Cách điều trị sỏi bàng quang sẽ phụ thuộc vào kích thước của viên sỏi và tình trạng bệnh ở mức độ nào. Tìm hiểu những cách chữa sỏi bàng quang giúp người bệnh có cái nhìn tổng quan nhất về bệnh. Từ đó, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất dựa trên kết quả thăm khám và tư vấn của bác sĩ.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi bàng quang và những triệu chứng nhận biết bệnh
Sỏi bàng quang là những tinh thể rắn được lắng đọng từ nước tiểu tại bàng quang hoặc do sỏi di chuyển từ thận xuống. Đa số sỏi bàng quang là do sỏi di chuyển từ thận và niệu quản xuống mà mắc kẹt tại bàng quang. Qua thời gian viên sỏi càng có kích thước lớn. Khi sỏi lớn sẽ gây ra hàng loạt các triệu chứng khó chịu cho người bệnh:
1.1. Người bệnh có triệu chứng tiểu ngắt quãng
Do sỏi lớn có thể gây bít bán phần đường thoát nước tiểu. Khiến cho người bệnh đang đi tiểu bỗng dưng dòng nước tiểu ngừng lại. Ở nam giới xuất hiện thêm triệu chứng đau dương vật khi đi tiểu.
1.2. Người bệnh gặp tình trạng tiểu rắt
Khi sỏi trong bàng quang di chuyển tác động lên bàng quang gây ra tình trạng tiểu rắt. Khi người bệnh hoạt động nhiều, bàng quang càng bị kích ứng thì hiện tượng này trầm trọng hơn.
1.3. Người bệnh nhận thấy màu sắc nước tiểu bất thường
Nước tiểu có màu đục, mùi hôi hoặc có lẫn máu. Tình trạng này xuất hiện do sỏi cọ xát niêm mạc bàng quang gây ra nhiễm trùng đường tiểu. Việc cọ xát cũng dẫn đến chảy máu khiến cho nước tiểu có lẫn máu.
1.4. Người bệnh bị đau vùng bụng dưới, tình trạng đau bụng sẽ lan ra lưng
Thông thường những triệu chứng này xuất hiện khi sỏi bàng quang có biến chứng. Sỏi lớn, góc cạnh gây đau cho bệnh nhân. Sỏi bàng quang nhỏ hơn có thể theo đường tiểu xuống niệu đạo và kẹt lại ở đó gây sỏi niệu đạo. Khi xuất hiện triệu chứng bất thường, người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời. Vì sỏi bàng quang có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng bàng quang, vô niệu, suy thận…
2. Những cách điều trị sỏi bàng quang hiệu quả hiện nay
2.1. Cách điều trị sỏi bàng quang chưa biến chứng, niệu đạo thông thoáng
Khi sỏi bàng quang kích thước nhỏ, có thể thoát ra ngoài theo đường tiểu tự nhiên. Để sỏi thoát dễ dàng bệnh nhân cần tuân thủ các chỉ định:
2.1.1. Người bệnh cần cung cấp cho cơ thể lượng nước nhiều hơn
Nước giúp đào thải sỏi thuận lợi hơn. Đồng thời, làm loãng nước tiểu, ngăn ngừa kết tinh tạo sỏi mới và bồi đắp sỏi cũ. Trung bình người có sỏi đang điều trị cần uống đủ 3 lít mỗi ngày. Người bệnh nên uống nước lọc, nước đun sôi để nguội, uống thêm nước hoa quả ép.
2.1.2. Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa sau thăm khám
Khi thực hiện điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ kê đơn cho người bệnh các thuốc thuộc nhóm giảm đau, giãn cơ trơn, thuốc lợi tiểu… giúp hỗ trợ đẩy sỏi ra khỏi cơ thể. Đồng thời giúp các triệu chứng đau, khó chịu. Một số trường hợp sẽ cần thêm thuốc kháng sinh, kháng viêm. Lưu ý điều trị bằng thuốc để đào thải sỏi người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín thăm khám và được bác sĩ chỉ định. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc uống khi chưa có chỉ định.
2.1.3. Những thay đổi trong chế độ bổ sung dinh dưỡng
Việc dùng thuốc hàng ngày và tăng cường uống nước cần kết hợp với chế độ ăn phù hợp. Cả 3 yếu tố này kết hợp sẽ giúp sỏi nhanh được đào thải ra khỏi cơ thể. Người bệnh nên tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống lành mạnh khi thực hiện điều trị sỏi bàng quang.
Một yếu tố rất quan trọng để đảm bảo việc điều trị sỏi bàng quang bằng nội khoa thành công đó là niệu đạo người bệnh phải thông thoáng. Người bệnh không đồng thời mắc sỏi niệu đạo, niệu đạo không bị hẹp hay bất thường. Điều kiện này đảm bảo quá trình đào thải sỏi từ bàng quang xuống không bị cản trở.
2.2. Cách điều trị sỏi bàng quang khi sỏi có kích thước lớn, đã có biến chứng
Khi sỏi điều trị nội khoa không có tác dụng. Hoặc sỏi có kích thước lớn và gây ra những biến chứng, bác sĩ sẽ có chỉ định tán sỏi nội soi ngược dòng. Đây là cách điều trị sỏi bàng quang công nghệ cao, có nhiều ưu điểm vượt trội.
Trước hết qua thăm khám lâm sàng, người bệnh sẽ được chỉ định các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Thực hiện tán sỏi nội soi ngược dòng chỉ trong thời gian ngắn, trung bình từ 30 đến 50 phút. Đầu tiên người bệnh được đưa vào phòng mổ, nằm ở tư thế sản khoa. Bác sĩ sẽ luồn ống nội soi qua niệu đạo lên bàng quang tiếp cận vị trí có sỏi. Sau đó, sẽ dùng năng lượng laser bắn vỡ viên sỏi thành nhiều vụn sỏi nhỏ. Những mảnh vụn sỏi sẽ được hút rửa và đưa ra khỏi cơ thể. Toàn bộ quá trình này được thực hiện bởi dụng cụ chuyên biệt, dưới sự hướng dẫn của camera. Nguồn năng lượng laser chỉ phá vỡ cấu trúc sỏi mà không gây hại tới các cơ quan khác.
Phương pháp tán sỏi công nghệ cao này theo đường tự nhiên nên hoàn toàn không mổ. Trong quá trình tán sỏi bệnh nhân sẽ được gây mê nên hoàn toàn không đau. Sau tán sỏi, người bệnh chỉ cần theo dõi tại viện trong 24 đến 48h.
4. Tổng kết
Sỏi bàng quang nói riêng và sỏi tiết niệu nói chung là bệnh lý người Việt rất dễ mắc phải. Bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm, đe dọa sức khỏe người bệnh. Cách điều trị sỏi bàng quang hiệu quả ra sao còn phụ thuộc vào việc phát hiện và điều trị sỏi sớm hay muộn. Tán sỏi nội soi ngược dòng hiện nay là phương pháp rất tiên tiến loại bỏ sỏi bàng quang hiệu quả. Tuy nhiên đây là kỹ thuật tán sỏi khó, đòi hỏi chuyên môn rất cao từ bác sĩ. Chính vì thế, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị.