Viêm dạ dày giai đoạn cấp tính là thời điểm điều trị bệnh tốt nhất. Chính vì thế, nhận biết đúng và sớm các triệu chứng là yêu cầu quan trọng giúp việc điều trị viêm dạ dày cấp được thực hiện thuận lợi và nhanh chóng nhất.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm dạ dày cấp
Viêm loét dạ dày cấp là tình trạng lớp niêm mạc trên cùng của dạ dày bắt đầu trở nên sưng đỏ, trầy xước, bị trợt lở vì một nguyên nhân nào đó. Hầu hết các tổn thương trong viêm loét dạ dày cấp tính thường ở mức độ nhẹ và nông trên bề mặt và chưa gây ra triệu chứng nghiêm trọng gì cho người bệnh.
Viêm loét dạ dày cấp tính được coi là thời điểm “vàng” trong điều trị bệnh. Bởi lẽ, khi kịp thời phát hiện và xử lý sớm ở giai đoạn này thì việc điều trị diễn ra dễ dàng hơn và nhanh chóng chữa lành các vết loét sớm hơn.
2. Nhận biết viêm dạ dày cấp
2.1. Nhận biết qua triệu chứng điểm hình
Các triệu chứng bệnh loét dạ dày cấp tính diễn ra thường rầm rộ trong 3-4 ngày đầu sau đó sẽ giảm dần trong 1-2 tuần tiếp theo và các triệu chứng sẽ hết trong vòng 1 tháng. Các dấu hiệu bệnh điển hình nhất có thể kể tới là:
– Đau thượng vị dữ dội cùng cảm giác nóng rát, cồn cào. Cơn đau thường xuất hiện sau ăn 2-3 tiếng do các vết loét niêm mạc thành dạ dày bị tác động bởi thức ăn. Cũng có khi đau lúc bụng đói, lúc nửa đêm hoặc gần sáng, khiến người bệnh bị mất ngủ và càng thêm mệt mỏi.
– Người bệnh viêm dạ dày cấp còn có tình trạng buồn nôn, nôn ói nhiều. Đa số thường nôn ngay sau bữa ăn, đau bụng và nôn hết thức ăn. Nôn xong tình trạng đau bụng sẽ giảm dần nhưng một lúc lại đau trở lại. Hậu quả của việc nôn ói nhiều khiến người bệnh mất nước, mất điện giải, người mệt mỏi và sụt cân.
– Xuất huyết tiêu hóa là dấu hiệu tiếp theo và cũng là biến chứng nguy hiểm của viêm dạ dày cấp. Nhận biết khi người bệnh nôn ra máu, đau thượng vị dữ dội hoặc đi ngoài ra phân đen.
2.2. Nhận biết viêm loét cấp tính qua chẩn đoán lâm sàng
Để chẩn đoán viêm dạ dày cấp, ngoài các triệu chứng lâm sàng kể trên, người bệnh cần cung cấp các thông tin như: trước khi đau bụng người bệnh ăn, uống gì; tiền sử người bệnh và gia đình có ai bị các bệnh về dạ dày không,…
Khi đã cấp cứu qua cơn đau cấp tính, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định cụ thể để chẩn đoán người bệnh có bị viêm loét dạ dày hay không bằng các phương pháp như:
– Chụp X-quang dạ dày có bao gồm thuốc cản quang
– Nội soi dạ dày (Đây là phương pháp phổ biến hàng đầu chẩn đoán viêm loét dạ dày và các bệnh lý đường tiêu hóa khác)
3. Điều trị viêm dạ dày cấp bằng cách nào?
