Sức khỏe người lao động được coi là “nguồn vốn” của doanh nghiệp. Và việc khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên đem lại lợi ích cho cả người lao động cũng như người sử dụng lao động. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mới khởi nghiệp vẫn chưa có cái đúng về vấn đề này.
Menu xem nhanh:
1. Doanh nghiệp có bắt buộc khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên không?
1.1. Khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên dưới góc độ pháp luật
Trong nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam quy định rõ, việc khám sức khỏe cho nhân viên định kỳ là trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Cụ thể trong Bộ Luật lao động năm 2012, điều 152 về việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động:
- Ít nhất 1 lần/năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, bao gồm cả người đang học nghề, tập nghề; Đặc biệt với người lao động là nữ phải được khám thêm chuyên khoa phụ sản. Đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, người lao động chưa thành niên, người lao động bị khuyết tật, người lao động cao tuổi phải được khám định kỳ ít nhất 2 lần/năm, tức 06 tháng/lần.
- Người lao động làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp phải được khám theo quy định của Bộ Y tế.
- Khi người lao động mắc bệnh nghề nghiệp hoặc tai nạn lao động, phải được giám định y khoa, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, đồng thời được chữa trị, điều dưỡng và phục hồi chức năng lao động theo đúng quy định pháp luật.
- Sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu người lao động tiếp tục làm việc, thì người sử dụng lao động phải sắp xếp công việc phù hợp theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa lao động.
- Hồ sơ sức khỏe và hồ sơ theo dõi sức khỏe tổng hợp của người lao động phải được quản lý bởi người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Y tế.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo các biện pháp khử độc, khử trùng cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng khi kết thúc giờ làm việc.
Theo Nghị định 88/2015/NĐ-CP, đối với doanh nghiệp không tuân thủ, không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động định kỳ sẽ bị xử phạt nặng tài chính. Phạt từ 10 – 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên; từ 20 – 30 triệu đồng với doanh nghiệp không tổ chức khám cho nhân viên.
Như vậy, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động với doanh nghiệp là bắt buộc, cần được thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật.
1.2. Lợi ích của doanh nghiệp khi khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên
Nhân lực là nguồn lực phát triển của doanh nghiệp. Không chỉ là quyền lợi kiểm tra sức khỏe với người lao động, tổ chức khám định kỳ cũng đem lại nhiều lợi ích về phía công ty. Kết quả khám – tầm soát sức khỏe giúp đánh giá mức độ phù hợp về thể lực nhân viên với công việc, từ đó giúp doanh nghiệp phân công công việc và thời gian nghỉ ngơi hiệu quả nhất, đồng thời lựa chọn và tuyển dụng đội ngũ nhân lực chất lượng.
Với phúc lợi khám sức khỏe định kỳ, tính gắn kết giữa nhân viên và doanh nghiệp được nâng cao. Theo một nghiên cứu gần đây, Vinamilk, Vietcombank, Samsung là những doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam, chính bởi những phúc lợi đãi ngộ lớn thu hút nhân tài như lương, thưởng, du lịch, chăm sóc và khám sức khỏe thường xuyên đã giữ chân được nhân tài. Người lao động vì thế mà cống hiến hết mình cho công ty. Niềm tin, uy tín và sự phát triển của doanh nghiệp cũng từ đây được củng cố và không ngừng tăng cao.
Bên cạnh đó, việc khám và tầm soát sớm giúp phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh nghề nghiệp, giảm tải chi phí y tế, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.
2. Chi phí khám sức khỏe cho nhân viên định kỳ
Theo pháp luật quy định, người sử dụng lao động sẽ chi trả toàn bộ chi phí dùng cho việc khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nhân viên. Chi phí này sẽ được hạch toán lại khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Như vậy, người lao động hoàn toàn không phải mất bất kỳ chi phí nào khi tham gia khám định kỳ tại công ty. Doanh nghiệp Việt Nam và chủ doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức khám cho nhân viên và thanh toán trước toàn bộ số tiền, sẽ được hạch toán vào chi phí doanh nghiệp sau.
Về phía doanh nghiệp, chi phí tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nhân viên sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Bệnh viện, cơ sở y tế do doanh nghiệp lựa chọn: Tùy thuộc lựa chọn bệnh viện công lập hay bệnh viện đa khoa quốc tế, chất lượng bác sĩ, trang thiết bị máy móc, cơ sở vật chất,… mà mỗi địa chỉ thăm khám sẽ quy định mức giá khác nhau. Tùy thuộc vào yêu cầu và ngân sách mà các công ty lựa chọn đối tác tổ chức khám cho phù hợp.
- Gói khám: Mỗi doanh nghiệp, mỗi lĩnh vực ngành nghề và môi trường khác nhau dẫn tới các danh mục khám, gói khám doanh nghiệp cũng được thiết kế khác nhau. Do vậy giá cả gói khám cũng hoàn toàn khác nhau.
- Chi phí ngoài (Di chuyển, ăn uống,…): Đối với các doanh nghiệp lựa chọn địa điểm khám xa, khám tại bệnh viện, chi phí tổ chức thăm khám sẽ bao gồm chi phí đưa đón cán bộ nhân viên tới nơi khám,…
- Số lượng cán bộ nhân viên khám: Chi phí khám sức khỏe định kỳ cho các doanh nghiệp sai khác nhau bởi số lượng người khám không giống nhau. Thông thường, các đoàn khám lớn sẽ được ưu đãi hơn các đoàn khám nhỏ, ít người.
3. Lưu ý cho doanh nghiệp khi khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên
Để hoạt động khám định kỳ sức khỏe cho nhân viên được diễn ra thành công và đạt kết quả tốt, doanh nghiệp cần lựa chọn kỹ cơ sở y tế uy tín, đủ khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn cần có cho buổi khám sức khỏe. Doanh nghiệp cần lưu ý một số tiêu chí khi lựa chọn nơi thăm khám cho người lao động.
Chất lượng khám chữa của cơ sở y tế là tiêu chí đầu tiên doanh nghiệp cần lưu tâm. Một bệnh viện có đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thăm khám sẽ cho kết quả khám chính xác cao và những tư vấn phù hợp.
Ngoài nhân lực, một cơ sở y tế chất lượng được thể hiện ở trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại, tân tiến, không gian khám có quy mô lớn, đáp ứng được nhu cầu của những doanh nghiệp lớn.
Do cường độ công việc hay khoảng cách địa lý, doanh nghiệp luôn mong muốn buổi khám sức khỏe định kỳ diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm thời gian làm việc, chi phí di chuyển. Hiện nay, một số bệnh viện đã cho ra mắt dịch vụ đặt lịch khám online, phát triển dịch vụ thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm lưu động ngay tại doanh nghiệp. Do đó, cán bộ nhân viên không cần đi xa mà vẫn được khám đầy đủ các danh mục.
Cuối cùng, khám định kỳ doanh nghiệp yêu cầu đội ngũ hỗ trợ y tế chuyên nghiệp, tận tình để phục vụ, giải đáp thắc mắc của cả một tập thể. Vì vậy, bệnh viện được doanh nghiệp lựa chọn cần đảm bảo chất lượng phục vụ tốt nhất.
Hy vọng với những thông tin tổng hợp trên đây, những nhà lãnh đạo và doanh nghiệp sẽ có được cái nhìn tổng quát về vấn đề khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, từ đó triển khai tổ chức buổi thăm khám đúng – chuẩn – thành công.