Polyp mũi là một vấn đề về sức khỏe tai mũi họng thường gặp hiện nay. Tình trạng này tuy không đe dọa tới tính mạng của người bệnh nhưng lại tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Nhận biết ngay các triệu chứng polyp mũi để chủ động đi khám và điều trị sớm, giúp bảo vệ sức khỏe mũi họng tối ưu.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là polyp mũi?
Polyp mũi là một dạng u lành tính, khu trú ở hốc mũi hoặc ở trong các xoang mũi. Bản chất polyp không phải là khối u mà là sự thoái hóa cục bộ của niêm mạc mũi xoang. Các khối polyp thường mềm, nhẵn, mọng trong và có màu hồng nhạt. Cấu trúc bên ngoài của polyp mũi là lớp biểu mô với tế bào trụ, tế bào vuông hoặc tế bào lái bẹt. Bên trong của polyp là tổ chức liên kết với các tế bào xơ, tạo thành một kết cấu lỏng lẻo, có chứa dịch nhầy.
Thông thường, polyp mũi có kích thước khá nhỏ và thường không gây ra sự cản trở cho quá trình hô hấp của người bệnh. Tuy nhiên khi polyp phát triển quá lớn, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, đau nhức mũi xoang hoặc lệch mặt…
Hiện nay, tỷ lệ người mắc polyp mũi xoang khá nhiều do chế độ sinh hoạt cũng như ảnh hưởng của thời tiết, môi trường. Mặc dù không đe dọa tới tính mạng nhưng người bệnh nên nhận biết sớm bệnh để điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.
2. Nhận biết triệu chứng polyp mũi
2.1. Dấu hiệu bệnh lý
Khi có polyp mũi, người bệnh sẽ thường xuyên gặp phải các vấn đề về khả năng hô hấp. Mọi người có thể nhận biết bản thân mắc bệnh thông qua các triệu chứng polyp mũi dưới đây:
– Nghẹt mũi
– Sổ mũi
– Chảy máu cam
– Giảm khướu giác
– Mất vị giác
– Đau nhức đầu
– Đau vùng xoang mặt
– Khó thở
– Mệt mỏi
– Ngủ ngáy…
2.2. Giai đoạn mắc bệnh
Tình trạng polyp mũi thường diễn tiến thành các giai đoạn như:
– Giai đoạn 1: Khối polyp có kích thước nhỏ, mềm, chủ yếu nằm gọn trong khe giữa của mũi. Ở giai đoạn này, các triệu chứng thường không biểu hiện rõ và chỉ có thể biết khi người bệnh được nội soi tai mũi họng.
– Giai đoạn 2: Khối polyp mũi có kích thước lớn dần, chiếm hết khe giữa của mũi. Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy quá trình hô hấp có sự cản trở, khó thở nhẹ, sổ mũi và nghẹt mũi.
– Giai đoạn 3: Khối polyp có kích thước lớn, che kín hết lỗ mũi khiến người bệnh cảm thấy nghẹ thở, hô hấp khó khăn. Nhiều trường hợp, người bệnh có thể bị giảm khướu giác và có thể nhìn thấy khối polyp khi soi giương.
– Giai đoạn 4: Khối polyp phình to quá mức và choán kín hốc mũi và đường thở, lộ ra cửa của lỗ mũi khiến người bệnh có thể nhận biết dễ dàng. Các dấu hiệu mắc bệnh sẽ biểu hiện rõ ràng hơn, người bệnh cũng có thể mắc một số bệnh về mũi xoang khác do ảnh hưởng của khối polyp.
Người bệnh nên chủ động thăm khám khi thấy các triệu chứng polyp mũi kể trên bởi việc phát hiện sớm bệnh sẽ giúp bác sĩ điều trị kịp thời, đạt hiệu quả cao hơn.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Polyp mũi thường hình thành từ lớp niêm mạc mũi hoặc xoang do nhiễm vi khuẩn hoặc virus, dị ứng… kéo dài. Khi bị viêm nhiễm mũi xoang mạn tính, các mạch máu ở niêm mạc mũi xoang sẽ gia tăng tính thấm, dẫn tới tích tụ nước ở trong các mô. Các mô ứ nước này bị tác động của trọng lực, dồn lại và kéo xuống dưới rồi trở thành polyp.
