Viêm hô hấp trên ở trẻ em là căn bệnh dễ tái phát nhiều lần nên khiến các ông bố, bà mẹ cảm thấy vô cùng lo lắng. Trong bài viết bên dưới, chúng tôi sẽ chia sẻ nguyên nhân và cách điều trị viêm hô hấp trên ở trẻ nhỏ để bố mẹ có cái nhìn tổng quan nhất về căn bệnh này.
Menu xem nhanh:
1. Đôi nét về bệnh viêm hô hấp trên ở trẻ em
Đường hô hấp trên là bộ phận ngoài cùng tiếp xúc với không khí. Do đó, bộ phận này dễ chịu ảnh hưởng từ những điều kiện bất lợi từ môi trường bên ngoài như lạnh, bụi bẩn, hơi độc, nóng, các loại vi khuẩn, virus, nấm mốc,…
Đường hô hấp trên được tính từ mũi tới thanh quản bao gồm họng, mũi và thanh quản. Khi những tác nhân gây bệnh xâm nhập vào bên trong sẽ làm xuất hiện những dấu hiệu của cảm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới các bệnh viêm họng, viêm mũi, viêm amidan, viêm VA, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm tai giữa,… Những bệnh này được gọi chung là viêm hô hấp trên.
2. Dấu hiệu nhận biết của bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ
Dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em thường rất đa dạng và phong phú. Chúng có thể là những triệu chứng đơn lẻ hoặc kết hợp của nhiều biểu hiện như:
– Sốt là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em. Lúc này, thân nhiệt của trẻ có thể tăng lên 39 – 40 độ C kèm theo những biểu hiện như ngứa, viêm kết mạc, chảy nước mắt, đau mắt,…
– Ho là dấu hiệu xuất hiện trong hầu hết những bệnh viêm đường hô hấp, thông thường ho xuất hiện thành từng cơn, ho khan không đờm hoặc có đờm.
– Chảy nước mũi, nghẹt mũi, mệt mỏi, chán ăn, đau cổ họng.
– Khó thở là triệu chứng ít gặp, nhưng nếu đã gặp thì chứng tỏ bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ đã trở nặng. Nếu không chữa trị tốt và đúng cách, bệnh có thể chuyển sang thể mãn tính với dấu hiệu là rát họng, ho, nghẹt mũi do hiện tượng phì đại cuống mũi, nuốt thấy hơi vướng trong họng.
– Một số trẻ bị viêm VA mãn tính kéo dài do có chất nhầy màu xanh ở mũi, trực khuẩn, trường hợp viêm xoang kèm theo dấu hiệu đau đầu.
3. Nguyên nhân gây ra căn bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ
Bênh viêm đường hô hấp trên ở trẻ nhỏ gây ra bởi các loại vi khuẩn, virus, bụi bẩn, nấm mốc, khí độc. Trong đó, những tác nhân vi khuẩn, virus có thể kể đến là phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, một số loại nấm, Haemophilus Influenzae,…
Ban đầu, căn bệnh này thường khởi phát bằng sự nhiễm và gây viêm của virus rồi biến chứng thành nhiễm khuẩn và gây ra tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm họng. Bên cạnh đó, vẫn còn có một số yếu tố khác làm tăng khả năng xâm nhập của các loại vi khuẩn, virus gây bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em như:
– Tình trạng bệnh tật: Trẻ sinh non hoặc còi xương, thiếu vitamin A, bị suy giảm miễn dịch do mắc bệnh HIV, suy dinh dưỡng,…
– Sức đề kháng của cơ thể: Trẻ ở độ tuổi càng càng nhỏ thì nguy cơ mắc bệnh càng cao, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, trong 2 tháng đầu sau sinh.
– Môi trường sống: Trẻ em nằm trong phòng bật điều hòa với nhiệt độ thấp sẽ khiến mũi họng bị khô dẫn tới viêm hô hấp trên. Đặc biệt, nguy cơ mắc bệnh ở trẻ càng cao hơn khi thời tiết chuyển lạnh.
4. Cách điều trị hiệu quả bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em
Nếu xuất hiện những triệu chứng dưới đây, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để gặp bác sĩ chuyên khoa ngay:
– Trẻ không bú sữa mẹ hoặc không ăn uống được.
– Trẻ thở gấp, khó thở, thở rút lõm lồng ngực,… Đây là triệu chứng của bệnh viêm phổi và là biến chứng vô cùng nguy hiểm của bệnh viêm đường hô hấp trên.
– Trẻ em sốt cao từ 2 ngày trở lên.
Bên cạnh việc tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, bố mẹ cũng cần phải thực hiện những biện pháp hỗ trợ sau đây để giúp con mau chóng phục hồi và phòng ngừa nguy cơ tái phát:
– Dọn dẹp phòng ngủ của con gọn gàng và sạch sẽ. Khi bật điều hòa ở phòng của trẻ chỉ nên để ở mức 25 – 26 độ C và phải tắt trước khi con ra ngoài khoảng 30 phút để cơ thể bé không bị chênh lệch nhiệt độ đột ngột. Cách tốt nhất để kiểm tra nhiệt độ phòng phù hợp với con chưa là sờ sau lưng và tay của bé. Nếu trẻ ngủ ngon và không toát mồ hôi thì có nghĩa là nhiệt độ phòng phù hợp.
– Bố mẹ nên cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con bằng cách cho trẻ bú đủ cữ sữa trong ngày hoặc bổ sung các loại thực phẩm giúp tăng cường DHA, vitamin và dễ tiêu hóa theo tư vấn của bác sĩ.
– Bố mẹ nên vệ sinh mũi sạch sẽ cho trẻ bằng nước muối sinh lý theo chỉ định của bác sĩ.
Qua bài viết trên đây, chúng tôi hy vọng bố mẹ đã có cái nhìn tổng quan nhất về bệnh viêm hô hấp trên ở trẻ em. Nếu con xuất hiện những triệu chứng của căn bệnh này, bố mẹ phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.