Một chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả và ít thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất béo, dầu mỡ, thực phẩm chiên rán có thể giúp một người kiểm soát các triệu chứng hen phế quản. Cùng tìm hiểu chi tiết hen phế quản kiêng ăn gì trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh hen phế quản
Hen phế quản hay hen suyễn là một tình trạng bệnh mạn tính ảnh hưởng đến phổi, cần được điều trị và theo dõi liên tục. Người bệnh được chẩn đoán mắc hen phế quản khi có tình trạng đường thở bị thu hẹp và sưng tấy, đồng thời bị chặn bởi chất nhầy dư thừa trong đường thở. Hen phế quản gây ra các triệu chứng khác nhau như khó thở, tức ngực, thở khò khè, ho khan… Và người bệnh có thể gặp cơn hen bùng phát do một tác nhân kích thích nào đó.
2. Chế độ ăn hữu ích tránh kích hoạt cơn hen
Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ chế độ ăn kiêng nào cũng có thể chữa khỏi bệnh hen suyễn, nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng một số loại thực phẩm có thể làm tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn, từ đó cũng làm trầm trọng hơn bệnh hen suyễn.
2.1 Tránh thực phẩm chứa sulfite
Sulfite là một loại chất bảo quản thường có trong thực phẩm và đồ uống cần bảo quản như rượu, đồ chua ngâm, nước cam/ chanh đóng chai, hoa quả sấy…
Bệnh nhân hen suyễn tiêu thụ mức sulfite cao trong chế độ ăn của họ có thể khiến các triệu chứng bệnh trầm trọng hơn. Theo Hiệp Hội Phổi Hoa Kỳ (ALA) cảnh báo rằng việc tiêu thụ thực phẩm có chứa sulfite, đặc biệt là rượu vang thậm chí có thể gây cơn hen suyễn.
Theo một nghiên cứu năm 2018 của Thư viện Quốc Gia Hoa Kỳ chỉ ra rằng, tiêu thu rượu vang trắng có thể dẫn đến phản ứng không dung nạp ở một số người mắc bệnh hen suyễn.
2.2 Hen phế quản kiêng ăn gì – Hạn chế thực phẩm chứa salicylat
Salicylat là các hợp chất có trong trà, cà phê, thực phẩm cay và thực phẩm có hương vị thảo mộc. Mặc dù hiếm nhưng một số trường hợp mắc bệnh hen suyễn rất nhạy cảm với các hợp chất này và có thể dễ gặp phải các triệu chứng bùng phát hơn.
Cũng có nghiên cứu đã chỉ ra rằng aspirin có chứa salicylate làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn ở một số người.
2.3 Hen phế quản kiêng ăn gì – Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh
Việc tiêu thụ đồ ăn nhanh ở trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng gia tăng, đây cũng là yếu tố nguy cơ có khả năng dẫn đến bệnh hen suyễn cũng như nhiều tình trạng sức khỏe khác nếu tiêu thị đồ ăn nhanh ba lần một tuần trở lên.
Món tráng miệng, thịt đỏ và các thực phẩm chiên rán dầu mỡ khác góp phần gây ra bệnh béo phì, có thể làm gia tăng tình trạng viêm cũng như triệu chứng của hen suyễn. Vậy nên duy trì cân nặng khỏe mạnh là điều quan trọng đối với bệnh hen suyễn. Nếu bạn thừa cân phổi của bạn phải làm việc nhiều hơn, do đó có thể gây trầm trọng thêm triệu chứng của hen.
2.4 Một số thực phẩm hữu ích nên ăn
Ngoài việc hen phế quản kiêng ăn gì, thì có một số loại thực phẩm phù hợp hữu ích cho người bệnh hen phế quản, đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ độc tố được gọi là gốc tự do ra khỏi cơ thể. Bằng cách này sẽ giúp giảm viêm và tăng cường hệ thống miễn dịch.
Một số thực phẩm được khuyên dùng đó là: Thực phẩm chứa vitamin D, C, E, beta carotene, chất chống oxy hóa chẳng hạn như selen và flavonoid (những chất này có nhiều trong trái cây, rau củ), các loại ngũ cốc.
3. Lời khuyên ngăn ngừa các triệu chứng hen phế quản
Các chuyên gia y tế khuyến cáo nên quản lý bệnh hen suyễn một cách chủ động, không chỉ bằng thuốc mà còn bằng cách tránh các tác nhân gây bệnh
3.1 Tránh những tác nhân kích thích
Khi mắc hen suyễn, người bệnh nên cố gắng xác định và tránh các tác nhân có thể kích thích cơn hen hoặc triệu chứng bệnh. Một số điều sau đây người bệnh cần lưu ý tránh đó là:
– Thuốc không kê đơn chẳng hạn như aspirin và thuốc chống viêm không steroid
– Một số thực phẩm có chứa chất gây dị ứng có thể gây phản ứng ở một số người, chẳng hạn phổ biến là đậu phộng, động vật có vỏ
– Tiếp xúc với khói chẳng hạn như khói thuốc lá, khói lửa, khói lò sưởi đốt củi
– Thời tiết bất lợi chẳng hạn như bão, gió, lạnh hoặc ẩm ướt
– Ô nhiễm không khí, khói bụi, khói thải xe cộ và khói độc hóa chất
– Lông và nước bọt của một số loài động vật có lông
– Tiếp xúc với môi trường có mạt bụi, nấm mốc…
3.2 Lời khuyên ngăn ngừa triệu chứng hen suyễn
– Tuân thủ theo kế hoạch điều trị, thăm khám đúng lịch hẹn và sử dụng thuốc theo lời khuyên của bác sĩ.
– Ghi nhật ký về cách thức và thời điểm các triệu chứng xuất hiện để giúp xác định chúng.
– Xác định và tránh các thực phẩm, môi trường và hoạt động gây ra triệu chứng.
– Duy trì cân nặng vừa phải.
– Tránh xa khói thuốc, ngừng hút thuốc lá vĩnh viễn.
– Áp dụng chế độ ăn ít thực phẩm chế biến sẵn và nhiều trái cây, rau quả tươi.
– Rửa tay sạch sẽ, tiêm phòng cúm để tránh các bệnh lý nhiễm trùng.
Mặc dù không có chế độ ăn kiêng cụ thể nào để giảm hoặc ngăn ngừa bệnh hen suyễn, nhưng có nhiều loại thực phẩm và đồ uống có thể là ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến các triệu chứng hen suyễn. Hy vọng với các thông tin về bệnh hen phế quản kiêng ăn gì trên đây sẽ giúp người bệnh, bạn đọc có gia đình người thân, bạn bè có thêm kiến thức hữu ích trong điều trị và quản lý căn bệnh mạn tính ở đường hô hấp này.