Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì là câu hỏi được rất nhiều bạn đọc thắc mắc xung quanh bệnh lý gan nhiễm mỡ. Hiện nay, tỷ lệ người dân mắc bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng tăng, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vậy gan nhiễm mỡ nguy hiểm như thế nào, điều trị ra sao, chúng tôi sẽ giải đáp qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Gan nhiễm mỡ là bệnh gì?
Tình trạng gan nhiễm mỡ hiện nay không hiếm gặp. Khi hàm lượng chất béo (mỡ) trong gan cao hơn bình thường gọi là gan nhiễm mỡ. Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, song nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể gây nguy hiểm. Các hệ lụy điển hình như là: suy giảm chức năng gan, xơ gan, ung thư gan,…
Hiện nay người ta chia gan nhiễm mỡ làm 3 mức độ khác nhau:
– Gan nhiễm mỡ độ I: Hàm lượng chất béo chiếm 5 – 10% trọng lượng của gan.
– Gan nhiễm mỡ độ II: Hàm lượng chất béo chiếm 10 – 25% trọng lượng của gan.
– Gan nhiễm mỡ độ III: Tình trạng nặng, khó điều trị, hàm lượng chất béo vượt quá 25% trọng lượng của gan và có thể gây nhiều biến chứng.
2. Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?
Gan nhiễm mỡ là bệnh lý xuất hiện phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống của người bệnh. Người ta chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra ở các đối tượng như béo phì, uống rượu bia nhiều, người bị bệnh tiểu đường hay những người có nồng độ cholesterol trong máu cao,…
Mức độ nguy hiểm của bệnh phụ thuộc vào xác định mức độ bệnh.
Thông thường, gan nhiễm mỡ độ I sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, người bệnh chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt có thể cải thiện được vấn đề.
Gan nhiễm mỡ độ II là bước trung gian, cần được dùng thuốc dưới chỉ định của bác sĩ. Giai đoạn này bệnh không có biểu hiện triệu chứng, do đó người bệnh rất dễ bỏ qua. Thay đổi lối sống, ăn uống kết hợp với sử dụng thuốc sẽ giúp lá gan khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, nếu bỏ qua giai đoạn này đồng nghĩa bạn đã thực sự làm hỏng lá gan của mình.
Giai đoạn II là giai đoạn bệnh nặng. Dù có thực hiện các biện pháp tối ưu nhất thì lá gan đã bị tổn thương. Rất khó điều trị và hồi phục. Có nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như xơ gan, ung thư gan và nặng nhất là tử vong.
3. Chẩn đoán gan nhiễm mỡ
Hầu hết các bệnh nhân phát hiện gan nhiễm mỡ do tình cờ khi khám sức khỏe. Sau khi nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định một vài xét nghiệm hoặc chiếu chụp để phân biệt với các bệnh lý khác về gan.
3.1. Chẩn đoán hình ảnh
X quang, siêu âm, chụp cắt lớp hay chụp cộng hưởng từ đều là những biện pháp thường dùng. Tùy vào từng trường hợp sẽ có những phương thức khác nhau để giúp bác sĩ xác định được sự bất thường của lá gan. Siêu âm thường là biện pháp đơn giản nhất.
3.2. Xét nghiệm công thức máu thăm dò các chỉ số chức năng gan
Thông thường sẽ kiểm tra các chỉ số men gan ALT, AST có tăng cao không, theo dõi các chỉ số triglycerid, cholesterol,…
Nếu nghi ngờ có tiến triển xơ gan, cần xét nghiệm thêm bilirubin, albumin, đông máu,…
4. Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì?
Hiện nay, chưa có thuốc điều đặc hiệu điều trị gan nhiễm mỡ. Bác sĩ dựa trên nguyên nhân gây bệnh, tình trạng bệnh của bệnh nhân mà có chỉ định phù hợp. Tùy trường hợp mà bệnh nhân mắc các bệnh lý khác kèm theo, sẽ phải cân nhắc điều trị kết hợp.
4.1. Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì: Tây y
Một số nhóm thuốc chung hay thường được chỉ định cho bệnh nhân:
– Nhóm các vitamin: Các vitamin B, C, E có khả năng hòa tan các chất béo dư thừa, bảo vệ các tế bào gan. Ngoài ra, bổ sung vitamin giúp cơ thể tăng sức đề kháng, tăng cường miễn dịch. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều chế phẩm viên uống chứa một hoặc nhiều vitamin.
– Nhóm các acid amin: Arginine hay methionin là những acid amin được sử dụng nhiều trên nhóm đối tượng gan nhiễm mỡ. Arginine giúp trung hóa NH3 trong cơ thể, giải độc gan, giảm mỡ cho gan; methionin giúp thúc đẩy quá trình hòa tan mỡ thừa ở gan, phục hồi chức năng gan.
– Thuốc chứa choline: Thường dùng hơn đối với bệnh nhân gan nhiễm mỡ do rượu bia. Thuốc làm giảm triệu chứng, giảm sự khó chịu cho người bệnh. Đồng thời chất này cũng làm giảm thiểu sự tổn thương cho gan, giảm cholesterol gan,…
Bên cạnh đó, trên nền bệnh nhân mắc các bệnh lý khác kèm theo như rối loạn mỡ máu cần kết hợp các nhóm thuốc statin, fibrat. Hay người bị viêm gan virus cần bổ sung thêm các thuốc kháng virus,…
Sử dụng thuốc tây y trong điều trị có ưu điểm là thuốc cho tác dụng khá nhanh, làm giảm triệu chứng rõ rệt, giúp người bệnh thoải mái nhanh. Tuy nhiên, khi sử dụng trong thời gian dài, lượng thuốc nhiều có thể gây tác dụng ngược lại làm gánh nặng cho gan, thận và các cơ quan khác.
4.2. Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì: Đông y
Ngoài tây y, đông y cũng chiếm một phần không nhỏ trong điều trị các bệnh lý gan mật nói chung, gan nhiễm mỡ nói riêng.
Các bài thuốc đông y hỗ trợ điều trị có thể kể đến như: thế thấp nhiệt uất kết (nhân trần, hạ liên châu, củ đợi, xích thược, bạch truật, xa tiền, hương phụ,…); thế đàm thấp trở trệ (bán hạ, hậu phác, hồng hoa, tô mộc, đương quy, sơn trà, nhân trần,…); Thể can tỳ lưỡng hư (nhân trần, hạ liên châu, bạch truật, sinh khương, ngũ gia bì, sơn trà,…).
Đó là các bài thuốc bao gồm nhiều vị thuốc khác nhau, một số cây đơn lẻ cũng hay được dân gian truyền tai nhau giúp hỗ trợ điều trị như: cà gai leo, diệp hạ châu, atiso,…
Điều trị bằng đông y có một nhược điểm là bệnh nhân phải uống thuốc dài ngày và cần sự kiên trì.
5. Các biện pháp điều trị không dùng thuốc
Như đã đề cập ở trên, gan nhiễm mỡ độ I chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, bệnh tình sẽ cải thiện rất nhiều. Không những thế, khi bệnh nặng hơn, ngoài dùng thuốc, bệnh nhân vẫn cần có một chế độ ăn uống hợp lý.
Người bệnh bị gan nhiễm mỡ nên: Ăn nhiều rau xanh, dầu có nguồn gốc thực vật, đạm từ thực vật (trứng, sữa, đậu, đỗ,…),
Những thực phẩm nên tránh: chất béo, mỡ động vật, thức ăn có hàm lượng cholesterol cao, thịt đỏ, chất kích thích như rượu, bia, nước có gas, trà, cà phê,…
Ngoài ra, giảm cân ở những người thừa cân, béo phì cũng rất cần thiết đối với bệnh nhân gan nhiễm mỡ.
6. Cách phòng bệnh gan nhiễm mỡ
Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh, việc phòng bệnh là một hành động vô cùng cần thiết:
– Tập luyện thể dục thể thao vừa sức, giữ mức cân nặng hợp lý.
– Thực hiện ăn uống lành mạnh, khoa học, hạn chế các chất kích thích, đồ ăn nhanh, dầu mỡ, nhiều chất béo xấu, không ăn thực phẩm ôi thiu, không rõ nguồn gốc,…
– Sống thoải mái để tinh thần lạc quan vui vẻ, tránh lo âu.
– Học cách kiểm soát mức năng lượng nạp vào cơ thể.
– Tìm hiểu về bệnh và những nguy cơ mắc bệnh phù hợp với độ tuổi, thể trạng.
Trên đây là một số những thông tin để bạn đọc tham khảo thêm về điều trị bệnh lý gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, để trả lời cho câu hỏi gan nhiễm mỡ uống thuốc gì còn phụ thuốc vào nhiều yếu tố liên quan đến tình trạng của bệnh nhân. Với đội ngũ cán bộ y bác sĩ chuyên nghiệp, tận tậm, Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc luôn sẵn sàng tư vấn, thăm khám cho bệnh nhân khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.