Kiệt sức và mệt mỏi là một tình trạng thường gặp ở chị em phụ nữ. Nguyên nhân có thể là do công việc, chăm sóc gia đình, áp lực cuộc sống. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, các vấn đề về sức khỏe chính là “thủ phạm” khiến người phụ nữ rơi vào tình trạng mệt mỏi thường xuyên. Cùng điểm tên những nguyên nhân phổ biến gây ra mệt mỏi ở chị em để có biện pháp phòng tránh phù hợp.
Menu xem nhanh:
Vấn đề về tuyến giáp
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình bướm nằm ngay dưới yết hầu, với mỗi cánh nằm ở mỗi bên khí quản. Nó sản xuất ra hormone tuyến giáp, kiểm soát tốc độ trao đổi chất trong cơ thể. Khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone, cơ thể tăng tiêu thụ năng lượng. Tình trạng này gọi là cường chức năng tuyến giáp (nhiễm độc giáp). Ngược lại, tình trạng khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone gọi là nhược giáp. Cả hai tình trạng này đều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, khiến chị em thường xuyên rơi cảm thấy mệt mỏi. Mặc dù chưa xác định rõ nguyên nhân nhưng phụ nữ có nguy cơ mắc các bệnh về tuyến giáp cao hơn so với nam giới.
Bệnh tim
Nhiều người vẫn nghĩ tim mạch là bệnh của đàn ông nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Bệnh tim là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với phụ nữ – nghiêm trọng hơn nhiều so với tất cả các loại ung thư, bao gồm ung thư vú. Theo thống kê của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, tỷ lệ phụ nữ tử vong vì bệnh tim, đột quỵ và các bệnh tim mạch khác gần như gấp đôi so với các bệnh ung thư.
Khi tim hoạt động không hiệu quả, nó không thể cung cấp máu đầy đủ tới các bộ phận trên cơ thể và thường khiến cho người bệnh mệt mỏi. Đây cũng là triệu chứng mà chị em phụ nữ mắc bệnh tim hay gặp nhất.
Vì thế những người có các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch như béo phì, huyết áp cao, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch… nên thường xuyên theo dõi sức khỏe tim mạch. Đo huyết áp, điện tâm đồ, siêu âm tim là những xét nghiệm đơn giản giúp xác định xem liệu mệt mỏi có phải là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim hay không để có cách điều trị phù hợp.
Thiếu Vitamin D
Các nguồn chính của vitamin D là từ ánh nắng mặt trời tự nhiên vì vậy nếu hạn chế tiếp xúc với ánh mặt trời sẽ có tác động lớn đến lượng vitamin hấp thụ vào cơ thể. Nguyên nhân khác bao gồm dị ứng sữa (một nguồn cung cấp vitamin D dồi dào), có làn sẫm màu (sắc tố melanin làm giảm khả năng của da để tạo ra vitamin D từ ánh sáng mặt trời). Với một số người nguyên nhân là do đường tiêu hóa của họ không thể hấp thụ vitamin D tốt hoặc thận có vấn đề trong việc chuyển đổi các chất dinh dưỡng về dạng hoạt động. Và thừa cân làm giảm lượng vitamin D có sẵn trong cơ thể.
Dù là lý do gì thì việc thiếu hụt vitamin D làm giảm độ chắc khỏe của xương và một số nghiên cứu chỉ ra mối liên kết giữa tình trạng này với hội chứng mệt mỏi mạn tính.
Để biết cơ thể có bị thiếu hụt vitamin D hay không, chị em cần làm xét nghiệm máu và uống bổ sung vitamin D.
Tình trạng thiếu sắt (thiếu máu)
Thiếu máu là một dạng bệnh rối loạn máu mà số lượng và kích cỡ của các hồng cầu bị thay đổi. Nếu cảm thấy mình luôn mệt mỏi mặc dù nghỉ ngơi đầy đủ, sinh lực cơ thể giảm sút…thì rất có thể đây là biểu hiện, triệu chứng của bệnh thiếu máu. Trong trường hợp này nên đi khám để xét nghiệm máu để xác định xem liệu có phải do cơ thể thiếu sắt hay có vấn đề sức khỏe nào đó ảnh hưởng tới số lượng tế bào hồng cầu.
Chứng ngưng thở lúc ngủ
Hội chứng ngưng thở lúc ngủ là một sự rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở từng lúc về đêm trong lúc ngủ, có thể dẫn tới thiếu oxy máu và liên quan đến ngủ ngày quá nhiều. Ngáy, buồn ngủ vào ban ngày, mệt mỏi, thiếu tập trung, , đau thắt ngực về đêm và hay giật mình thức giấc về đêm kèm theo thở gấp, ngạt thở… là những dấu hiệu cảnh báo chứng ngưng thở lúc ngủ.
Thiếu ngủ
Rất nhiều phụ nữ có một lối sống rất bận rộn và không có điều kiện để ngủ đủ giấc vì còn phải chăm lo cho công việc, gia đình. Để cải thiện tình trạng này, hãy cố gắng ngủ ngay khi cảm thấy buồn ngủ. Bật nhạc nhẹ, xịt một ít hương hoa oải hương lên gối để giúp làm dịu hệ thần kinh và khuyến khích thư giãn. Nhâm nhi một tách trà hoa cúc – theo các chuyên gia y tế là có thể giúp giảm bớt sự lo lắng. Nếu vẫn cảm thấy chưa ngủ được, hãy rời giường, thực hiện một hoạt động gì đấy trong vòng 15 phút và thử ngủ lại một lần nữa.
Trầm cảm
Trầm cảm và mệt mỏi rất thường gặp ở phụ nữ và cả hai tình trạng này có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Những người bị trầm cảm có nguy cơ mệt mỏi cao hơn gấp 4 lần so với người bình thường và những người hay mệt mỏi có nhiều khả năng bị trầm cảm cao hơn gấp 3 lần. Điều trị chứng trầm cảm sẽ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ tâm lý. Bác sĩ sẽ tìm hiểu xem các triệu chứng bắt đầu từ khi nào, đã kéo dài bao lâu và mức độ nghiêm trọng của chúng. Sau đó xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất là dùng thuốc chống trầm cảm, liệu pháp tâm lý hay cả hai.