Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh lý tai mũi họng khá phổ biến nhiều người mắc phải. Vậy nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là gì?
Menu xem nhanh:
1. Viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng là phản ứng của cơ thể trước những chất lạ xâm nhập vào cơ thể đặc biệt là qua đường hô hấp. Cơ thể khi đó sẽ tạo ra các kháng thể để chống lại các kháng nguyên. Và phản ứng giữa kháng nguyên và kháng thể tạo ra chất histamin – đây là một chất gây ra bệnh viêm mũi dị ứng.
Viêm mũi dị ứng là bệnh khá phổ biến hiện nay đặc biệt là sự biến đổi khí hậu cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng làm số lượng người bị viêm mũi dị ứng ngày một nhiều hơn.
2. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là gì?
Hiện tượng viêm mũi dị ứng biểu hiện khi có các dị nguyên xung đột với kháng thể. Các dị nguyên thường gặp trong cuộc sống được liệt kê dưới đây:
- Bụi nhà, lông vũ, phấn hoa, nấm mốc, côn trùng, khói thuốc lá, thuốc lào, các loại hóa chất, các loại mỹ phẩm, các loại sơn, vôi, ve…
- Các thức ăn theo đường tiêu hóa như hải sản, tôm, cua…
- Các thuốc trong điều trị y học, gây tê, gây mê, kháng sinh…
- Môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi, mưa bão… là yếu tố gây viêm mũi dị ứng.
- Các nhân tố khác như độc tố của vi khuẩn, nấm do các nhiễm trùng mạn tính (lò viêm) ở xoang mũi, amiđan, răng, lợi miệng…
Ngoài ra, yếu tố để bệnh phát triển thuận lợi đó chính là sự dị hình của mũi, vách ngăn như vẹo, gai, mào vách ngăn.
Một số yếu tố tiền sử của gia đình cũng là nguyên nhân gây bệnh:
- Trong gia đình có người bị hen, nổi mề đay, những cá nhân bị dị ứng dễ nhạy cảm kích thích với các yếu tố ngoại lai, dị nguyên.
- Tiểu sử gia đình có người hay bị dị ứng, nếu các bà mẹ bị dị ứng thì còn cái có thể bị dị ứng theo (tới 65%)
- Một nghiên cứu của nước ngoài đã đề cập đến vấn đề: dị ứng thường xuất hiện trên các cơ thể có rối loạn chuyển hóa, các rối loạn của gan, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn nội tiết, rối loạn tâm lý, tâm thần hoặc một số sản phẩm công nghiệp (sợi tổng hợp, khí ga, mỹ phẩm).
3. Phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng như thế nào?
Để phòng tránh, bạn cần hạn chế tối đa việc nuôi chó, mèo trong nhà hoặc cho chúng ngủ trên giường; cần giặt giũ định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm, màn cửa. Môi trường sống, học tập, làm việc cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển.
Vệ sinh răng miệng hằng ngày, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy; hạn chế tối đa việc hút thuốc lá; tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với bụi. Mọi người cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và khi ra đường. Đồng thời giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ cơ thể thay đổi hoặc khi chuyển mùa.