Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là bệnh lý nhãn khoa mà trong đó, kết mạc – lớp niêm mạc mỏng bao phủ mặt trong mí mắt và nhãn cầu, bị nhiễm trùng. Theo quan điểm dân gian thì đau mắt đỏ lây. Quan điểm này đúng hay không? Câu trả lời cho câu hỏi đau mắt đỏ có lây không sẽ được Thu Cúc TCI chia sẻ trong bài viết sau, đọc ngay nếu bạn quan tâm.
Triệu chứng đau mắt đỏ có thể thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, nhưng về cơ bản, những dấu hiệu nhận biết bệnh lý nhãn khoa này phổ biến là:
– Mắt sưng, đỏ: Do nở mạch máu và tăng tiết dịch, mắt thường sưng, đỏ khi đau mắt đỏ.
– Ngứa: Ngứa trong và xung quanh mắt là một triệu chứng phổ biến của đau mắt đỏ.
– Đau, nhức: Một triệu chứng phổ biến khác của đau mắt đỏ là đau, nhức mắt.
– Chảy nước mắt: Khi đau mắt đỏ, mắt có thể chảy nước mắt nhiều hơn bình thường.
– Nhạy cảm với ánh sáng: Mắt có thể nhạy cảm với ánh sáng, ánh sáng mạnh có thể làm tăng cảm giác đau, nhức mắt khi đau mắt đỏ.
– Tiết mủ mắt: Nếu nguyên nhân đau mắt đỏ là vi khuẩn, mắt có thể tiết mủ trắng hoặc vàng.
– Xuất hiện giả mạc: Giả mạc là màng mỏng bao phủ mặt trong mí mắt. Giả mạc xuất hiện là dấu hiệu của đau mắt đỏ nặng.
Menu xem nhanh:
1. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Đau mắt đỏ có lây không?
1.1. Nguyên nhân phát sinh bệnh lý nhãn khoa đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo đó, một số nguyên nhân gây đau mắt đỏ chính chúng ta có thể kể đến ở đây là:
– Vi khuẩn: Đau mắt đỏ phát sinh do vi khuẩn gọi là đau mắt đỏ vi khuẩn. Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, Chlamydia trachomatis… là những vi khuẩn chủ yếu gây đau mắt đỏ ở cả trẻ em và người trưởng thành.
– Virus: Virus cũng là một nguyên nhân gây đau mắt đỏ phổ biến. Đau mắt đỏ phát sinh do virus gọi là đau mắt đỏ virus. Những đại điện quan trọng nhất gây đau mắt đỏ thuộc nguyên nhân này là Adenovirus (thường xuất hiện vào mùa xuân và mùa hè), Herpes simplex virus (HSV) (đau mắt đỏ do HSV có thể chỉ là triệu chứng của một số nhiễm trùng khác do HSV), Varicella-zoster virus (VZV) (gây thủy đậu và sau đó là Zona thần kinh, đau mắt đỏ có thể cũng chỉ là triệu chứng của những bệnh truyền nhiễm cấp tính đó), Enterovirus…
– Dị ứng: Tiếp xúc với các dị nguyên như lông động vật, phấn hoa, bụi, hóa chất, một số thuốc… hoàn toàn có thể gây đau mắt đỏ.
– Chấn thương mắt: Các chấn thương vật lý cũng có thể gây đau mắt đỏ nếu không được chăm sóc sớm và cẩn thận.
1.2. Đau mắt đỏ có lây không?
Xem xét những nguyên nhân gây đau mắt đỏ phía trên, chúng ta có thể thấy, đau mắt đỏ có lây không phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau mắt đỏ cụ thể. Cụ thể, trong trường hợp phát sinh do vi khuẩn hoặc virus, đau mắt đỏ lây. Còn trong trường hợp phát sinh do dị ứng và chấn thương vật lý, đau mắt đỏ không lây. Đau mắt đỏ không chỉ có một đường lây. Đường lây đau mắt đỏ cũng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể. Dưới đây là các đường lây đau mắt đỏ chính bạn nhất định phải biết:
– Viêm kết mạc vi khuẩn: Lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với mủ mắt, nước mắt của người bệnh.
– Viêm kết mạc virus: Lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nước mắt, dịch mũi, dịch họng của người bệnh.
Bạn có thể nhiễm vi khuẩn, virus gây đau mắt đỏ thông qua những trung gian đó theo một số cách như: Sờ chạm tay vào các bề mặt vật dụng chứa chúng, như mặt bàn, mặt ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang… rồi sờ chạm tay lên mắt mũi miệng; sử dụng chung đồ đạc sinh hoạt cá nhân như chăn, gối, khăn mặt, bàn chải đánh răng, bát, đũa,… với người bệnh;…
Ngoài ra, bạn cũng có thể lây đau mắt đỏ nếu tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với một số dịch cơ thể khác, ngoài nước mắt, dịch mũi, dịch họng; ví dụ như trong trường hợp bạn quan hệ tình dục với người bệnh. Đây là đường lây đau mắt đỏ ít người biết.
2. Dự phòng bệnh lý nhãn khoa đau mắt đỏ như thế nào?
Để hạn chế nguy cơ đau mắt đỏ, bạn có thể thực hiện một số biện pháp vô cùng hữu dụng được gợi ý dưới đây:
– Hạn chế tiếp xúc với người bệnh đau mắt đỏ: Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh đau mắt đỏ, đặc biệt là khi họ có triệu chứng chảy nước mắt hoặc tiết mủ mắt. Nếu tiếp xúc, đeo khẩu trang đầy đủ và sau đó, hãy rửa tay sạch sẽ.
– Rửa tay thường xuyên: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong, mỗi lần ít nhất 20 giây là một biện pháp hiệu quả để tiêu diệt (nếu có) tác nhân gây bệnh, ở đây là vi khuẩn và virus. Biện pháp này đặc biệt nên thực hiện sau khi bạn về nhà từ nơi công cộng và trước khi bạn nấu nướng, ăn uống.
– Tập thói quen không sờ/chạm tay lên mắt mũi miệng: Đây là thói quen tốt, không chỉ giúp bạn dự phòng hiệu quả bệnh lý nhãn khoa đau mắt đỏ mà còn giúp bạn dự phòng nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính khác.
– Tập thói quen không sử dụng chung đồ đạc sinh hoạt cá nhân với người khác: Đây cũng là một thói quen giúp bạn “bất khả xâm phạm” trước nhiều bệnh lý, cả đơn giản và phức tạp.
– Giữ gìn vệ sinh không gian sinh hoạt: Lau chùi bề mặt đồ đạc sinh hoạt, giặt chăn gối thường xuyên…
Nếu bạn hoặc người thân có triệu chứng đau mắt đỏ, thăm khám với bác sĩ càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân và chỉ định phương pháp điều trị đau mắt đỏ phù hợp. Nguyên nhân khác nhau, đòi hỏi phương pháp điều trị khác nhau. Ví dụ như, viêm kết mạc vi khuẩn cần điều trị bằng thuốc khánh sinh, trong khi đó, viêm kết mạc virus lại cần điều trị bằng thuốc kháng virus. Bạn tuyệt đối không tự ý mua thuốc ngoài quầy và sử dụng, để tránh tiền mất tật mang.