Một số yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc polyp mũi mà mọi người cần lưu ý:
– Mắc bệnh về mũi xoang, khiến số lượng tác nhân gây bệnh phát triển đáng kể, dẫn tới tổn thương niêm mạc mũi xoang và gây ra polyp.
– Người có sức đề kháng kém, đang mang thai, đang điều trị bệnh lý toàn thân mạn tính, trẻ em sinh non, bị còi xương hoặc suy dinh dưỡng.
– Người sinh sống ở môi trường có nhiều khói bụi, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, vệ sinh mũi họng không đảm bảo.
– Người bị dị ứng với một số loại thuốc xịt mũi, thuốc điều trị các bệnh lý mũi xoang.
– Người sinh ra trong gia đình có người mắc polyp mũi cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh.
4. Biến chứng polyp mũi
Trường hợp polyp phát triển quá mức mà không được điều trị kịp thời hoặc điều trị đúng phác đồ thì sẽ khiến sức khỏe người mắc bệnh giảm sút nghiêm trọng và gặp phải các biến chứng nặng nề như:
– Hội chứng ngưng thở: Do khối polyp choán hết đường thở, khiến quá trình hô hấp bị cản trở.
– Giảm chức năng khứu giác: Tổn thương niêm mạc mũi xoang cùng với việc đường thở bị cản trở sẽ khiến khả năng cảm nhận mùi vị giảm sút hoặc có thể bị mất mùi vị tức thì.
– Viêm tai giữa: Viêm nhiễm từ mũi xoang có thể lan tới tổ chức tai, gây viêm tai giữa nguy hiểm đối với người bệnh.
– Viêm xoang: Niêm mạc xoang bị tổn thương sẽ làm tăng nguy cơ mắc viêm xoang hoặc khiến tình trạng viêm xoang trở nên nặng hơn.
– Mất cân đối khuôn mặt: Khi polyp phát triển lớn, dẫn tới làm xô lệch cấu trúc mũi xoang và dẫn tới lệch mặt.
5. Nguyên tắc điều trị
Khi thấy các dấu hiệu bất thường, cho dù là nghi ngờ mắc polyp hay các bệnh lý mũi xoang khác thì người bệnh cũng cần chủ động đi khám kịp thời. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng polyp của người bệnh để tư vấn điều trị với phương pháp phù hợp.
Các phương pháp thường áp dụng trong điều trị polyp mũi là điều trị nội khoa bằng thuốc và phẫu thuật. Đối với phương pháp nội khoa, bác sĩ sẽ kê một số đơn thuốc corticosteroids, thuốc chống dị ứng thuốc kháng histamin… Người bệnh nên tuân thủ phác đồ của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hay điều chỉnh liều lượng để tránh các tác động có hại tới sức khỏe.
Trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc người bệnh mắc polyp nặng, kích thước lớn thì cần được chỉ định phẫu thuật. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ khối polyp và điều trị tình trạng viêm kèm theo để bảo vệ sức khỏe cho người bệnh. Hiện nay, phẫu thuật polyp bằng phương pháp nội soi được áp dụng nhiều tại các cơ sở y tế do phương pháp này được đánh giá cao về tính an toàn, hiệu quả.
Trong và sau quá trình điều trị, người bệnh nên chủ động tái khám hoặc thông báo cho bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường để được xử trí đúng cách.
Như vậy, bài viết đã mang tới cho bạn những thông tin hữu ích khi tìm hiểu về các triệu chứng polyp mũi. Nếu thấy bản thân có các dấu hiệu này, mọi người hãy chủ động thăm khám và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để bảo vệ sức khỏe bản thân một cách hiệu quả.