Nằm ở trung tâm võng mạc, hoàng điểm hay điểm vàng là bộ phận trực tiếp đón ánh sáng di chuyển từ môi trường bên ngoài qua giác mạc và thủy tinh thể. Lỗ hoàng điểm là bệnh lý mà trong đó, hoàng điểm vì một lý do mà bị tổn thương. Bởi liên quan trực tiếp đến hoàng điểm, bệnh lý này rất nguy hiểm.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm và nhận diện lỗ hoàng điểm
Để chúng ta có thể quan sát thế giới rõ ràng, giác mạc, thủy tinh thể, võng mạc, dây thần kinh thị giác và não bộ phải phối hợp hoạt động nhịp nhàng. Trong đó, giác mạc và thủy tinh thể chịu trách nhiệm tiếp nhận ánh sáng từ môi trường bên ngoài, võng mạc chịu trách nhiệm trung chuyển và dây thần kinh thị giác chịu trách nhiệm dẫn truyền chúng tới não bộ. Nằm tại trung tâm võng mạc, hoàng điểm là khu trung chuyển ánh sáng chính xác trực tiếp. Hoàng điểm có hình bầu dục, rộng khoảng 3mm, sẫm màu hơn so với phần còn lại của võng mạc vì ngoài tế bào biểu mô sắc tố, hoàng điểm còn được cấu tạo bởi nhiều sắc tố vàng (Xanhthoill). Khi hoàng điểm bị rách bệnh nhân được xác định là bị lỗ điểm vàng.
Bệnh lý này có thể được nhận diện qua các dấu hiệu sau:
– Giai đoạn sớm: Bệnh nhân suy giảm thị lực, hình ảnh trung tâm mà bệnh nhân quan sát được bị biến dạng, ví dụ như các đường thẳng bị bẻ cong hoặc lượn sóng
– Giai đoạn muộn: Bệnh nhân hoàn toàn không quan sát được hình ảnh trung tâm, tại đó chỉ có một vùng đen, tối, giống như điểm mù.
Ngoài dấu hiệu suy giảm thị lực trung tâm, bệnh lỗ điểm vàng không còn triệu chứng đặc trưng nào khác.
2. Nguyên nhân lỗ hoàng điểm
Đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa phát hiện được nguyên nhân khởi phát bệnh lý lỗ điểm vàng. Tuy nhiên, theo thống kê thực tế, lỗ điểm vàng xuất hiện nhiều ở những nhóm đối tượng sau:
– Nữ giới trên 60 tuổi
– Bệnh nhân có co kéo võng mạc dịch kính – hoàng điểm, có tiền sử bong võng mạc, chấn thương vật lý nặng tại nhãn cầu, viễn thị, cận thị, phù hoàng điểm dạng nang.
3. Chẩn đoán và điều trị lỗ hoàng điểm – Những thông tin bạn cần biết
Khi các dấu hiệu lỗ hoàng điểm xuất hiện, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa mắt gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
3.1. Chẩn đoán lỗ hoàng điểm
Việc chẩn đoán lỗ điểm vàng bao gồm:
– Khai thác tiền sử bệnh lý
– Chuyên gia nhãn khoa có thể sẽ đề nghị bệnh nhân tiến hành xét nghiệm CĐHA. Xét nghiệm này được thực hiện như sau: Chuyên gia nhãn khoa nhỏ thuốc giãn đồng tử và soi đáy mắt. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể sẽ được chụp mạch huỳnh quang và chụp cắt lớp kết hợp quang học (OCT) – phương pháp tốt để chẩn đoán chính xác bệnh lỗ điểm vàng.
3.2. Điều trị lỗ hoàng điểm
Một số trường hợp lỗ điểm vàng có thể biến mất mà không cần can thiệp y tế. Chính vì vậy, khi xác định bệnh nhân bị lỗ điểm vàng, rất có thể chuyên gia nhãn khoa cũng không chỉ định bệnh nhân điều trị ngay, mà chỉ tiến hành theo dõi thêm sự phát triển của bệnh.
Trong trường hợp cần điều trị chủ động, lỗ điểm vàng có thể được xử lý bằng 2 phương pháp là tiêm Ocriplasmin nội nhãn và phẫu thuật cắt dịch kính.
3.2.1. Tiêm Ocriplasmin nội nhãn
Nếu có co kéo võng mạc dịch kính, đường kính lỗ hoàng điểm nhỏ hơn 400 micromet nhưng triệu chứng bệnh trầm trọng, bệnh nhân lỗ điểm vàng sẽ được tiêm Ocriplasmin nội nhãn. Ocriplasmin nội nhãn giúp dịch kính tách biệt với võng mạc, tạo điều kiện cho lỗ điểm vàng đóng lại.
Ocriplasmin nội nhãn có thể mang đến một vài tác dụng phụ như: Mắt đỏ, khô, cộm, nhạy cảm với ánh sáng; mí mắt sưng; hình ảnh quan sát được có chớp sáng, mờ, méo, thị lực suy giảm hoặc điểm mù xuất hiện vào ban đêm. Tuy nhiên, mức độ của các tác dụng phụ này tương đối nhẹ và có thể tự khỏi. Nếu chúng không thuyên giảm, bệnh nhân cần tái khám với chuyên gia nhãn khoa ngay lập tức.
Trường hợp tiêm Ocriplasmin nội nhãn không đóng được lỗ điểm vàng, phẫu thuật cắt dịch kính sẽ là phương pháp được chỉ định tiếp theo.
3.2.2. Phẫu thuật cắt dịch kính
Đây là phẫu thuật được thực hiện nhằm vá vết rách hoàng điểm, từ đó loại bỏ bệnh lý lỗ hoàng điểm. Đây là một phương pháp điều trị cho hiệu quả cao. Tỷ lệ thành công của phẫu thuật này là 9/10 người nếu tuổi thọ bệnh lý dưới 6 tháng và 6/10 người nếu tuổi thọ bệnh lý trên 1 năm. Thậm chí, ngay cả khi vết rách không thể vá, thị lực bệnh nhân cũng sẽ được cải thiện. Thêm nữa, trường hợp bệnh tái phát có chỉ định phẫu thuật, phẫu thuật lần hai vẫn có thể thành công.
Theo đó, phẫu thuật cắt dịch kính được thực hiện như sau:
– Rạch một đường nhỏ tại củng mạc rồi luồn thiết bị nội soi vào nhãn cầu qua đó.
– Đầu tiên, loại bỏ dịch kính. Tiếp theo, màng giới hạn bên trong được bóc ra một cách cẩn thận trên bề mặt võng mạc, xung quanh lỗ điểm vàng. Việc này được tiến hành nhằm giải phóng lực co kéo ngay tại lỗ mở.
– Sau đó, một lượng khí gas vừa đủ sẽ được bơm tạm thời vào buồng dịch kính. Khí gas sẽ trám lên bề mặt lỗ điểm vàng, giúp quá trình vá lỗ điểm vàng diễn ra thuận lợi hơn.
Phẫu thuật cắt dịch kính thường kéo dài khoảng 1 giờ. Trong lúc đó, hầu hết bệnh nhân không cảm thấy đau đớn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ nhìn mờ vì khí gas trám tại lỗ điểm vàng, nhưng tình trạng đó sẽ thuyên giảm sau 6 – 8 tuần, tùy từng loại.
Phía trên là toàn bộ thông tin cơ bản của bệnh lý lỗ hoàng điểm. Theo đó, đây là một bệnh lý nguy hiểm. Sự tồn tại của nó đe dọa đến thị lực và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Chính vì vậy, khi dấu hiệu bệnh xuất hiện, đừng chần chừ, đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa mắt uy tín gần nhất để được chuyên gia nhãn khoa thăm khám và điều trị kịp thời, bạn nhé!