Kiểm soát tốt chỉ số huyết áp để phòng chống đột quỵ

Tham vấn bác sĩ

Người huyết áp cao có nguy cơ đột quỵ cao gấp 4 đến 6 lần so với người có huyết áp bình thường. Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ nhồi máu não và xuất huyết não. Cùng tìm hiểu cách kiểm soát chỉ số huyết áp để phòng chống đột quỵ xảy ra.

1. Tại sao huyết áp cao làm tăng nguy cơ đột quỵ não?

Huyết áp cao tức là lực đẩy máu vào hai bên động mạch luôn ở mức cao. Điều này làm tăng gánh nặng cho tim và làm hỏng các động mạch, cũng như các cơ quan theo thời gian.

Tăng huyết áp lâu ngày dễ hình thành các mảng xơ vữa động mạch, dẫn tới sự hình thành các cục máu đông trong thành mạch gây hẹp tắc lòng mạch.

Người bị huyết áp cao có nguy cơ bị đột quỵ nhồi máu não (đột quỵ do mạch máu bị thu hẹp hoặc tức trong não) và đột quỵ xuất huyết não (một mạch máu bị vỡ trong hoặc gần não).

Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới tăng huyết áp gây tử vong 4,9 triệu người do thiếu máu cục bộ, khoảng 2 triệu người tử vong do đột quỵ chảy máu não và khoảng 1,5 triệu người tử vong do đột quỵ thiếu máu não.

chống đột quỵ

Giải thích vì sao cao huyết áp dẫn đến đột quỵ theo hình trên.

2. Đối tượng tăng huyết áp có nguy cơ đột quỵ cao

Những đối tượng dưới đây nếu bị tăng huyết áp sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường gấp 4-6 lần. Đó là: người trên 55 tuổi và có kèm theo một số bệnh phối hợp như: đái tháo đường, xơ vữa động mạch, rối loạn lipid máu, các bệnh mạch vành, bệnh lý van tim, loạn nhịp tim (rung nhĩ), hút thuốc lá, dư cân – béo phì, lười vận động, thường xuyên căng thẳng stress,…

Để phòng chống đột quỵ đặc biệt là ở những nhóm đối tượng trên cần có biện pháp kiểm soát và điều trị để chỉ số huyết áp luôn duy trì ở mức ổn định. Giải pháp hiệu quả giúp phát hiện sớm tình trạng tăng huyết áp, đồng thời được kiểm soát, theo dõi, và điều trị để tránh nguy cơ dẫn đến đột quỵ là thực hiện khám tầm soát nguy cơ đột quỵ.

3. Kiểm soát huyết áp để phòng chống đột quỵ

3.1 Phòng chống đột quỵ nhờ hiểu rõ chỉ số huyết áp

Theo quy định của Bộ y tế, huyết áp bình thường là khi huyết áp tâm thu 120-129 mmHg và huyết áp tâm trương 80-84 mmHg. Huyết áp tối ưu khi huyết huyết áp tâm thu <120 và huyết áp tâm trương <80 mmHg.

Tiền tăng huyết áp: là khi Huyết áp tâm thu 130-139 mmHg và/hoặc Huyết áp tâm trương 85-89 mmHg.

Tăng huyết áp độ 1: là khi Huyết áp tâm thu 140-159 mmHg và/hoặc Huyết áp tâm trương 90-99 mmHg.

Tăng huyết áp độ 2: là khi Huyết áp tâm thu 160-179 mmHg và/hoặc Huyết áp tâm trương 100-109 mmHg.

Tăng huyết áp độ 3: là khi Huyết áp tâm thu >= 180 mmHg và/hoặc Huyết áp tâm trương >= 110mmHg.

Người có chỉ số huyết áp càng cao, nếu kèm theo các yếu tố nguy cơ tim mạch hoặc bệnh lý chuyển hóa khác như đái tháo đường, béo phì, bệnh thận thì nguy cơ mắc các bệnh lý về tim, tai biến mạch máu não (đột quỵ) sẽ rất cao.

