Đột quỵ (đột quỵ não) là bệnh lý cấp tính, có khả năng gây tử vong cao với người bệnh. Do đó, mỗi người cần nâng cao kiến thức để phòng ngừa căn bệnh đáng sợ này. Tham khảo bài viết sau đây để hiểu hơn về các phương pháp phòng ngừa đột quỵ.
Menu xem nhanh:
1. Đột quỵ não là bệnh gì, biến chứng nguy hiểm như thế nào?
1.1. Đột quỵ não là gì?
Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não hoặc tai biến thường xảy ra khi nguồn máu cung cấp lên não gián đoạn và suy giảm đột ngột. Vì thế, não bộ thiếu oxy và chất kinh dưỡng, gây ra tình trạng các tế bào não bị chết trong vòng vài phút. Người bệnh tai biến đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao nếu không được phát hiện và cấp cứu nhanh chóng. Cũng vì lý do đó mà bệnh được liệt vào danh sách nhóm bệnh thần kinh nguy hiểm.
1.2. Biến chứng vô cùng nguy hiểm của bệnh đột quỵ
Đột quỵ đe dọa trực tiếp đến tính mạng hoặc để lại nhiều biến chứng nặng nề, khiến người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Mức độ tổn thương hệ thần kinh, biến chứng phụ thuộc vào thời gian người bệnh được phát hiện, đưa đi cấp cứu và khả năng tiếp nhận điều trị.
Khi đột quỵ xảy ra, thời gian cấp cứu là yếu tố quan trọng, càng chậm trễ điều trị thì hệ thần kinh tổn hại càng nhiều. Từ đó khiến thời gian hồi phục lâu hơn, thậm chí không thể hồi phục và gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.
Một số biến chứng người bệnh đột quỵ có thể gặp là:
– Bị liệt vận động (1 tay, 2 tay hoặc tứ chi).
– Khả năng vận động suy yếu, tay chân khó cử động.
– Khả năng ngôn ngữ hạn chế, không thể nói tròn câu, tròn chữ
– Gặp các vấn đề về thị giác: nhìn mờ, …
– Gặp các vấn đề về tâm lý như lo âu, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, …
– Có trường hợp phải sống thực vật suốt đời hoặc tử vong.
2. Lưu ý các cách phòng ngừa đột quỵ
Đây là căn bệnh nguy hiểm và khó điều trị, do vậy mỗi người cần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần để ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả.
2.1. Phòng ngừa đột quỵ bằng cách tăng cường vận động, tập thể dục thể thao
Tập thể dục đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe kể cả thể chất lẫn tinh thần bao gồm:
– Duy trì vóc dáng, giữ cân nặng ở mức phù hợp
– Giảm huyết áp, ngăn ngừa tai biến
– Tăng cường thể chất và sức đề kháng, giải tỏa căng thẳng
– Ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, xương khớp, hô hấp, …
Tuy nhiên phải duy trì đều đặn mới đem lại hiệu quả tốt. Bạn nên bắt đầu tập từ 20-30 phút mỗi ngày và sau đó tăng dần lên 45-60 phút với cường độ 4-5 ngày/ tuần. Tuy nhiên, chỉ nên tập vừa sức, tránh tập quá nặng sẽ gây áp lực cho cơ thể. Nếu đến được phòng tập thì tốt, không thì bạn có thể đi bộ quanh nhà, đạp xe, chạy bộ, bơi, tập yoga, aerobics tại nhà.
2.2. Phòng ngừa đột quỵ bằng cách giữ cho huyết áp ổn định
Theo khảo sát, tăng huyết áp là yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ gấp đôi thậm chí gấp 4 lần. Vì thế muốn phòng ngừa đột quỵ, kiểm soát huyết áp là điều bắt buộc.
Nên ăn nhạt, hạn chế muối và thực phẩm có chứa hàm lượng muối cao, đồng thời hạn chế ăn các đồ ăn chế biến sẵn. Người bình thường nên ăn < 2300 mg/ngày, bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường, suy thận, cao tuổi được khuyến cáo nên ăn < 1500 mg/ngày.
Bên cạnh đó, những người bị cao huyết áp nên thăm khám định kỳ, sử dụng thuốc giảm huyết áp theo chỉ định để kiểm soát huyết áp, ngăn ngừa bệnh.
2.3. Ngăn ngừa đột quỵ bằng chế độ ăn lành mạnh, đủ dưỡng chất
Chế độ ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh, củ quả dồi dào kali tốt có thể giảm nguy cơ đột quỵ. Những thức ăn giàu kali có thể tăng cường bổ sung là:
– Chuối
– Khoai lang
– Khoai tây
– Cà chua
– Các loại đậu
Thực hiện chế độ nhiều rau xanh, chất xơ, giảm mỡ bão hòa, hạn chế món chiên rán nhiều dầu mỡ, nạp các chất béo tốt sẽ giúp hạ huyết áp.
Thực phẩm chứa nhiều omega – 3 cũng nên được tăng cường bổ sung để phòng ngừa tai biến. Những thực phẩm giàu omega-3 là: cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu, hạt óc chó, ngũ cốc… sẽ bảo vệ mạch máu và sức khỏe.
2.4. Kiểm soát thói quen uống bia rượu, đồ uống có cồn
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, uống rượu với lượng phù hợp đem lại hiệu quả chống xơ vữa động mạch, kháng viêm và có thể cải thiện cholesterol, chức năng tiểu cầu và đông máu đồng thời làm giảm nguy cơ đột quỵ thiếu máu và xuất huyết.
Tuy nhiên nếu uống quá nhiều thì ngược lại, tình trạng thiếu máu não nghiêm trọng hơn từ đó gây đột quỵ. Vì thế, nên kiểm soát việc uống rượu bia, nếu uống tránh các loại rượu nặng độ. Lạm dụng rượu không chỉ tăng nguy cơ đột quỵ mà còn gây ra nhiều bệnh khác.
2.5. Điều trị rung nhĩ
Rung nhĩ là một loại rối loạn nhịp tim và dẫn tới nguy cơ đột quỵ não cao. Nếu có các triệu chứng cảnh báo như hồi hộp, đánh trống ngực, đau tức ngực, tim đập quá nhanh hoặc quá chậm, hãy nghĩ ngay đến nhịp tim rối loạn để được điều trị kịp thời.
2.6. Phòng ngừa tai biến bằng kiểm soát bệnh tiểu đường
Đường huyết cao sẽ hủy hoại mạch máu và tạo điều kiện cho các cục máu đông trong lòng mạch xuất hiện gây đột quỵ. Do đó, nên theo dõi đường huyết thường xuyên. Nếu đang điều trị, cần tuân thủ chế độ ăn kiêng, tập luyện đều đặn, uống thuốc đều đặn.
2.7. Bỏ thuốc, tránh xa khói thuốc cũng là cách ngăn ngừa đột quỵ
Thuốc lá làm tăng sự hình thành cục máu đông và xơ vữa động mạch. Tránh hút thuốc, khói thuốc, ăn uống lành mạnh là cách giảm nguy cơ mắc bệnh này.
Với những người từng bị đột quỵ trước đây, cần lưu ý những điều trên và theo dõi sức khỏe sát sao. Bên cạnh đó cần thăm khám sức khỏe định kỳ và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khoẻ.