng khác nhau, cụ thể:
– Vacxin cúm cần tiêm vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ với một liều duy nhất
– Vacxin uốn ván đơn cần chích ngừa 2 mũi với khoảng cách ít nhất là 4 tuần. Sau đó mỗi lần mang thai cần tiêm nhắc lại 1 mũi.
– Vacxin kết hợp phòng 3 bệnh cùng lúc (bạch hầu – ho gà – uốn ván), thai phụ chỉ cần tiêm một mũi trong mỗi thai kỳ. Nếu tiền mang thai chưa kịp tiêm thì có thể tiêm vào 3 tháng cuối thai kỳ.
4. Phát hiện có bầu sau tiêm vacxin không được chỉ định trong khi mang thai có sao không?
Bạn không nên quá lo lắng nếu phát hiện mang thai sau tiêm chủng vacxin không được chỉ định trong thai kỳ. Đến nay, y văn chưa có chỉ định chấm dứt thai kỳ đối với trường hợp này.
Cục Y tế dự phòng dẫn thông tin từ WHO cho biết không ghi nhận bất thường nào ở 1.000 phụ nữ vô tình tiêm vacxin sởi – quai bị – rubella trong thời kỳ đầu mang thai.
Thay vào đó cần giữ bình tĩnh và theo dõi sức khỏe bản thân sát sao. Hãy báo ngay cho bác sĩ chuyên môn để được kiểm tra, tư vấn và hướng dẫn phù hợp.
5. Một số loại vacxin không được tiêm trong thai kỳ và cách phòng bệnh
5.1. Chống chỉ định tiêm chủng vacxin một số loại sau khi đang mang thai
Phụ nữ trước khi mang thai được khuyến cáo nên tiêm phòng đầy đủ để thiết lập tấm khiên bào vệ sức khỏe cho cả hai. Tuy nhiên có một số loại vacxin sau chống chỉ định tiêm trong thai kỳ gồm:
– Vacxin ngừa phế cầu
– Vacxin HPV
– Vacxin phòng sởi, quai bị và rubella
– Vacxin thủy đậu
Do đó, nếu có dự định mang bầu trong thời gian tới thì bạn nên chủ động tiêm phòng sớm để đảm bảo an toàn cũng như có thời gian miễn dịch với bệnh.
5.2. Một số cách phòng bệnh khác ngoài tiêm chủng vacxin
Nếu bạn chưa kịp tiêm ngừa vacxin tiền thai kỳ thì có thể áp dụng các cách sau để phòng bệnh:
– Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu tràng và giữ khoảng cách ở nơi đông người, chú ý giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh,… để phòng các bệnh lây qua đường hô hấp (sởi, quai bị, rubella, phế cầu, thủy đậu).
– Không dùng chung đồ chung đồ dùng cá nhân với người nhiễm (bàn chải, dao cạo râu, khăn tắm,…), thường xuyên lau chùi và dọn dẹp không gian sinh hoạt,… để tránh nhiễm bệnh viêm gan B, HPV.
– Người thân sinh sống trong cùng một gia đình cũng cần chủ động tiêm ngừa để tạo nên cộng đồng miễn dịch. Điều này giúp tránh tình trạng người mang bệnh nhưng không có triệu chứng lây bệnh cho thai phụ.
Tiêm chủng vacxin có ý nghĩa lớn đối với bà bầu và thai nhi. Trên đây là thông tin giải đáp các thắc mắc xoay quanh về vấn đề này, hy vọng hữu ích tới bạn. Nhất là trong trường hợp sắp tới bạn và gia đình có ý định chào đón thêm thành viên mới. Có thêm hiểu biết về vấn đề tiêm chủng sẽ giúp bạn tự tin và bớt lo lắng hơn trong quá trình mang thai và sinh con.