Trào ngược dạ dày khi gây ra những triệu chứng khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng tới cuộc sống thì người bệnh cần thăm khám sớm. Trong các phương pháp chẩn đoán bệnh, nội soi cho hình ảnh trào ngược dạ dày sắc nét, chi tiết, có giá trị chẩn đoán cao nên thường được ưu tiên thực hiện khi có các vấn đề ở đường tiêu hóa.
Menu xem nhanh:
1. Ý nghĩa hình ảnh nội soi trào ngược dạ dày
Hiện nay, nội soi dạ dày đại tràng là phương pháp tiêu chuẩn trong chẩn đoán các bệnh lý ống tiêu hóa. Nội soi cho hình ảnh phóng đại hàng trăm lần giúp phát hiện mọi tổn thương gặp phải. Nội soi mang lại giá trị chẩn đoán và điều trị cao mà các phương pháp khác không thể thực hiện.
1.1. Hình ảnh nội soi cho biết mức độ bệnh trào ngược dạ dày
Nội soi cho hình ảnh phóng đại hàng trăm lần với độ phân giải cao giúp bác sĩ quan sát toàn bộ lớp niêm mạc thực quản – dạ dày – tá tràng, từ đó phát hiện mọi tổn thương dù là rất nhỏ. Khi xác định vị trí tổn thương, nội soi cho phép quan sát tập trung tại vùng tổn thương giúp đánh giá chi tiết về tình trạng viêm, loét và chẩn đoán đúng về mức độ trào ngược người bệnh gặp phải.
– Trào ngược độ 0: Không quan sát được tổn thương ở thực quản.
– Trào ngược độ A: Có các vết viêm, vết trợt ở thực quản nhưng kích thước nhỏ, chiều dài quá 5mm.
– Trào ngược độ B: Hình ảnh trào ngược dạ dày với các vết trợt, vết loét kích thước lớn hơn 5mm và phân tán lẻ tẻ
– Trào ngược độ C: Các vết trợt, loét hội tụ lại, phạm vi tổn thương lan rộng và thành thực quản dày lên.
– Trào ngược độ D: Hình ảnh trào ngược dạ dày với những ổ viêm loét ăn sâu, diện mạo bất thường, lan rộng hơn 75% chu vi thực quản.
1.2. Hình ảnh nội soi giúp bác sĩ phát hiện biến chứng trào ngược dạ dày
Bệnh trào ngược dạ dày kéo dài, diễn tiến trở nặng sẽ gây ra những biến chứng khó lường. Việc thực hiện nội soi sẽ giúp bác sĩ đánh giá chi tiết tình trạng trào ngược, mức độ tổn thương ở thành niêm mạc thực quản. Từ đó phát hiện các biến chứng nguy hiểm của trào ngược dạ dày thực quản gặp phải bao gồm:
– Viêm loét thực quản
– Hẹp thực quản
– Xuất huyết thực quản
– Barrett thực quản
– Ung thư thực quản.
Các biến chứng kẻ trên có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người bệnh. Trong đó, Barrett thực quản và ung thư thực quản là 2 biến chứng đặc biệt nguy hiểm. Phát hiện sớm các biến chứng và nhanh chóng xử lý kịp thời là yêu cầu cần thiết giúp điều trị bệnh hiệu quả nhất.
2. Bệnh trào ngược dạ dày khi nào cần thăm khám và nội soi?
Trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp phải ở mọi đối tượng, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Có nhiều trường hợp trào ngược dạ dày là hiện tượng sinh lý bình thường gặp phải khi ăn no nên không cần quá lo ngại hay phải thực hiện thăm khám. Bạn chỉ cần thay đổi chế độ ăn và điều chỉnh lối sinh hoạt hợp lý.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý những trường hợp trào ngược dạ dày thực quản liên quan đến vấn đề bệnh lý cần xem xét thăm khám sớm:
– Xuất hiện liên tiếp các triệu chứng khó chịu, kéo dài với tần suất gặp phải thường xuyên dù đã ăn uống điều độ. Mức độ trào ngược ngày một nghiêm trọng hơn, người bệnh bị ợ nóng, ợ chua, chán ăn, khó nuốt, đau khi nuốt, ăn không ngon, có cảm giác bị vướng thức ăn sau xương ức, ho, khó thở, khàn giọng, sụt cân không rõ nguyên nhân,…
– Có sử dụng thuốc ức chế bơm proton theo chỉ định trong hai tuần nhưng không thuyên giảm các triệu chứng trào ngược.
– Trào ngược dạ dày thực quản kéo dài gây nhiều khó chịu và suy giảm chất lượng cuộc sống. Trào ngược về đêm gây mất ngủ, người mệt mỏi.
3. Quy trình thực hiện nội soi thực quản – dạ dày không đau
Trào ngược dạ dày thực quản có thể đến từ vấn đề ở dạ dày hoặc ở thực quản. Vì vậy, để xác định rõ căn nguyên trào ngược, thông thường người bệnh sẽ được chỉ định nội soi đường tiêu hóa trên bao gồm thực quản – dạ dày – tá tràng. So với các phương pháp chẩn đoán khác, thực hiện nội soi đường tiêu hóa sẽ có nhiều yêu cầu hơn nhằm đảm bảo thủ thuật diễn ra thuận lợi, cho kết quả chính xác. Tham khảo quy trình nội soi thực quản – dạ dày không đau tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI với trình tự các bước sau đây:
Bước 1: Người bệnh khám ban đầu cùng bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, nhận chỉ định nội soi.
Bước 2: Làm các xét nghiệm cần thiết và các chẩn đoán cận lâm sàng.
Bước 3: Làm hồ sơ nội soi (đánh giá kết quả nhịn ăn, đo huyết áp, đo chiều cao, đo cân nặng,…)
Bước 4: Người bệnh uống một cốc thuốc tan bọt dạ dày.
Bước 5: Người bệnh được điều dưỡng đặt một đường truyền mê.
Bước 6: Bác sĩ tiến hành gây mê.
Bước 7: Bác sĩ nội soi bắt đầu nội soi thực quản – dạ dày tìm tổn thương và đánh giá mức độ trào ngược.
Bước 8: Hoàn tất thủ thuật, điều dưỡng rút đường truyền mê cho người bệnh.
Bước 9: Người bệnh tỉnh mê, nghỉ ngơi tại phòng lưu bệnh nhân ít nhất 30 phút. Sau đó được đo lại huyết áp.
Bước 10: Đọc kết quả nội soi tại phòng khám ban đầu.
4. Lưu ý cho người bệnh trước khi thăm khám nội soi tiêu hóa
Thông thường, khi thực hiện thăm khám chuyên khoa tiêu hóa nói chung, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn phải nhịn ăn ít nhất trong vòng 4-6 tiếng. Trường hợp người bệnh có nội soi dạ dày sẽ cần nhịn ăn từ 6-8 tiếng, nhịn uống 2 tiếng trước khi nội soi.
Tốt nhất bạn nên chủ động đặt lịch thăm khám trước để được nhân viên y tế hướng dẫn chi tiết các yêu cầu thăm khám phù hợp với tình trạng sức khỏe bản thân nhất là với những trường hợp đang sử dụng các loại thuốc điều trị, người có bệnh nền như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, hen suyễn, dị ứng,…
Như vậy, người bệnh trào ngược dạ dày nên chủ động thăm khám sớm và thực hiện nội soi khi có chỉ định. Hình ảnh trào ngược dạ dày qua nội soi sẽ giúp bác sĩ kết luận chính xác về bệnh, từ đó lên đúng phác đồ điều trị, giải quyết tốt bệnh lý người bệnh gặp phải.