Trẻ bị hóc xương là tai nạn khá phổ biến và dễ gặp trong cấp cứu tai mũi họng. Rất nhiều trường hợp xương mắc sâu trong họng, hoặc trẻ không hợp tác sẽ cần đến kỹ thuật gây mê để nội soi gắp dị vật. Ngoài ra, nhiều tình huống phát hiện bệnh muộn, trẻ đến bệnh viện khi đã xuất hiện ổ áp xe ở cổ vì xương mắc hóc.
Menu xem nhanh:
1. Cần nghi ngờ trẻ bị hóc xương đúng lúc, kịp thời
Hóc xương là tình trạng trong quá trình tiêu thụ thức ăn, xương không được xử lý đúng cách (bị loại bỏ hoặc được nghiền nát), đi theo đường nuốt nhưng không xuống dạ dày như các thức ăn khác, mà bị mắc lại khu vực hầu họng, gây tình huống hóc, khiến bệnh nhân nghẹn, đau nhức, khó chịu. Hóc xương phổ biến nhất ở đối tượng trẻ em, và 95% trong số đó rơi vào trường hợp hóc xương cá. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân gây nên cũng như để lại nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Chính vì thế, cha mẹ nên chủ động phát hiện tình huống này ở trẻ, cũng như chăm sóc trẻ tốt hơn, phòng ngừa và xử lý tình huống hóc xương đúng cách.
1.1. Khi nào cần nghi ngờ trẻ bị hóc xương?
Cha mẹ có thể nhận biết những dấu hiệu và tình huống ở trẻ cần nghi ngờ trẻ hóc xương. Đó là khi:
– Trẻ ăn cơm với đồ ăn có xương (như cá, thịt gà, lợn,…) sau đó có những biểu hiện như bị đau họng, khó nuốt, khó uống,… Nhiều trẻ thường chảy nước bọt (do không nuốt được). Một số ít có thể bị khàn tiếng hoặc mất tiếng trường hợp xương mắc vào thanh quản.
– Đau họng liên tục, chỉ cần nuốt vào là đau, trẻ bức bối, khó chịu, quấy khóc.
– Cảm giác muốn ói do xương cản trở việc thức ăn xuống dạ dày.
– Ho là phản ứng tự nhiên của trẻ khi bị hóc xương, nhằm đẩy xương hỏi vị trí hóc. Nhiều trẻ có hiện tượng ho liên tục, ho khiến mặt đỏ bừng, mệt mỏi.
Với trẻ nhỏ chưa thể nói, trẻ có thể có hành động đưa tay lên cổ hoặc vào miệng như đang cố gỡ hoặc lấy gì đó.
Với trình trạng trẻ có những phản ứng này, bác sĩ sẽ xác nhận tình trạng hóc xương của trẻ bằng việc kiểm tra thực thể, soi họng, nội soi xem vị trí xương hóc nơi nào để tiến hành lấy xương cho trẻ bị hóc. Trong một số trường hợp, có thể trẻ không hóc xương thật mà chỉ đau họng do viêm nhiễm đường hô hấp trên. Khi đó, bác sĩ sẽ giúp điều trị bệnh lý cho trẻ.
Một số trường hợp khác cần chụp thêm X-quang để có thể thấy xương bị hóc. Xác định vị trí xương gây hóc là thao tác cần thiết trước khi thực hiện việc lấy xương cá khỏi vị trí hóc ở cổ họng.
1.2. Chữa hóc xương cho trẻ sớm để tránh những vấn đề nguy hiểm
Các bác sĩ khuyến cáo: cần điều trị loại bỏ xương cá cho trẻ sớm, nhất là không nên để qua đêm khi nghi ngờ xương mắc trong cổ họng. Trẻ khi bị hóc xương luôn bị khó chịu, bức bối và đau đớn, thậm chí là không thể ăn uống, dẫn đến việc suy nhược thể trạng. Bên cạnh đó, nếu xương cá để lâu không được lấy ra, có thể gây những vấn đề khác cho trẻ như:
– Tình trạng nhiễm trùng (tại vị trí xương gây hóc)
– Áp xe niêm mạc
– Thủng mạch máu
– Thùng thực quản
– Viêm hầu họng.
– Viêm đường hô hấp
– Dị vật đường thở: gây viêm phế quản, viêm dây thanh, áp xe phế quản, xẹp phổi, viêm phổi, … thậm chí, dị vật có thể làm tắc nghẽn đường thở, nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Chính vì thế, không thể không đề phòng trước tình trạng hóc xương ở trẻ, đồng thời, cần giải quyết sớm tình trạng này, tránh những vấn đề bất thường trẻ có thể phải đối mặt.
2. Xử lý đúng cách khi gặp tình huống trẻ bị hóc xương
Khi trẻ hóc xương, cha mẹ ghi nhớ: không ép trẻ ăn tiếp. Với trẻ còn nhỏ, hãy ngừng cho trẻ ăn và đưa trẻ đến bác sĩ để được kiểm tra và gắp xương an toàn, đúng cách cho trẻ. Với trẻ lớn hơn, cha mẹ cũng cần không ép trẻ ăn tiếp và cần trấn an trẻ bình tĩnh. Sau đó, cha mẹ có thể lấy đèn pin kiểm tra cổ họng con.
Nếu cha mẹ nhìn thấy xương gây hóc cắm vào màn hầu hay thành họng, và trẻ có thể bình tĩnh để cha mẹ thực hiện thao tác, thì hãy dùng kẹp y khoa gắp xương ra. Sau đó, nếu trẻ vẫn kêu đau hoặc khó nuốt, thì rất có thể còn xương mắc kẹt mà cha mẹ không thể thấy. Khi này, hoặc trong trường hợp cha mẹ khó có thể thực hiện việc gắp xương (không có dụng cụ, không có chuyên môn, trẻ không bình tĩnh,…), hãy nhờ các bác sĩ tai mũi họng hỗ trợ với các phương tiện phù hợp. Các bác sĩ cũng sẽ giúp dự phòng biến chứng, giúp trẻ phục hồi an toàn và tránh những vấn đề viêm nhiễm có thể xảy ra.
Chú ý: Cha mẹ tuyệt đối không dùng tay mò mẫm và dò tìm xương trong cổ họng trẻ. Hành động này có thể không những không giúp trẻ lấy xương gây hóc, mà còn khiến xương bị đẩy sâu vào trong họng, khiến việc gắp xương sau này khó khăn hơn, cũng như khiến những biến chứng từ tình trạng hóc xương nhanh chóng hơn.
3. Phòng ngừa hóc xương ở trẻ
Sự chú ý từ cha mẹ là điều tối quan trọng để phòng ngừa tình trạng hóc xương ở trẻ. Cha mẹ cần:
– Kiểm tra kỹ lưỡng thức ăn trước khi cho con ăn để tránh tình trạng có xương nhỏ, xương mảnh trong đồ ăn của con.
– Nếu con còn bé, nên xay nhuyễn hoặc nghiền thức ăn thật kỹ trước khi cho bé ăn.
– Dạy trẻ việc nhai kỹ và bỏ các vật cứng, vật bất thường khi ăn
– Giáo dục con về tầm nguy hiểm của hóc xương, để con tự cảnh giác và phòng ngừa.
Có thể nói, vấn đề trẻ bị hóc xương rất dễ xảy ra. Đồng thời, tai nạn này cũng để lại nhiều nguy cơ với sức khỏe và tính mạng của trẻ. Chính vì thế, chủ động phòng ngừa là điều quan trọng mà cha mẹ cần thực hiện cho con. Thêm vào đó, cần sớm xử lý tình trạng con bị hóc, đưa trẻ đến các bác sĩ tai mũi họng để được hỗ trợ, gắp xương và phòng ngừa các biến chứng hóc đúng cách, hợp lý.