Do đó, để phòng chống đột quỵ thì kiểm soát tốt chỉ số huyết áp là một trong những việc làm quan trọng và rất cần thiết, đặc biệt là đối với người có tiền sử cao huyết áp.

Kiểm soát tốt huyết áp chống đột quỵ

Bạn nên kiểm soát tốt chỉ số huyết áp để ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm có thể xảy ra.

3.2 Điều trị tăng huyết áp giúp phòng chống đột quỵ xảy ra

Người huyết áp cao cần có biện pháp điều trị và dự phòng hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ xảy ra. Nguyên tắc điều trị chung đối với người bệnh cao huyết áp là: theo dõi thường xuyên (đều đặn), điều trị đúng và đủ hàng ngày, điều trị lâu dài.

Huyết áp mục tiêu khi điều trị là <140/90 mmHg và thấp hơn nếu người bệnh vẫn dung nạp được. Nếu người bệnh có nguy cơ tim mạch từ cao đến rất cao thì huyết áp mục tiêu lúc này cần đạt là < 130/80 mmHg.

Khi đã điều trị đạt huyết áp mục tiêu rồi, thì người bệnh cần phải được tiếp tục duy trì theo phác đồ điều trị lâu dài và theo dõi chặt chẽ, định kỳ để điều chỉnh thích hợp. Tuyệt đối, không được bỏ dở điều trị giữa chừng và không nên hạ huyết áp quá nhanh trừ tình huống cấp cứu để tránh biến chứng thiếu máu ở cơ quan đích.

Điều trị tăng huyết áp giúp phòng chống đột quỵ xảy ra

Người bệnh huyết áp cao cần tuân thủ phác đồ điều trị và sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý ngừng thuốc hay thay đổi liều lượng thuốc.

4. Điều trị kết hợp thuốc và thay đổi lối sống

Sử dụng thuốc: Phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu ở giai đoạn tiền tăng huyết áp có thể bác sĩ cân nhắc bạn chưa cần phải sử dụng thuốc mà chỉ cần thay đổi lối sống. Việc lựa chọn thuốc khởi đầu và các loại thuốc phối hợ p khi tăng huyết áp ở các mức độ 2 trở lên là rất quan trọng. Bạn nên sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không nên tự ý đổi thuốc hoặc ngừng thuốc.

Thay đổi lối sống: để ngăn ngừa sự tiến triển và giảm được huyết áp, giảm số thuốc cần dùng bạn nên tuân thủ các biện pháp tích cực thay đổi lối sống như sau:

– Có chế độ ăn hợp lý: nên ăn nhạt (chỉ tiêu thụ khoảng < 6 gam muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày), ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, hạn chế ăn các loại thức ăn có chứa nhiều cholesterol và axit béo no.

– Giảm cân (nếu bạn đang trong tình trạng dư cân) để duy trì cân nặng hợp lý: chỉ số khối cơ thể BMI từ 18,5 đến 22,9 kg/m2.

– Cố gắng duy trì chỉ số vòng bụng dưới 90cm đối với nam và dưới 80cm đối với nữ.

– Hạn chế tối đa uống rượu, bia.

– Bỏ hút thuốc lào hoặc thuốc lá

– Tích cực vận động thể lực mỗi ngày thông qua các bài tập thể dục như: đi bộ, chạy bộ, tập thể dục ở mức độ vừa sức đối với độ tuổi và tình trạng sức khỏe của cơ thể.

– Duy trì tinh thần lạc quan, vui vẻ; tránh lo âu căng thẳng thần kinh.

– Tránh bị lạnh đột ngột

– Tránh tiếp xúc trực tiếp dưới trời nắng nóng

Huyết áp cao dễ dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận và nhiều bệnh lý khác. Vì vậy, nếu bạn đang bị huyết áp cao, hãy đi thăm khám định kỳ với bác sĩ và chủ động theo dõi chỉ số huyết áp ở nhà để có biện pháp kiểm soát huyết áp ổn định phòng chống đột quỵ và các bệnh lý khác.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital