Ung thư là bệnh có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu, đặc biệt khi phát hiện ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ tăng lđáng kể. Vì vậy, nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh ung thư là vô cùng quan trọng. Dưới đây là những thông tin chi tiết về căn bệnh này cùng các dấu hiệu phổ biến mà người bệnh cần lưu ý.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh ung thư và mức độ nguy hiểm
Ung thư là căn bệnh phát sinh do sự phát triển không kiểm soát của các tế bào ác tính trong cơ thể. Khi các tế bào bình thường biến đổi thành tế bào ung thư, chúng có khả năng nhân lên không ngừng, gây tổn hại cho các mô và cơ quan xung quanh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ung thư có thể lan rộng, xâm lấn sang các cơ quan khác và gây ra các hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới tử vong.
Hiện nay, y học đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Tuy nhiên, tỷ lệ sống của người bệnh phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn phát hiện bệnh. Bởi vậy, việc nhận diện các dấu hiệu của bệnh ung thư là yếu tố then chốt để nâng cao cơ hội điều trị thành công.
2. Các dấu hiệu cảnh báo ung thư phổ biến
Dấu hiệu của bệnh ung thư có thể khác nhau tùy vào từng loại ung thư và vị trí của khối u trong cơ thể. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo phổ biến cần chú ý:
2.1 Thay đổi trên da
Một trong những dấu hiệu ung thư dễ nhận thấy là sự thay đổi bất thường trên da, đặc biệt là khi xuất hiện những nốt ruồi hoặc đốm da mới mà có sự thay đổi về màu sắc, hình dạng, kích thước. Nốt ruồi ung thư thường có ranh giới không rõ ràng, màu sắc không đều và kích thước lớn hơn nốt ruồi bình thường. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể xuất hiện các nốt đỏ, loét hoặc các vùng da có màu sắc lạ.
2.2 Ho dai dẳng không rõ nguyên nhân
Ho kéo dài, đặc biệt là ho ra máu, có thể là dấu hiệu của ung thư phổi. Mặc dù ho là triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh khác nhau như nhiễm trùng, hen suyễn hay viêm phổi, nhưng nếu ho kéo dài mà không thuyên giảm, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra. Đặc biệt, những người có thói quen hút thuốc lá cần đặc biệt chú ý đến triệu chứng này, vì họ có nguy cơ cao mắc ung thư phổi.
2.3 Thay đổi ở vú
Ở nữ giới, những thay đổi bất thường tại vùng vú như nổi u cục, tiết dịch từ núm vú, da vú trở nên đỏ hoặc dày lên là những dấu hiệu không nên bỏ qua. Tuy có thể xuất phát từ những thay đổi nội tiết hoặc chu kỳ kinh nguyệt, nhưng nếu tình trạng kéo dài, đó có thể là dấu hiệu của ung thư vú. Các xét nghiệm như siêu âm, sinh thiết và chụp nhũ ảnh có thể giúp phát hiện sớm nguy cơ ung thư tại khu vực này.
2.4 Cảm giác đầy bụng kéo dài
Đối với phụ nữ, cảm giác đầy bụng liên tục, đặc biệt kèm theo mệt mỏi hoặc đau lưng, có thể là dấu hiệu sớm của ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, triệu chứng đầy bụng có thể xuất phát từ các vấn đề tiêu hóa thông thường hoặc căng thẳng. Nếu triệu chứng này kéo dài không thuyên giảm, người bệnh nên đi khám để loại trừ nguy cơ ung thư.
2.5 Khó khăn khi tiểu tiện
Đối với nam giới, việc gặp khó khăn khi tiểu tiện, bao gồm đi tiểu nhiều lần, tiểu ngắt quãng hoặc khó tiểu, có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt. Bệnh này phổ biến hơn ở nam giới lớn tuổi và thường gây ra triệu chứng ở giai đoạn đầu. Nếu có những triệu chứng như trên, nên đi khám sớm để đánh giá chính xác.
