Nguyên nhân trào ngược dạ dày, triệu chứng và biến chứng của bệnh

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Trào ngược dạ dày là bệnh lý đường tiêu hóa vô cùng phổ biến và có xu hướng gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Tìm hiểu về nguyên nhân trào ngược dạ dày cũng như triệu chứng và biến chứng của căn bệnh này được rất nhiều người quan tâm.

1. Tình trạng trào ngược dạ dày là gì?

Trào ngược dạ dày là tình trạng dịch trong dạ dày bao gồm acid, men tiêu hóa, thức ăn… liên tục trào ngược lên vùng thực quản (thực quản là ống dẫn thức ăn từ khoang miệng xuống dạ dày). Trào ngược dạ dày khiến thực quản bị tổn thương niêm mạc tế bào do acid, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Nếu không điều trị kịp thời, đúng cách trào ngược dạ dày sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến ung thư.

nguyên nhân trào ngược dạ dày là gì

Trào ngược dạ dày là bệnh lý tiêu hóa rất phổ biến, gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh

2. Những nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày

2.1. Nguyên nhân trào ngược dạ dày do bất thường ở thực quản

Quá trình tiêu hóa bình thường của con người diễn ra là khi thức ăn từ miệng qua thực quản xuống để xuống dạ dày, các cơ thắt thực quản sẽ mở ra để thức ăn trôi xuống dễ dàng sau đó đóng lại ngăn các loại dịch ở dưới dạ dày có thể trào lên. Nếu cơ thắt thực quản bị suy yếu sẽ ảnh hưởng đến chức năng đóng mở của cơ, khi đó acid dạ dày sẽ trào ngược lên trên.

2.2. Nguyên nhân trào ngược do sự bất thường tại cơ hoành

Theo cấu tạo của cơ thể, hệ thống cơ hoành ngăn cách ổ bụng và phần ngực, khi cơ hoành bị thoát vị ảnh hưởng đến các cơ quan tại đây, có thể tạo điều kiện cho acid dạ dày trào ngược lên trên thực quản.

2.3. Bệnh trào ngược dạ dày do các nguyên nhân khác gây ra

– Các bệnh lý tại dạ dày tá tràng như ung thư dạ dày, hẹp môn vị, viêm loét dạ dày tá tràng … khiến dạ dày tăng co bóp và sản xuất dư thừa acid khiến acid dễ dàng trào ngược lên thực quản.

– Ho mãn tính kéo dài cũng khiến cho acid trào ngược lên thực quản do lực tác động đến ổ bụng lớn.

– Người thừa cân béo phì cũng dễ bị mắc bệnh trào ngược hơn, do cân nặng gia tăng áp lực lên vùng bụng và cơ thắt thực quản.

– Những người có thói quen ăn uống, sinh hoạt không tốt: thực tế cho thấy bệnh nhân mắc trào ngược dạ dày thường có thói quen ăn uống sai cách. Đó là những thói quen như thường xuyên ăn đồ cay, đồ nóng, đồ chua, đồ nhiều dầu mỡ, thiếu rau xanh, ăn quá no, ăn nhanh, ăn xong nằm luôn…

nguyên nhân trào ngược dạ dày do cơ thắt thực quản

Nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản rất đa dạng, có thể do bất thường ở cơ thắt thực quản, do lạm dụng thuốc, do căng thẳng kéo dài…

– Lạm dụng thuốc tây cũng góp phần gây bệnh trào ngược dạ dày: những loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và chống viêm hay cả những loại thuốc tưởng như vô hại như siro trị ho, thuốc tránh thai, thuốc bổ… cũng đều có tác dụng phụ lên dạ dày và gan. Việc sử dụng các loại thuốc này có thể làm gia tăng nguy cơ bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

– Những căng thẳng kéo dài trong công việc, học tập, hay áp lực cuộc sống cũng góp phần khiến bạn bị bệnh trào ngược dạ dày.

