Chào bạn,
Rất cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Hệ thống Y tế Thu Cúc.
Theo thống kê, có hơn 90% bệnh nhân ung thư cổ tử cung do vi rút HPV gây ra. Biện pháp phòng ngừa tối ưu ung thư cổ tử cung chính là tiêm vắc xin phòng vi rút HPV đối với bé gái và phụ nữ từ 9-26 tuổi. Vắc xin này giúp hạn chế một số loại virus HPV thường có mặt trong một số loại ung thư. Tuy nhiên, tiêm vắc xin không thay thế được hiệu quả của việc tầm soát ung thư cổ tử cung với các phương pháp chuyên sâu.
Do đó, bạn vẫn cần nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ bằng phương pháp xét nghiệm HPV và PAP. Thời điểm thực hiện và loại xét nghiệm tầm soát ung thư phụ thuộc vào tuổi và bệnh sử của người bệnh:
– Nữ độ tuổi từ 21 – 29 tuổi nên làm xét nghiệm PAP (xét nghiệm ThinPrep Pap hoặc Pap smear) với tần suất 3 năm/lần.
– Nữ giới từ 30 – 65 tuổi nên làm xét nghiệm PAP và HPV đồng thời 5 năm/lần. Hoặc thực hiện xét nghiệm PAP 3 năm/lần và xét nghiệm HPV 5 năm/lần.
Cả 2 xét nghiệm nói trên đều có thể thực hiện một cách đơn giản, không gây đau đớn cho người bệnh. Dựa trên kết quả của 2 xét nghiệm này, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện thêm các phương pháp tầm soát khác.
Việc thực hiện xét nghiệm định kỳ sẽ giúp đảm bảo hiệu quả sàng lọc ung thư cổ tử cung, phát hiện bệnh kịp thời (nếu có). Và nhờ đó, hiệu quả điều trị bệnh cũng sẽ được gia tăng đáng kể. Hy vọng câu trả lời này đã có thể giải đáp được thắc mắc của bạn. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!