Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, mắt của chúng ta thường xuyên phải tiếp xúc với các phương tiện điện tử, khói bụi, hóa chất, ô nhiễm môi trường khiến các bệnh lý về mắt ngàng càng gia tăng. Mắt là bộ phận nhạy cảm nhất của con người, vì vậy nếu không có chế độ chăm sóc hay nghỉ ngơi phù hợp sẽ dễ gặp một số tật khúc xạ ở mắt như các bệnh viễn loạn nhược thị.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu chung về các bệnh viễn loạn nhược thị
1.1. Định nghĩa về các bệnh viễn loạn nhược thị
Loạn thị là tật khúc xạ ở mắt do giác mạc ghi nhận những hình dạng khác so với hình thực tế. Những tia sáng khi đi vào mắt thay vì hội tụ tại một điểm thì lại bị khuếch tán trên võng mạc khiến hình ảnh thu được méo mó và nhòe.
Viễn thị là bệnh lý tại mắt phổ biến. Người mắc viễn thị thường dễ dàng nhìn thấy các vật ở xa hơn nhưng lại khó khăn thì nhìn những vật ở gần. Người mắc viễn thị nặng khi nhìn mọi sự vật xung quanh sẽ cảm thấy bị mờ dù ở mọi khoảng cách.
Nhược thị hay còn gọi là “mắt lười” là sự suy giảm thị lực ở một hoặc hai bên mắt. Tình trạng này bị gây ra bởi sự tương tác bất thường giữa hai mắt trong giai đoạn phát triển thị giác quan trọng nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhược thị sẽ xuất hiện từ những giai đoạn đầu đời của trẻ và làm gián đoạn sự phát triển bình thường ở trẻ.
1.2. Dấu hiệu phân biệt các bệnh viễn loạn nhược thị
Loạn thị
Dấu hiệu loạn thị ở mắt sẽ khác nhau ở mỗi người bệnh, thậm chí là không xuất hiện dấu hiệu nào. Các triệu chứng có thể gặp ở loạn thị gồm:
– Mờ mắt: Khó nhìn thấy chi tiết trên các vật thể ở xa.
– Nhìn thấy ánh sáng chói hoặc quầng sáng nhòe xung quanh đèn.
– Tầm nhìn mờ hoặc méo mó.
– Khó nhìn vào ban đêm.
– Mỏi mắt.
– Nhức đầu.
– Nheo mắt.
Viễn thị
Những người mắc viễn thị có thể không nhận ra vấn đề về tầm nhìn của mình. Tuy nhiên, nếu mắt cần làm việc nhiều hơn người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng viễn thị ở mắt như:
– Nhìn mờ đặc biệt đối với những vật thể ở gần.
– Mỏi mắt, đau nhức trong hoặc xung quanh mắt.
– Khó đọc.
– Lác mắt.
Nhược thị
Bệnh lý nhược thị xảy ra phổ biến ở trẻ em. Khi mắc nhược thị, trẻ thường không có dấu hiệu đặc biệt khiến việc phát hiện gặp nhiều khó khăn. Bởi trẻ em không thể nhận thức rõ việc có một mắt nhìn tốt và một mắt nhìn yếu. Một vài dấu hiệu nhược thị mà phụ huynh cần chú ý đó là:
– Lác hoặc lé.
– Hay nheo mắt, nháy mắt liên tục khi nhìn xa.
– Hay nghiêng đầu khi xem TV, máy vi tính.
– Hay dụi mắt.
Thông thường, bệnh nhược thị chỉ được phát hiện qua khám sàng lọc nên phụ huynh nên cho trẻ thực hiện khám định kỳ hàng năm.
2. Phương pháp điều trị tình trạng viễn thị, loạn thị và nhược thị
2.1. Phương pháp điều trị viễn thị
– Đeo kính: Thấu kính trong kính đeo mắt giúp điều chỉnh viễn thị bằng cách thay đổi cách ánh sáng tập trung vào võng mạc. Bao gồm các loại tròng mắt như đơn tròng hoặc đa tròng. Mức độ viễn sẽ quyết định loại tròng kính và tần suất người bệnh cần đeo.
