Viêm ruột thừa ở trẻ em thường gặp nhất ở lứa tuổi từ 10-19, tuy nhiên trường hợp viêm ruột thừa ở những trẻ từ 2-5 tuổi hiện nay đang có xu hướng tăng nhanh. Điều này khiến các bậc phụ huynh không khỏi băn khoăn trong việc điều trị vì lo lắng bé cần phải thực hiện phẫu thuật mổ viêm ruột thừa.
Menu xem nhanh:
1. Viêm ruột thừa và nhận biết viêm ruột thừa ở trẻ em
1.1. Viêm ruột thừa là gì?
Viêm ruột thừa hiểu đơn giản là tình trạng ruột thừa bị viêm. Tình trạng viêm này bắt nguồn từ sự tắc nghẽn trong ống ruột thừa dẫn đến nhiễm trùng, khi đó vi khuẩn có điều kiện thuận lợi phát triển và nhân lên nhanh chóng, làm cho phần ruột thừa bị viêm, sưng to và chứa đầy mủ.
Viêm ruột thừa phần lớn các trường hợp là viêm ruột thừa cấp. Nếu không được nhanh chóng xử lý kịp thời, ruột thừa có thể bị vỡ kèm theo những biến chứng khôn lường thậm chí là đe dọa cả tính mạng người bệnh.
1.2. Nguyên nhân gây viêm ruột thừa
– Tắc nghẽn lòng ruột thừa: Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm ruột thừa cấp. Các dị vật như sỏi phân, thức ăn, ký sinh trùng, u hoặc hạch phì đại đều có thể gây tắc nghẽn lòng ruột thừa. Khi đó, dịch trong lòng ruột thừa bị ứ đọng và làm tăng áp lực trong lòng ruột thừa. Đồng thời, vi khuẩn sẽ dễ dàng phát triển và xâm nhập thành ruột. Cuối cùng dẫn đến tình trạng hoại tử ruột thừa (viêm ruột thừa tắc nghẽn).
– Vết loét niêm mạc ruột thừa: Nhưng thương tổn viêm bắt đầu từ những vết loét trên niêm mạc ruột thừa, sau đó xâm lấn dần tới các lớp bên dưới khiến cho thành ruột thừa dần phù nề và làm tắc các mạch máu nuôi ruột thừa. Khi đó ruột thừa bị thiếu máu nuôi và bắt đầu hoại tử (viêm ruột thừa xuất tiết)
1.3. Dấu hiệu nhận biết sớm viêm ruột thừa ở trẻ em
Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp giúp nhận biết có thể trẻ đang bị viêm ruột thừa:
– Đau bụng: Đau bụng do rối loạn tiêu hoá, đầy bụng, khó tiêu, ngộ độc thực phẩm, do dị ứng với thức ăn hoặc các bệnh lý thường gặp khác như viêm ruột, lồng ruột,…
– Đau bụng có thể kèm cả sưng tấy đỏ vùng bụng đặc biệt là ở vùng hố chậu phải.
– Biếng ăn.
– Sốt: Trẻ bị sốt từ 37-39 độ.
– Có thể biểu hiện buồn nôn hoặc nôn ra thức ăn, nôn ra phần dịch dạ dày, bụng đầy chướng khó chịu và có thể kèm theo tiêu chảy, táo bón.
– Mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn.
– Đi tiểu nhiều lần và đau khi tiểu.
Các triệu chứng nêu trên có thể không xuất hiện không toàn bộ. Do đó các bậc phụ huynh cần chú ý và đưa con đi khám ngay nếu trẻ đau bụng nhiều, đau không giảm sau 1-2 giờ, kèm theo nôn mửa, đi lỏng hoặc sốt để được xử lý kịp thời.
1.4. Biến chứng nguy hiểm của viêm ruột thừa ở trẻ
Viêm ruột thừa hoàn toàn có thể được điều trị dứt điểm bằng phương pháp phẫu thuật và vẫn đảm bảo tính an toàn với trẻ nếu tình trạng viêm được phát hiện sớm chưa có biến chứng. Ngược lại, trường hợp không được can thiệp sớm có thể dẫn biến tình trạng ruột bị thủng – vỡ ra, hoại tử, áp xe trong bụng, nhiễm trùng máu,… Lúc này quá trình chữa trị sẽ gặp nhiều khó khăn và khả năng tử vong cao hơn.
2. Chẩn đoán và điều trị viêm ruột thừa ở trẻ em
2.1. Phương pháp chẩn đoán bệnh
Siêu âm chính là một phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng an toàn, không xâm lấn, không gây đau được sử dụng phổ biến nhất. Siêu âm có thể thấy rõ hình ảnh của ruột thừa để xác định ruột thừa có bị viêm hay không. Siêu âm cũng sẽ giúp ích nhiều trong việc phân biệt các loại bệnh lý khác có cùng triệu chứng.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, người bệnh cần kết hợp một số loại xét nghiệm cần thiết để đánh giá phản ứng viêm, nhiễm khuẩn trong ruột… từ đó đưa ra kết luận bệnh chính xác nhất.
2.2. Chỉ định phẫu thuật điều trị viêm ruột thừa ở trẻ em
Chỉ định điều trị sẽ tùy thuộc vào tình trạng viêm ruột thừa có biến chứng hay chưa biến chứng, sức khỏe hiện tại của trẻ mà các bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Phẫu thuật luôn là phương án điều trị tiêu chuẩn với bệnh viêm ruột thừa kể cả ở trẻ em. Mổ nội soi được coi là lựa chọn điều trị tối ưu và hiệu quả nhất. Mổ nội soi thể hiện nhiều ưu điểm hơn hẳn so với mổ mở thông thường, mổ ít đau, thời gian hồi phục nhanh hơn và đảm bảo tính thẩm mỹ nên được nhiều người bệnh tin tưởng lựa chọn.
3. Gợi ý xử trí khi trẻ bị viêm ruột thừa
Nếu trẻ có những biểu hiện nghi ngờ bệnh viêm ruột thừa thì tạm thời phụ huynh không nên cho trẻ ăn uống nhiều, đặc biệt không tự ý dùng thuốc giảm đau cho trẻ mà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám và nhận được sự tư vấn chính xác nhất.
Việc chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn. Đôi khi các bậc phụ huynh dễ lầm tưởng những triệu chứng của trẻ bắt nguồn từ những khó chịu thông thường mà bỏ lỡ thời điểm vàng phát hiện bệnh, nhiều trường hợp viêm đã nặng kèm theo biến chứng nguy hiểm.
Chính vì thế, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không chủ quan với bất kỳ dấu hiệu khác thường nào của trẻ. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, thăm khám sức khỏe định kỳ cho trẻ và tìm hiểu thêm thông tin y tế liên quan đến bệnh để có phương án xử lý kịp thời khi cần.
Như vậy, đối với viêm ruột thừa ở trẻ em thì phẫu thuật là điều tất yếu để dứt điểm bệnh hoàn toàn. Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ giúp giảm thiểu thấp nhất mức độ rủi ro cũng như đảm bảo sức khoẻ và quá trình hồi phục của trẻ. Trường hợp nghi ngờ dấu hiệu của viêm ruột thừa cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ tốt nhất.