2.6 Hạch bạch huyết sưng
Hạch bạch huyết sưng thường xảy ra khi cơ thể chống lại nhiễm trùng, nhưng nếu hạch sưng mà không kèm triệu chứng nào khác hoặc kéo dài, đó có thể là dấu hiệu của ung thư, chẳng hạn như bệnh bạch cầu hoặc u lympho. Hạch sưng không đau, phát triển to dần cần được bác sĩ đánh giá ngay.
2.7 Đi đại tiện ra máu
Máu trong phân là dấu hiệu cần đặc biệt quan tâm, đặc biệt là khi máu có màu đỏ tươi hoặc sẫm màu. Triệu chứng này có thể cảnh báo ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp tình trạng tiêu chảy, táo bón kéo dài, hoặc phân mỏng hơn bình thường.
2.8 Thay đổi về tinh hoàn ở nam giới
Nam giới có thể cảm thấy đau hoặc sưng ở tinh hoàn, hoặc phát hiện khối u bất thường. Điều này có thể là dấu hiệu của ung thư tinh hoàn. Khối u có thể không đau, nhưng nó có thể lớn dần theo thời gian và gây ra sự khó chịu.
2.9 Khó nuốt
Khó nuốt kéo dài có thể là dấu hiệu của ung thư thực quản hoặc ung thư họng. Triệu chứng này có thể đi kèm với cảm giác đau hoặc nghẹn khi ăn uống. Nếu khó nuốt không giảm, người bệnh nên đi khám để xác định nguyên nhân chính xác.
2.10 Chảy máu âm đạo bất thường
Đối với phụ nữ, hiện tượng chảy máu âm đạo ngoài chu kỳ kinh nguyệt, sau mãn kinh hoặc sau khi quan hệ có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung. Đây là triệu chứng mà người bệnh nên đi khám ngay để có thể phát hiện và điều trị sớm.
2.11 Các vấn đề ở miệng
Những biểu hiện bất thường trong miệng như sưng lợi, lở loét niêm mạc miệng kéo dài, hôi miệng hoặc những vết loét chuyển màu đỏ hoặc trắng có thể là dấu hiệu của ung thư miệng. Người hút thuốc lá cần đặc biệt lưu ý vì có nguy cơ cao mắc bệnh này.
2.12 Giảm cân đột ngột
Giảm cân nhanh chóng không rõ lý do là một trong những dấu hiệu cảnh báo của nhiều loại ung thư, đặc biệt là các bệnh ung thư tiêu hóa như dạ dày, thực quản, tuyến tụy và phổi. Nếu sụt cân lớn trong thời gian ngắn, người bệnh nên đi khám để xác định nguyên nhân.
2.13 Sốt cao kéo dài hoặc mệt mỏi không rõ nguyên nhân
Sốt và mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư. Cơ thể sốt để phản ứng với nhiễm trùng, nhưng nếu sốt dai dẳng, đó có thể là triệu chứng của bệnh ung thư máu, ung thư bạch cầu hoặc u lympho. Ngoài ra, tình trạng mệt mỏi, kiệt sức mà không cải thiện dù nghỉ ngơi có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng.
2.14 Ợ nóng
Ợ nóng thường là kết quả của căng thẳng hoặc thức ăn gây kích thích, nhưng nếu thay đổi lối sống mà chứng ợ nóng không giảm, đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày hoặc ung thư thực quản.
3. Biện pháp phòng ngừa nguy cơ ung thư
Để phòng ngừa nguy cơ ung thư, mỗi người cần:
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: giảm đồ chiên xào, hạn chế chất béo, tăng cường rau xanh và thực phẩm giàu chất xơ.
Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia: Thuốc lá và rượu là những tác nhân gây ra nhiều loại ung thư khác nhau.
Tập thể dục đều đặn: Giúp tăng cường sức khỏe và nâng cao khả năng đề kháng.
Thăm khám định kỳ và tầm soát các dấu hiệu hoặc khả năng dẫn đến ung thư: Mỗi người, đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ cao, nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe và tầm soát ung thư theo khuyến cáo của bác sĩ.
Nhận biết rõ các dấu hiệu của bệnh ung thư và thăm khám sớm sẽ giúp người bệnh tăng cơ hội điều trị thành công và nâng cao chất lượng cuộc sống.