– Kính áp tròng: Chỉnh ánh sáng bị bẻ cong khi đi vào mắt. Điểm tiếp xúc nhỏ hơn các thấu kính trong kính và nằm ngay trên bề mặt nhãn cầu.
– Phẫu thuật: Điều chỉnh tật viễn thị bằng cách định hình lại độ cong của giác mạc.
2.2. Phương pháp điều trị loạn thị
Điều trị loạn thị bằng phương pháp đeo kính mắt hoặc đeo kính áp tròng có thể điều chỉnh đa số các trường hợp mắc loạn thị như:
– Với loạn thị ở thể nhẹ (không ảnh hưởng nhiều tới thị lực), người bệnh không cần đeo kính hay kính áp tròng.
– Với loạn thị ở mức độ trung bình, người mắc bệnh cần điều chỉnh thấu kính như:
Kính mắt: Tròng kính mắt được uốn cong để chống lại hình dạng của giác mạc hoặc thủy tinh thể gây mờ mắt. Tùy từng mức độ mắt mà bác sĩ sẽ điều chỉnh kính cho phù hợp.
Kính áp tròng: Loại thấu kính bằng silicon (kính tròng mềm) hoặc thủy tinh (kính tròng cứng) mỏng, vừa với giác mạc của mắt và điều chỉnh thị lực.
Phẫu thuật: Phương pháp này phù hợp với những đối tượng gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về thị lực.
2.3. Phương pháp điều trị nhược thị
Để điều trị nhược thị, bác sĩ cần phải kiểm tra để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh như đục thủy tinh thể, cận thị, viễn thị… sau đó điều trị theo phác đồ chuẩn gồm:
– Chỉnh quang: Được đeo kính đúng số mắt để đạt thị lực tối đa. Có thể sử dụng kính gọng, kính tiếp xúc hoặc kính nội nhãn để điều trị tật khúc xạ của trẻ.
– Gia phạt và kích thích thị giác: Áp dụng các phương pháp khác nhau để làm mờ mắt không nhược thị. Trong thời gian gia phạt, cần được kích thích thị giác mắt nhược thị bằng các bài tập hoặc hoạt động kích thích thị giác.
– Chỉnh lác (nếu có): Điều chỉnh bằng các bài tập thị giác, lăng kính hoặc phẫu thuật. Hai giai đoạn trên có thể linh hoạt thay đổi vị trí trong một số trường hợp.
– Hoàn thiện chức năng thị giác hai mắt: Khám và cung cấp các bài tập thị giác hai mắt và các vấn đề về thị giác hai mắt còn lại được hồi phục.
3. Cách phòng ngừa các bệnh viễn thị, loạn thị và nhược thị
Có thể thấy rằng, những tật về mắt nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn so với những đối tượng điều trị muộn. Đồng thời, để cải thiện thị lực thì khi làm việc, học tập cần chú ý một số điều sau để bảo vệ mắt:
– Cung cấp đủ ánh sáng với cường độ tốt để học tập và làm việc. Ngồi cách màn hình máy tính một khoảng 50 – 65 cm.
– Cần có thời gian thư giãn và nghỉ cho mắt sau khi học tập hoặc làm việc quá dài. Có thể nhìn ra xa khoảng 5m hoặc đi lại trong phòng…
– Hạn chế đọc sách khi đang di chuyển, đi xe, máy bay…
– Vệ sinh mắt bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý mỗi ngày.
– Chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý, nhất là các thực phẩm giàu vitamin A.
– Không thức quá khuya để làm việc với máy tính và sử dụng điện thoại trong bóng tối.
– Khám định kỳ 6 tháng/lần để theo dõi tình trạng mắt.
Trên đây là một số thông tin cung cấp về một số tật ở mắt có thể gặp như viễn loạn nhược thị. Hy vọng bạn có thể nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh và điều trị hiệu quả. Nếu bạn có câu hỏi hay thông tin nào cần giải đáp, hãy liên hệ tới Hệ thống y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ sớm nhất!