Khó ngủ tim đập nhanh là một vấn đề mà không ít người gặp phải. Đây có thể chỉ là phản ứng sinh lý bình thường nhưng cũng có thể cảnh báo những bệnh lý, thậm chí những biến cố sắp xảy ra mà người bệnh không thể coi thường.
Menu xem nhanh:
1. Khó ngủ tim đập nhanh là tình trạng gì?
Khó ngủ và tim đập nhanh là 2 triệu chứng mà chúng ta có thể gặp phải trong cuộc sống.
Khó ngủ là tình trạng không buồn ngủ khi đến giờ ngủ, khó đi vào giấc ngủ, nằm trằn trọc mãi mà không ngủ được. Những người khó ngủ thường mất khoảng 30 phút đến 1 tiếng hoặc lâu hơn để bắt đầu giấc ngủ.
Tim đập nhanh thường là một tình trạng bất thường trong quá trình phát nhịp hoặc dẫn truyền tín hiệu điện trong tim. Biểu hiện nhịp tim đập nhanh hơn bình thường, có hiện tượng hồi hộp đánh trống ngực.
Tim đập nhanh trong lúc ngủ hoặc kèm theo tình trạng khó ngủ, mất ngủ có thể chỉ là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể nhưng cũng có thể là cảnh báo quan trọng về những bất thường của cơ thể.
2. Mối liên hệ giữa tình trạng khó ngủ và tim đập nhanh
Các bệnh lý tim mạch là một trong những nguyên nhân gây khó ngủ, mất ngủ. Những bất ổn của hệ tim mạch như bệnh động mạch vành và các vấn đề khác liên quan đến tim và phổi có thể khiến tim đập nhanh, gây hồi hộp, khó chịu, khiến bạn cảm thấy khó đi vào giấc ngủ và khó ngủ ngon.
Ngược lại, tình trạng mất ngủ kéo dài cũng khiến hệ thần kinh giao cảm phải hoạt động nhiều hơn, dẫn đến co mạch máu, tăng huyết áp và tăng nhịp tim. Hơn nữa, việc thiếu ngủ cũng gây rối loạn đường huyết, tác động xấu đến tim mạch nói chung.
3. Tim đập nhanh khi ngủ có nguy hiểm không?
Tình trạng tim đập nhanh nếu chỉ là phản ứng của cơ thể khi căng thẳng hoặc có tác động từ bên ngoài thì thường không gây nguy hiểm. Khi hết các tác nhân này, nhịp tim sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên nếu tim đập nhanh khi ngủ do các bệnh lý, đặc biệt là bệnh tim mạch… sẽ nguy hiểm và cần được điều trị sớm.
Lúc này, người bệnh không chỉ khó chịu vì những triệu chứng như tim đập không đều, bỏ nhịp, tim đập quá mạnh, quá nhanh, đau ngực, đổ mồ hôi, choáng váng, khó thở… mà còn có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng như huyết khối, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim. Biến cố xảy ra trong đêm nên rất khó phát hiện và xử trí. Ngoài ta, tình trạng mất ngủ tim đập nhanh kéo dài còn dễ gây suy giảm trí nhớ.
4. Khó ngủ tim đập nhanh có thể là biểu hiện của bệnh gì?
Như đã nói ở trên, mất ngủ tim đập nhanh có thể chỉ là phản ứng của cơ thể nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý như:
4.1 Rối loạn nhịp tim – Nguyên nhân hàng đâu gây khó ngủ tim đập nhanh
Ở những người bị rối loạn nhịp tim, tim có thể đập nhanh tới 200 – 300 nhịp/phút. Một số dạng rối loạn thường gặp làm tăng nhịp tim có thể kể đến như nhịp tim nhanh xoang, rung nhĩ và nhịp nhanh thất.