Như đã nói ở trên, giai đoạn cấp tính được coi là thời điểm “vàng” điều trị viêm loét dạ dày. Trong trường hợp phát hiện và xử lý sớm, các vết loét cấp tính còn có thể tự lành lại mà không cần can thiệp bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Trên hết, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ viêm loét cấp tính, người bệnh nên chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa ngay để được chẩn đoán và tìm ra đúng nguyên nhân bệnh và lên phác đồ điều trị bằng các cách sau đây:
3.1. Điều trị viêm dạ dày cấp bằng chỉ định dùng thuốc
Điều trị bằng thuốc với ưu điểm thực hiện dễ dàng, tiện lợi và cho hiệu quả cao trong trường hợp viêm dạ dày cấp.
Thông thường, các loại thuốc điều trị loét dạ dày được nhắc tới như:
– Thuốc kháng acid
– Thuốc giảm tiết acid
– Thuốc ức chế bơm proton
– Thuốc tạo lớp màng bọc giúp bao quanh ổ viêm loét nhằm bảo vệ niêm mạch dạ dày
– Thuốc diệt vi khuẩn HP.
Lưu ý: Người bệnh cần thực hiện đúng đơn kê bác sĩ đưa ra. Không tự ý mua thuốc, dùng chung đơn thuốc của người khác hay tự thay đổi về chỉ định của bác sĩ (về loại thuốc, liều lượng, thời gian sử dụng,…). Thực hiện đúng phác đồ để cho hiệu quả điều trị tốt nhất.
3.2. Điều trị viêm dạ dày cấp bằng chế độ ăn khoa học
Chế độ ăn đóng vai trò quyết định trong quá trình điều trị viêm loét dạ dày nói chung và đặc biệt hiệu quả với trường hợp loét dạ dày cấp tính. Lựa chọn đúng thực phẩm sẽ giúp người bệnh thuyên giảm các triệu chứng nhanh chóng và hỗ trợ làm lành vết loét nhanh hơn.
Thực phẩm nên ăn:
– Thực phẩm giàu chất xơ
– Nhóm thực phẩm giúp cung cấp nguồn đạm dễ tiêu
– Thực phẩm ít chất béo xấu
– Bổ sung vitamin các nhóm có lợi như A, D, K, B12, sắt, canxi,…
– Nhóm tinh bột dễ tiêu như là cơm, cháo, bánh mì, khoai lang,…
– Các loại thực phẩm có tác dụng hỗ trợ làm lành vết loét như nghệ, nha đam, mật ong,…
Thực phẩm nên kiêng:
– Hạn chế đồ ăn nhanh, loại đồ ăn đã chế biến sẵn vì chứa nhiều các chất bảo quản,..
– Kiêng đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ hoặc có chứa nhiều chất béo bão hòa,…
– Không ăn đồ ăn dai cứng
– Hạn chế các loại đồ ăn hoặc hoa quả có vị chua
– Hạn chế gia vị cay như dấm, tỏi, tiêu, ớt,..
– Hạn chế nhóm đồ ăn theo công thức lên men như dưa muối, hành muối, cà muối,…
– Tránh đồ uống có cồn (nhất là rượu, bia), đồ uống đóng chai có gas, chè đặc, cafe,…
3.3. Điều trị viêm dạ dày cấp bằng lối sống lành mạnh
Bên cạnh chế độ ăn uống khoa học cân đối thì người bệnh loét dạ dày sẽ nâng cao hiệu quả điều trị nhờ duy trì một lối sống nề nếp, lành mạnh với các gợi ý sau đây:
– Bỏ thuốc lá.
– Tránh thức khuya.
– Ăn uống nề nếp: Ăn đủ bữa, đúng giờ, cần tập trung khi ăn, mỗi bữa nên chia nhỏ lượng thức ăn để không ăn quá no hoặc để bụng bị quá đói.
– Luôn giữ một tinh thần thoải mái, làm việc và nghỉ ngơi điều độ nhằm tránh những căng thẳng và lo âu kéo dài.
– Luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày theo cường độ phù hợp với thể lực của bản thân.
Nhận biết và điều trị viêm dạ dày cấp ngay từ sớm giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, hiệu quả lành bệnh cao và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng. Hãy đến ngay các bệnh viện uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và chỉ định điều trị phác đồ.