Đau đầu gối là tình trạng thường xảy ra ở những trẻ em hiếu động có xu hướng bị chấn thương lặp đi lặp lại ở chân. Tuy nhiên chấn thương không phải là lý do duy nhất khiến trẻ bị đau đầu gối. Đây cũng có thể là triệu chứng của một tình trạng nghiêm trọng hơn. Cần nhanh chóng kiểm tra xác định nguyên nhân và tiến hành điều trị kịp thời tránh tình trạng tàn tật lâu dài.
Menu xem nhanh:
1. Chấn thương
Chấn thương là một trong những nguyên nhân gây đau đầu gối ở trẻ em, có thể làm rách các dây chằng đầu gối và gãy xương đầu gối. Đau đầu gối do chấn thương ở trẻ thường gặp nhất là gãy xương bánh chè,trật khớp đầu gối, bệnh Osgood-Schlatte (gây sưng đau ở vùng lồi củ trên xương chày, ngay dưới xương bánh chè, do vận động khớp quá mức, gặp ở thiếu niên đang trong thời kỳ tăng trưởng) hoặc viêm gân bánh chè. Ngoài ra còn có thể đau do chấn thương khác, chẳng hạn như đứt dây chằng xung quanh đầu gối, thường xảy ra ở trẻ lớn tuổi thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao. Những chấn thương này thường đáp ứng với thuốc giảm đau và cố định, tuy nhiên trẻ bị rách đây chằng có thể cần phải phẫu thuật để điều chỉnh, đặc biệt là nếu có liên quan tới thể thao.
2. Viêm khớp nhiễm khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn là có tổn thương viêm một hay nhiều khớp do vi khuẩn gây ra. Bình thường, khớp được bôi trơn bởi dịch khớp và dịch khớp hoàn toàn vô khuẩn. Khi bị viêm khớp nhiễm khuẩn, có thể phát hiện được vi khuẩn trong dịch khớp.Vi khuẩn có thể xâm nhập vào khớp hoặc thông qua chấn thương trực tiếp ở khu vực này, từ một nhiễm trùng gần đầu gối hoặc qua bệnh nhiễm trùng máu. Các triệu chứng của nhiễm trùng khớp bao gồm sốt, đau đầu gối, sưng, tấy đỏ và giảm chuyển động của đầu gối. Xét nghiệm dịch khớp có thể phát hiện vi khuẩn gây bệnh. Dịch khớp có số lượng bạch cầu tăng, chỉ điểm của tình trạng nhiễm khuẩn. Cấy dịch khớp thấy vi khuẩn phát triển, lấy dịch khớp làm kháng sinh đồ giúp nhận dạng vi khuẩn gây bệnh và xác định loại kháng sinh thích hợp để điều trị.
Các xét nghiệm khác giúp chẩn đoán bao gồm chụp MRI, cấy máu và chụp cắt lớp xương. Điều trị bằng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch và dẫn lưu hoạt dịch nhiễm khuẩn ra khỏi khớp.
Biến chứng dễ gặp là khớp sẽ bị phá hủy hoặc dính khớp nếu nhiễm khuẩn để quá lâu. Do đó phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời là rất cần thiết.
3. Bệnh viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên
Viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên là một tình trạng viêm khớp mạn tính. Các triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm đầu gối đỏ và sưng, đầu gối sưng và cứng khớp đầu gối vào buối sáng, sốt, phát ban, chán ăn, mệt mỏi, viêm mống mắt. Một số xét nghiệm giúp gợi ý chẩn đoán như: tốc độ máu lắng tăng, kháng thể kháng nhân (ANA), yếu tố thấp RF, yếu tố HLA-B27. Các hình ảnh X quang và xét nghiệm dịch khớp giúp chẩn đoán phân biệt các bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn. Bệnh được điều trị bằng thuốc kháng viêm, corticoid và vật lý trị liệu