4.2 Rối loạn hệ thần kinh tim
Hệ thần kinh tim (một phần của hệ thần kinh thực vật) là bộ phận giúp tạo nhịp đập của tim. Sự rối loạn của hệ thống này có thể gây ra các triệu chứng tim đập nhanh, hồi hộp trống ngực. Các triệu chứng này tương tự như triệu chứng của những người mắc bệnh tim mạch thực sự tuy nhiên không thấy xuất hiện các tổn thương thực thể tại tim, có thể thấy rõ khi khám cho các bệnh nhân này.
4.3 Nhồi máu cơ tim
Những tổn thương do cơn nhồi máu cơ tim gây ra có thể dẫn tới hình thành sẹo trên cơ tim, gây gián đoạn các đường dẫn truyền xung điện điều khiển nhịp tim. Do vậy, rất nhiều người có biểu hiện tim đập nhanh, trống ngực sau cơn nhồi máu cơ tim.
4.4 Suy tim gây khó ngủ tim đập nhanh
Khi tim bị suy, khả năng bơm máu của tim giảm, tim buộc phải đập nhanh hơn để cung cấp đủ máu cho các cơ quan trong cơ thể và gây ra tình trạng trống ngực, hồi hộp. Các nghiên cứu cho thấy 75% bệnh nhân suy tim gặp phải tình trạng mất ngủ.
4.5 Tăng huyết áp
Ở những người bị huyết áp cao, cơ tim phải co bóp mạnh hơn để thắng được sức cản của máu trong lòng mạch. Điều này sẽ khiến cơ tim dày lên, ảnh hưởng nhất định đến hệ thống dẫn truyền xung điện trong tim, gây tình trạng tim đập nhanh và gây khó ngủ.
4.6 Động mạch vành
Các mảng xơ vữa động mạch vành cũng có thể cản trở dòng máu ra vào tim, từ đó gián tiếp gây rối loạn nhịp tim. Hơn nữa tình trạng đau ngực thường xảy ra ở bệnh nhân mắc bệnh mạch vành cũng khiến người bệnh khó chịu, mất ngủ về đêm.
4.6 Bệnh van tim
Tình trạng hẹp – hở van tim lâu ngày có thể gây ứ máu tại các buồng tim, khiến buồng tim bị giãn ra và khiến tim đập nhanh, mạnh bất thường.
4.7 Bệnh cơ tim phì đại
Bệnh cơ tim phì đại có thể gây những dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm như rung tâm nhĩ, nhịp nhanh thất và rung thất.
Ngoài ra, tiền mãn kinh, bệnh cường giáp, trào ngược dạ dày thực quản… cũng có thể là nguyên nhân gây khó ngủ nhịp tim nhanh.
5. Bị khó ngủ tim nhịp tim nhanh phải làm sao?
Nếu thấy hiện tượng khó ngủ kèm theo nhịp tim nhanh, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:
– Thư giãn bằng cách ngâm chân, nghe nhạc, đọc sách…
– Không dùng chất kích thích, uống rượu, bia, cà phê,…
– Không hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với môi trường có khói thuốc
– Ngủ đủ giấc, không thức khuya quá
– Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, đúng giờ, tăng cường rau củ quả tươi, hạn chế đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ… Hạn chế ăn đồ muối chua, nước uống có gas vì các thực phẩm dễ gây tăng nhịp tim
– Uống đủ nước
– Tập các môn thể thao nhẹ nhàng vừa sức mỗi ngày 30 phút, có thể chọn thiền, yoga…
– Chú ý và tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng những loại thuốc làm tăng nhịp tim
Nếu đã sử dụng các biện pháp trên vẫn không thấy cải thiện hoặc xác định được nguyên nhân gây khó ngủ nhịp tim nhanh là do các bệnh lý thì có thể sử dụng thuốc điều trị rối loạn nhịp tim theo chỉ định của bác sĩ.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng khó ngủ tim đập nhanh và cách cải thiện. Bởi tình trạng này có thể cảnh báo những bất thường do bệnh lý nên bạn tuyệt đối không nên chủ quan, hãy thăm khám sớm chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.