Menu xem nhanh:
1.Nguyên nhân gây bệnh viêm tụy cấp
Để nói đến nguyên nhân gây viêm tụy cấp đầu tiên phải kể đến là nguyên nhân do rượu bia
– Men rượu, bia ảnh hưởng đến sự hoạt hóa các enzyme trong tuyến tụy khiến chúng được kích hoạt trước khi được giải phóng vào ruột non và bắt đầu tấn công tuyến tụy. Rượu bia gây rối loạn tại tuyến tụy và có thể gây ra các biến chứng xuất huyết hoại tử, trụy tim mạch và suy thận.
Người uống nhiều rượu bia có thể gây viêm gan, men gan cao, đây cũng là tác nhân gây rối loạn tình trạng hoạt hóa enzyme tại tuyến tụy và gây bệnh viêm tụy cấp.
Tiếp theo là các nguyên nhân như sau:
– Tắc nghẽn do sỏi ống mật chủ, u tụy hay u bóng Vater, giun chui ống mật hoặc dị vật…
– Sau phẫu thuật vùng quanh tụy, sau nội soi mật – tụy ngược dòng.
– Do chấn thương đụng dập vùng tụy.
– Do rối loạn chuyển hóa như: tăng triglycerid máu, tăng canxi máu.
– Các nguyên nhân khác: Nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, virus, độc chất hay thuốc (azathioprin, mercaptopurin, tetracyclin, ethylalcol, thuốc trừ sâu phospho hữu cơ…) loét dạ dày…
– Bên cạnh đó yếu tố tố vô căn cũng có thể chiếm khoảng 10 – 15% các trường hợp viêm tụy cấp.
2.Biểu hiện của bệnh viêm tụy cấp
Người mắc bệnh viêm tụy cấp thường có một số biểu hiện như sau:
Đau bụng
Chủ yếu đau vùng thượng vị, đau dữ dội, đột ngột sau bữa ăn nhiều đạm, chất dịnh dưỡng. Đau thường kéo dài, lan ra sau lưng, hoặc hạ sườn 2 bên.
Nôn và buồn nôn
Người bệnh thường buồn nôn và có thể nôn ngay sau khi đau bụng, nôn xong cũng vẫn không đỡ hay hết đau (khác viêm dạ dày cấp), thường nôn ra dịch dạ dày, dịch mật, thể nặng có thể nôn ra dịch máu loãng.
Chướng bụng
Các thể viêm tụy cấp hoại tử nặng, một số trường hợp lại đi ngoài lỏng nhiều lần. Khi thăm khám với bác sĩ có thể thấy bụng chướng nhẹ, phản ứng thành bụng, không có co cứng thành bụng, nhu động ruột giảm.
Ngoài ra tùy từng mức độ và cơ địa mỗi người mà người bệnh có thể có các biểu hiện như: rối loạn ý thức, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, sốt,…
3.Chẩn đoán và điều trị viêm tụy cấp
Chẩn đoán
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ căn cứ vào các biểu hiện trên của người bệnh để chẩn đoán hay nghi ngờ và yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm để đánh giá chính xác hơn.
Cận lâm sàng
- Xét nghiệm: tăng amylase và lypase trong huyết thanh, trên 3 lần so với bình thường.
- Siêu âm: tuỵ to, có thể to toàn bộ hay từng phần; bờ, nhu mô tuỵ không đều; có thể có dịch quanh tuỵ và trong ổ bụng.
- Chụp cắt lớp vi tính: giúp chẩn đoán xác định thông qua hình ảnh, chẩn đoán xác định tình trạng viêm tụy cấp nặng thông qua hình ảnh các biến chứng.
Điều trị
Điều trị nội khoa: điều trị triệu chứng, giảm đau, giảm tiết, chăm sóc… có thể kết hợp lọc máu liên tục trong trường hợp cần thiết để giúp người bệnh qua giai đoạn nguy hiểm.
Điều trị can thiệp: điều trị nguyên nhân như lấy sỏi, lấy giun…