U tuyến yên là một trong những bệnh lý về nội tiết khá phổ biến. Mặc dù ở hầu hết các ca bệnh, khối u thường lành tính, tuy nhiên cần điều trị bệnh kịp thời để tránh các ảnh hưởng đến sức khỏe. Bài viết này giúp độc giả nhận biết: U tuyến yên biểu hiện thế nào, cũng như cách điều trị bệnh ra sao?
Menu xem nhanh:
1. Giải thích tại sao lại có hiện tượng u tuyến yên?
Tuyến yên là một bộ phận nằm ở đáy não, tuy có kích thước rất nhỏ nhưng lại có chức năng vô cùng quan trọng trong việc sản sinh các loại hormone. Các hormone có vai trò tham gia vào nhiều hoạt động quan trọng trong cơ thể.
U tuyến yên là hệ quả của những bất thường trong sự phát triển bên trong tế bào của tuyến yên. Trong một số trường hợp nếu kích thước đã lớn hơn khoảng 1 cm, khối u này có thể phát triển lên trên, đè lên, tạo áp lực và chèn ép phần lân cận trong não bộ. Ngoài ra, u tuyến yên có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh tại đó. Việc xuất hiện một khối u tuyến yên cũng có thể làm nội tiết tố bị mất cân bằng, nguy hiểm hơn còn chèn ép các mô não và gây ra các biến chứng rất nguy hiểm…
Cho đến nay, nguyên nhân thực sự của bệnh u tuyến yên chưa được khẳng định. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng bệnh có liên quan đến sự đột biến trong DNA – thành phần cấu tạo nên gen ở con người. Bởi vậy, các tế bào trong tuyến yên bị kích thích tăng trưởng và phát triển không kiểm soát, tạo ra khối u.
Những biến đổi này có thể chịu ảnh hưởng của yếu tố di truyền: Người có người thân từng mắc bệnh liên quan đến nội tiết như đa u nội tiết, phức hợp Carney, u xơ thần kinh,..
Bên cạnh di truyền, tuổi tác cũng là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh.
2. Bệnh nhân bị u tuyến yên có những biểu hiện như thế nào?
Mặc dù biểu hiện với các triệu chứng khác nhau ở các ca bệnh khác nhau, bệnh u tuyến yên vẫn có thể được nhân biết như sau:
2.1. U tuyến yên biểu hiện qua tình trạng rối loạn nội tiết
Biểu hiện điển hình của bệnh u tuyến yên là tình trạng rối loạn nội tiết. Khối u tuyến yên có thể kích thích bài tiết hoặc không kích thích, với trường hợp kích thích quá mức thì bệnh nhân sẽ gặp các dấu hiệu tương ứng với hormone u tiết ra.
– U tuyến yên tăng tiết ACTH sẽ gây ra hội chứng Cushing và các biểu hiện trực quan như tăng cân, cơ nhão, chân tay nhỏ, bụng lồi,..
– U tuyến yên tăng tiết GH khiến bệnh nhân bị rối loạn phát triển, đầu to, chân tay to, mặt to, trán bị dô ra,.. Trường hợp này bác sĩ có thể chẩn đoán được bệnh thông qua các thăm khám lâm sàng.
– U tuyến yên tăng tiết prolactin gây cho bệnh nhân tình trạng rối loạn kinh nguyệt, vô sinh hay có thể tiết sữa ngay cả khi không mang thai và sinh con. Đối với bệnh nhân nam giới, tình trạng này có biểu hiện khiến nam giới giảm ham muốn tình dục.
– U tuyến yên tăng tiết TSH gây ra bệnh cường giáp, bệnh nhân có thể sẽ bị giảm cân đột ngột, tim đập không đều. Ngoài ra, bệnh nhân còn đối diện với tình trạng lo lắng và rối loạn cảm xúc.
Ngược lại với bệnh nhân bị kích thích hormone, tình trạng không tiết ra hormone có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nội tiết tố, buồn nôn, mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt, mất kiểm soát cân nặng.
2.2. U tuyến yên biểu hiện qua hiện tượng rối loạn thị giác
Theo một số nghiên cứu, có đến gần 50% bệnh nhân bị u tuyến yên đối mặt với các tình trạng liên quan đến thị giác. Lý do là vì u tuyến yên nằm trong hố yên, đây là nơi giao nhau giữa 2 dây thần kinh thị giác. Bởi vậy, khi khối u phát triển lớn lên, nó sẽ gây ra chèn ép đến dây thần kinh thị giác, dẫn đến những rối loạn, suy giảm thị lực. Một số hiện tượng như nhìn các vật thể bị mờ, hiện tượng bán manh: chỉ nhìn thấy vật trước mặt và không thấy được vật bên ngoài thái dương,..
Một vài tình trạng nặng hơn, bệnh nhân còn bị tình trạng u tuyến yên xâm lấn vào xoang tĩnh mạch hang. Bệnh nhân rất dễ bị lác mắt, nhìn nhiều tròng, tê mặt,…
2.3. U tuyến yên biểu hiện qua tình trạng tăng áp lực hộp sọ
Khi u tuyến yên phát triển kích thước, nó có thể gây ra tình trạng tăng áp lực trong não. Do vậy, lượng dịch xung quanh tổ chức não có thể tăng lên, gây ra các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, huyết áp tăng lên thậm chí gây ra biểu hiện khó thở, hôn mê, mất ý thức,..
Tình trạng tăng áp lực hộp sọ nếu không được điều trị sẽ dẫn đến những biến chứng cực kỳ nguy hiểm thậm chí có thể tử vong. Bởi vậy, bệnh nhân cần lập tức đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị kịp thời.
3. U tuyến yên thường được điều trị chuyên khoa như thế nào?
Bởi là một loại u trong hộp sọ, các phương án được đưa ra để điều trị cần phải cân nhắc rất kỹ lưỡng dựa trên vị trí của u trong từng ca bệnh, kích thước của chúng ra sao, mức ảnh hưởng của khối u đó đến các cơ quan khác như thế nào?
Hiện nay, một số phương pháp điều trị cho bệnh nhân u tuyến yên thường gồm: Theo dõi tích cực, sử dụng thuốc, dùng các liệu pháp thay thế hormone, xạ trị hoặc phẫu thuật nếu cần thiết.
Đối với u tuyến yên có kích thước còn nhỏ, không có triệu chứng và lượng hormone vẫn ổn định, bệnh nhân chỉ cần theo dõi thông qua xét nghiệm thực hiện định kỳ. Khi u tuyến yên gây ra các triệu chứng nhẹ, có thể dùng các loại thuốc do bác sĩ chỉ định để điều trị.
Điều trị u tuyến yên trong thời gian dài, có thể áp dụng liệu pháp thay thế hormone. Đối với những tình trạng u tuyến yên đã phát triển lớn, kích thước của chúng gây chèn ép đến các cơ quan khác thì bệnh nhân cần xạ trị u hoặc phẫu thuật để loại bỏ.
Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc: u tuyến yên biểu hiện như thế nào. Bệnh nhân cần chú ý đến các triệu chứng nghi ngờ bệnh và đi thăm khám sớm để bệnh không dẫn đến những biến chứng nặng nề.