Hậu quả tai biến mạch máu não: Không phải ai cũng hiểu!

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Tai biến mạch máu não là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc tai biến đang ngày càng gia tăng ở mức đáng lo ngại đối với cả nam giới và nữ giới ở các lứa tuổi. Cùng tìm hiểu rõ hơn về những hậu quả tai biến mạch máu não đối với cơ thể người bệnh trong bài viết dưới đây.

1. Tìm hiểu về tai biến mạch máu não

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai biến mạch máu não là một hội chứng lâm sàng, bao gồm “các dấu hiệu rối loạn chức năng của não (khu trú hoặc toàn thể) phát triển nhanh, kéo dài từ 24 giờ trở lên, hoặc dẫn đến tử vong; mà không xác định nguyên nhân nào khác ngoài căn nguyên mạch máu”.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ có 15 – 30% người bệnh sống sót sau cơn tai biến độc lập về chức năng và khoảng 40 – 50% độc lập một phần. Ở nhóm còn lại, các chức năng của các cơ quan trên cơ thể cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến người bệnh ít nhiều phải phụ thuộc vào sự chăm sóc từ người khác trong việc tắm rửa, ăn uống, di chuyển… Điều này gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tinh thần của người bệnh.

Quá trình người bệnh phục hồi sau cơn tai biến bao gồm 4 giai đoạn:

– Giai đoạn tối cấp (từ 0 – 24h)

– Giai đoạn phục hồi sớm (từ 24h – 3 tháng)

– Giai đoạn phục hồi muộn (từ 3 – 6 tháng)

– Phục hồi chức năng trong giai đoạn mạn tính (trên 6 tháng)

Mức độ và phạm vi ảnh hưởng của tai biến không giống nhau mà còn tùy thuộc vào mức độ tổn thương, giai đoạn bệnh, khả năng hồi phục, điều trị y tế… Ở mỗi giai đoạn sẽ có những vấn đề về sức khỏe cũng như mục tiêu chăm sóc khác nhau cho người bệnh.

Tìm hiểu về tai biến mạch máu não

Tai biến là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu trên thế giới.

2. Tai biến mạch máu não để lại những hậu quả gì?

Tai biến mạch máu não là vấn đề nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Nếu không được cứu chữa kịp thời và đúng cách, tính mạng người bệnh sẽ bị đe dọa. Ngay trong trường hợp được cứu sống, người bệnh vẫn có nguy cơ đối mặt với những hậu quả sau:

2.1 Các chức năng trên cơ thể bị ảnh hưởng

Trải qua cơn tai biến, người bệnh có thể thấy xuất hiện tình trạng cơ yếu đi rõ rệt, thậm chí là liệt nửa người. Điều này gây trở ngại lớn cho sự thăng bằng, đồng thời khiến người bệnh mệt mỏi và giảm khả năng vận động. Ngoài ra, người bệnh còn gặp khó khăn trong việc nhai nuốt, tầm nhìn bị kém đi; khó khăn trong việc kiểm soát bàng quang và ruột, làm rối loạn quá trình tiểu tiện và đại tiểu tiện.

2.2 Hậu quả tai biến mạch máu não làm gia tăng nguy cơ bệnh tật, tai nạn

Sự suy giảm về mặt sức khỏe, sinh lý, khả năng miễn dịch, khả năng vận động của người bệnh sau tai biến có thể làm gia tăng nguy cơ gặp các vấn đề như viêm phổi, nhiễm trùng, lở loét, té ngã… Đây đều là những nguy cơ gây mất an toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh.

2.3 Rối loạn giao tiếp

Rối loạn giao tiếp là tình trạng mất khả năng hiểu và tạo ra các tín hiệu ngôn ngữ do tổn thương não, bao gồm: hiểu lời nói, chữ viết, diễn đạt bằng lời nói và chữ viết. Theo nghiên cứu, có khoảng 85% các trường hợp thất ngôn là do tai biến mạch máu não bán cầu trái. Có nhiều thể thất ngôn khác nhau, nhưng có thể phân ra các nhóm như: rối loạn khả năng hiểu, rối loạn khả năng diễn đạt ngôn ngữ hay phối hợp. Lúc này, người bệnh cần được đánh giá và lập kế hoạch điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.

2.4 Suy giảm tư duy và trí nhớ

Tai biến mạch máu não có thể làm ảnh hưởng đến tư duy và trí nhớ của người bệnh. Nếu ảnh hưởng đến vùng não phải, người bệnh có thể gặp các rối loạn về không gian – nhận thức, làm suy yếu khả năng đánh giá khoảng cách, kích thước, tốc độ, vị trí hoặc cấu trúc. Biểu hiện là người bệnh không thể viết các con số và chữ cái, không nhận biết được phía bên trong hay ngoài, mặt trái hoặc phải. Thậm chí, một số trường hợp không thể xác định được họ đang trong tư thế đứng hay ngồi.

Hậu quả tai biến mạch máu não làm gia tăng nguy cơ suy giảm tư duy, trí nhớ

Suy giảm tư duy và trí nhớ là một trong những hậu quả có thể xảy ra sau tai biến mạch máu não.

2.5 Thay đổi cảm xúc

Một trong những thay đổi sau tai biến mạch máu não chính là thay đổi về cảm xúc, bao gồm lo âu, dễ cáu kỉnh, thiếu kiểm soát được cảm xúc và trầm cảm. Cơn tai biến có thể ảnh hưởng tới não tại vùng trán hoặc vùng thân não, dẫn đến mất kiểm soát cảm xúc. Người bệnh thường có biểu hiện cười sau đó khóc òa đột ngột. Hiện tượng này có thể xảy ra vào ban đêm hoặc ban ngày, đặc biệt là khi người bệnh nằm lâu trên giường.

2.6 Thay đổi hành vi

Những thay đổi về hành vi và nhân cách như dễ cáu giận, thiếu kiềm chế, bốc đồng hay mất hiểu biết về bệnh tật… xảy ra sau tai biến có thể gây trở ngại đáng kể đối với sự tham gia tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, sự thay đổi hành vi của người bệnh còn gây khó khăn cho gia đình, bạn bè cũng như tạo áp lực lên cả người chăm sóc.

2.7 Thay đổi về nhận thức là một trong những hậu quả tai biến mạch máu não

Người bệnh mắc tai biến mạch máu não có thể bị suy giảm nhận thức tổng quát một cách trầm trọng, khiến quá trình xử lý thông tin bị chậm hoặc ở các lĩnh vực cụ thể như định hướng, trí nhớ, suy luận, ngôn ngữ, thị giác không gian…

2.8 Khó khăn trong các hoạt động hàng ngày

Sự giới hạn về thể chất và tinh thần của người sau tai biến gây nên nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, cần khuyến khích sự độc lập của người bệnh để giảm gánh nặng cho gia đình và người chăm sóc. Độc lập trong sinh hoạt cũng chính là cách ngăn ngừa trầm cảm ở những người bệnh này.

Tai biến gây khó khăn trong các hoạt động hàng ngày

Khả năng vận động của người bệnh có thể bị suy giảm nghiêm trọng sau cơn tai biến mạch máu não.

Tai biến mạch máu não không chỉ là bệnh lý nguy hiểm mà còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng tới cơ thể người bệnh. Do đó, khi thấy xuất hiện các triệu chứng của tai biến mạch máu não, cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Với những người mắc tai biến cần kiên trì trong việc luyện tập vận động để sớm hồi phục và giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho bản thân và gia đình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital