Viêm họng hạt là tình trạng viêm nhiễm kéo dài và liên tục nhiều lần của niêm mạc vùng hầu họng và amidan, dẫn tới các mô lympho ở thành sau họng phình lên. Qua tìm hiểu về nguyên nhân gây viêm họng hạt, chúng ta sẽ có biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Viêm họng hạt là một thể loại của viêm họng mạn tính, do tình trạng viêm họng kéo dài dẫn đến sự phát triển quá độ của các tổ chức lympho ở thành sau họng tạo nên các hạt.
Menu xem nhanh:
Nguyên nhân gây viêm họng hạt
Viêm họng hạt tuy không gây ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh nhưng làm suy giảm chất lượng cuộc sống của họ. Bệnh nhân bị viêm họng hạt gặp khó khăn trong giao tiếp do ngứa, vướng họng khi đang nói chuyện, vừa nói vừa phải dừng lại để khạc đờm.
Viêm họng hạt có nhiều nguyên nhân gây ra, muốn điều trị triệt để viêm họng hạt phải tìm đúng nguyên nhân gây bệnh.
– Do hậu quả của viêm mũi xoang mạn tính, đặc biệt là viêm xoang sau. Dịch xuất tiết chảy từ các xoang xuống thành sau họng làm cho niêm mạc thành sau họng bị lớp chất nhầy bao phủ, khó hoạt động để thực hiện các chức năng sinh lý là làm sạch, vì vậy vi khuẩn dễ phát triển làm họng bị viêm thường xuyên.
– Viêm amidan mạn tính cũng đi đôi với viêm họng hạt vì viêm amidan thực chất cũng là một dạng viêm họng khu trú ở amidan khẩu cái – cũng là tổ chức lympho ở thành sau họng.
– Hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản cũng là một trong những nguyên nhân được cho là gây viêm họng hạt. Sự xuất hiện thường xuyên của dịch dạ dày làm pH của vùng họng giảm, niêm mạc họng trước đây hoạt động trong môi trường kiềm nhẹ nay lại phải hoạt động trong môi trường acid – là môi trường thích hợp cho các loại vi khuẩn gây bệnh hoạt động.
Tỷ lệ viêm họng hạt ở những người suy gan, rối loạn dạ dày ruột, rối loạn nội tiết cao gấp 3 – 4 lần những người khác.
Khi bị viêm họng hạt, người bệnh thường xuyên thấy ngứa họng, vướng họng, hay phải khạc nhổ kèm theo là phản xạ ho. Có thể ho húng hắng hay ho từng cơn. Những cảm giác này rất rõ rệt về buổi sáng lúc mới thức dậy. Bệnh nhân cố ho khạc, đằng hắng để làm long đờm. Bên cạnh cảm giác nuốt vướng là nuốt đau. Bệnh nhân có cảm giác nóng cay trong họng kèm theo ngứa, ho cơn. Tiếng nói có thể khàn nhẹ hoặc bình thường. Bệnh nhân rất hay buồn nôn và có nhiều phản xạ họng. Những bệnh nhân uống rượu, hút thuốc lá, hoặc nói nhiều thì các triệu chứng trên lại tăng thêm.
Cách phòng bệnh viêm họng hạt
Để phòng ngừa nguy cơ mắc viêm họng hạt cần dựa vào các nguyên nhân gây bệnh.
Họng là nơi giao lưu giữa đường ăn uống và đường thở vì vậy muốn phòng viêm họng hạt thì trước hết phải làm sao để không viêm họng. Cần vệ sinh đường hô hấp hàng ngày thật tốt và thường xuyên như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.
Đối với trẻ em cũng cần được vệ sinh họng miệng ngay từ lúc còn bé để không mắc bệnh viêm VA, viêm họng, viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang.
Để tránh hít phải khí độc hại trong nhà máy, hầm lò, phòng thí nghiệm có hoá chất cần có bảo hộ lao động thật tốt như đeo khẩu trang. Vệ sinh môi trường tốt là một trong những biện pháp hữu hiệu phòng bệnh viêm họng nói chung và viêm họng hạt nói riêng. Không nên hút thuốc vì hút thuốc ngoài việc gây viêm họng còn có nguy cơ gây nhiều bệnh khác.
Kiêng rượu, bia, thuốc lá.
Bất kỳ lứa tuổi nào khi đã mắc bệnh đường hô hấp trên thì cần được điều trị dứt điểm ngay từ lúc mắc bệnh lần đầu không để bệnh trở thành mạn tính. Hậu quả của viêm họng cấp là gây nên viêm họng hạt.