3. Những nguy hiểm do bệnh trào ngược dạ dày gây ra

– Trào ngược gây biến chứng viêm loét thực quản. Dạ dày liên tục đẩy acid lên thực quản, acid sẽ phá hủy niêm mạc tế bào tại đây gây ra những tổn thương viêm loét nghiêm trọng. Khi đó, người bệnh sẽ có triệu chứng nóng rát ở thực quản, đau và khó nuốt khi ăn… Sau thời gian viêm thực quản nếu không được điều trị sẽ dẫn đến các vết loét thực quản, các vết loét có thể gây chảy máu khiến người bệnh nôn ra máu, người gầy sút nghiêm trọng.

– Biến chứng hẹp thực quản, các vết viêm loét gây tắc nghẽn dòng thức ăn di chuyển từ miệng xuống dạ dày. Kể cả khi vết viêm loét thực quản được điều trị cũng có thể dẫn đến hình thành mô sẹo, gây hẹp lòng thực quản. Biến chứng này làm cho bệnh nhân cảm thấy khó nuốt, ăn không ngon miệng…

– Biến chứng trào ngược gây ra các bệnh về đường hô hấp: trong khi trào ngược, acid dạ dày có khả năng xâm nhập vào đường thở gây ra các bệnh hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, hen suyễn, ho…

– Biến chứng trào ngược gây ra barrett thực quản: đây là một biến chứng nguy hiểm, thường gặp ở bệnh nhân bị trào ngược kéo dài, các chất trào ngược gây ảnh hưởng đến các tế bào lót phần dưới của thực quản. Sự tác động này có thể dẫn tới dị sản tế bào thực quản gây ra ung thư biểu mô tuyến thực quản.

biến chứng

Trào ngược dạ dày thực quản kéo dài dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó phải kể đến biến chứng ung thư thực quản

4. Các triệu chứng thường thấy để nhận biết bệnh trào ngược dạ dày

– Triệu chứng phổ biến nhất của người bệnh bị trào ngược là ợ hơi, ợ nóng, ợ chua: Trong dó, biểu hiện ợ hơi là phản ứng giúp làm giảm lượng khí được sinh ra tại dạ dày. Ợ nóng là cảm giác do sự tác động của acid dạ dày lên niêm mạc thực quản. Ợ chua là cảm giác dịch thức ăn, men tiêu hóa tác động niêm mạc thực quản. Khi người bệnh ăn no hoặc ăn xong đi nằm ngay, hoặc có tư thế ngồi gập bụng các triệu chứng này sẽ diễn ra nhiều hơn.

– Dưới sự tác động của dịch vị dạ dày lên thực quản khiến người bệnh bị đau tức ngực và đau vùng thượng vị. Cơn đau tăng lên khi người bệnh ăn các thực phẩm lạ, uống bia rượu, ăn uống quá no…

– Do sự gia tăng co bóp và tiết nhiều acid tại khiến cho dịch acid dư thừa trào ngược gây lên cảm giác buồn nôn và nôn cho bệnh nhân.

– Ngoài ra, người bệnh bị trào ngược còn phải đối mặt với hàng loạt các triệu chứng khó chịu như: đắng miệng do dịch mật trong dạ dày trào ngược; hơi thở có mùi hôi, lưỡi bẩn do tác động bởi dịch thức ăn trào ngược; khó thở hoặc thở khò khè, chán ăn, ho kéo dài, khó tiêu, khó ngủ, mệt mỏi và cơ thể suy nhược.

5. Tổng kết

Bài viết trên đã cung cấp kiến thức cơ bản về nguyên nhân trào ngược dạ dày, triệu chứng cũng như những biến chứng của bệnh. Ý thức về sự nguy hiểm của trào ngược dạ dày là tiền đề giúp bạn có ý thức phòng bệnh cũng như thăm khám và điều trị kịp thời nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital