Hội chứng suy giảm trí nhớ thường gặp ở những người lớn tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở cả những người trẻ. Mất trí nhớ, suy giảm nhận thức có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và biểu hiện khác nhau. Cùng tìm hiểu về hội chứng thần kinh này qua bài biết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Suy giảm trí nhớ là bệnh lý thần kinh thường gặp
Suy giảm trí nhớ (hay còn gọi suy giảm nhận thức hoặc chứng hay quên) là tình trạng ngưng trệ quá trình vận chuyển thông tin và suy giảm chức năng ghi nhớ của não bộ. Đây là hội chứng thường gặp ở những người cao tuổi (từ 65 tuổi trở nên). Tuy nhiên, hiện nay số lượng người trẻ bị giảm trí nhớ đang ngày càng tăng. Theo thống kê, khoảng 14% người trẻ mắc hội chứng này, nguyên nhân chủ yếu là do làm việc căng thẳng và sinh hoạt không lành mạnh.
Đây là con số đáng báo động bởi sa sút trí nhớ ở người trẻ có thể tiến triển và gây nên bệnh Alzheimer khi về già.
2. 4 nguyên nhân chính gây hội chứng suy giảm trí nhớ
2.1. Thiếu ngủ trong thời gian dài
Thiếu ngủ liên tục trong thời gian dài là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Thiếu ngủ kéo dài làm giảm quá trình lưu trữ thông tin và củng cố trí nhớ, khiến người bệnh hay quên hoặc nhớ sai thông tin. Vì vậy, cải thiện chất lượng giấc ngủ là biện pháp hiệu quả để ngăn các bệnh lý thần kinh.
Ngủ đủ giấc không chỉ giúp cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ mà còn ngăn ngừa các bệnh lý khác như rối loạn nhịp tim, phình động mạch chủ, tăng huyết áp,… Tùy thuộc vào độ tuổi mà thời gian ngủ một ngày của mỗi người sẽ khác nhau. Thời gian ngủ một ngày giảm dần khi tuổi tác tăng lên. Trẻ em cần ngủ nhiều hơn so với người trưởng thành. Những người trong độ tuổi từ 16 – 64 cần ngủ đủ 7 – 9 tiếng/ngày để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, tinh thần tỉnh táo và sảng khoái.
2.2. Trầm cảm, lo âu
Căng thẳng, lo âu liên tục có thể gây trầm cảm, ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ và phân tích thông tin của người bệnh. Theo các nghiên cứu khoa học, trầm cảm là một trong những nguyên nhân gây gián đoạn quá trình phân tích của não bộ, khiến việc lưu thông tin trở nên khó khăn hơn. Điều trị bệnh trầm cảm cũng góp phần cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ. Bệnh nhân nên đến bệnh viện để được thăm khám bởi các bác sĩ tâm lý và có biện pháp trị liệu hiệu quả.
Bên cạnh đó, áp lực công việc quá lớn cũng khiến não bộ quá tải, làm giảm khả năng ghi nhớ thông tin. Theo chuyên gia, bạn nên làm việc một cách khoa học, có kế hoạch cụ thể. Không nên làm nhiều việc cùng lúc để tránh gây áp lực quá lớn lên não bộ.
2.3. Thiếu dinh dưỡng khiến hội chứng suy giảm trí nhớ thêm trầm trọng hơn
Thiếu các dưỡng chất cần thiết cho não bộ như vitamin B12, sắt,… là nguyên nhân gây nên tình trạng hoa mắt, chậm chạp, lú lẫn, hay quên.
Một số vấn đề sức khỏe như suy giảm tuần hoàn máu não, rối loạn tuyến giáp cũng ảnh hưởng tới khả năng ghi nhớ và nhận thức của người bệnh. Ngoài ra, việc sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá có thể gây suy giảm trí nhớ và ảnh hưởng đến chức năng não bộ.
2.4. Tuổi tác
Suy giảm khả năng ghi nhớ là vấn đề thường gặp khi tuổi tác tăng lên. Người cao tuổi cũng là đối tượng dễ mắc các bệnh như Alzheimer, Parkinson. Đây là những bệnh lý gây mất trí nhớ, lú lẫn.
Bên cạnh đó, các yếu tố như chấn thương đầu, sử dụng một số loại thuốc (như thuốc an thần, thuốc chống co giật, thuốc trị bệnh tim mạch) và mắc các bệnh nền như tiểu đường, viêm gan cũng có thể gây suy giảm trí nhớ.
3. Dấu hiệu cảnh báo suy giảm trí nhớ
Có một số dấu hiệu cảnh báo thường được gắn liền với chứng suy giảm trí nhớ, bao gồm:
3.1. Hay quên, lú lẫn
– Quên thông tin quan trọng: Một trong những dấu hiệu đáng chú ý nhất của suy giảm trí nhớ là khả năng ghi nhớ và khôi phục thông tin bị suy yếu. Người bị suy giảm trí nhớ thường quên mất những thông tin quan trọng như các sự kiện gần đây, tên người quen, địa chỉ và điện thoại.
– Khó khăn trong việc tập trung: Người bị suy giảm trí nhớ có thể gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc trò chuyện, đọc sách hoặc làm việc. Nhiều trường hợp bệnh nhân mất khả năng phán đoán, lập kế hoạch hoặc đưa ra quyết định.
– Mất hướng trong không gian và thời gian: Hội chứng suy giảm trí nhớ có thể dẫn đến sự mất phương hướng trong không gian và thời gian. Người bệnh dễ bị lạc đường ở những nơi quen thuộc hoặc quên ngày, tháng và năm hiện tại.
– Khó khăn trong việc thực hiện các tác vụ hàng ngày: Suy giảm trí nhớ có thể làm cho việc thực hiện các hoạt động thường ngày trở nên khó khăn. Người bị suy giảm trí nhớ có thể quên mất cách làm một công việc đã từng quen thuộc như nấu ăn, rửa chén hoặc vệ sinh cá nhân.
3.2. Thay đổi cảm xúc, hành vi – Dấu hiệu quan trọng nhận biết hội chứng suy giảm trí nhớ
– Thay đổi tâm trạng và tính cách: Một số người bị suy giảm trí nhớ có thể trở nên khó chịu, mất kiên nhẫn, bực bội hoặc cảm thấy bất an. Họ cũng mất hứng thú với các hoạt động mà họ đã từng thích, luôn buồn bã không có lý do và ngại giao tiếp với người khác.
– Hành động lặp lại: Người bị suy giảm trí nhớ có thể thực hiện một hành động lặp đi lặp lại, ví dụ như nói hoặc hỏi một vấn đề nhiều lần.
– Sợ hãi hoặc bối rối với những điều mới: Người bệnh dễ cảm thấy hoang mang và lo sợ trước những thay đổi trong môi trường sống hoặc làm việc.
– Hành động bốc đồng: Một số trường hợp bệnh nhân suy giảm trí nhớ nặng dẫn đến mất khả năng nhận thức hành vi, không nhận ra được mức độ nguy hiểm của từng hành động. Do đó, người bệnh có thể thực hiện các hành động bốc đồng, không kiểm soát gây nguy hiểm đến tính mạng.
Chứng suy giảm trí nhớ gây cản trở lớn đến cuộc sống của người bệnh. Bất kỳ ai cũng nên thực hiện các thói quen tốt để bảo vệ hệ thần kinh của mình. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có những dấu hiệu trên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được đánh giá và chẩn đoán chính xác.